.

Sớm tạo điều kiện mở rộng Trường THPT Ngô Quyền

.

Mặc dù trong năm 2010, các cấp, các ngành chức năng thành phố đã áp giá đền bù giải tỏa thỏa đáng để di dời đến nơi ở mới, nhưng đến nay, hai hộ dân có các công trình xây dựng nằm trong khuôn viên Trường THPT Ngô Quyền vẫn chưa hoàn trả mặt bằng cho nhà trường. Điều đó đã tạo nên sự nhếch nhác, mất mỹ quan và làm ảnh hưởng lớn đến hoạt động dạy và học của nhà trường, gây bức xúc trong cán bộ, giáo viên.

Mô tả ảnh.
Căn phòng gia đình ông Huỳnh Văn Nhân ở được Ban giám hiệu Trường trung học bán công Ngô Quyền tạm cấp năm 1997 để làm chỗ ở đến nay vẫn chưa được di dời đi nơi khác, tạo nên cảnh nhếch nhác, mất mỹ quan trong khuôn viên Trường THPT Ngô Quyền (ảnh chụp ngày 5-5-2011).

 

Cố tình chây ì 

Theo tài liệu chúng tôi thu thập được, năm 1985, ông Lê Hoàng Vũ (nay đã chết, nguyên Hiệu trưởng Trường Bổ túc văn hóa trung học tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng) được Trường Bổ túc văn hóa trung học tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng (nay là Trường THPT Ngô Quyền) cấp căn phòng số 28, diện tích chính 64m2, diện tích phụ 20m2 trong khuôn viên trường. Đến năm 1989, ông Lê Hoàng Vũ được Trường Bổ túc văn hóa trung học tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng đồng ý hóa giá căn phòng này và sử dụng làm nhà ở từ đó cho đến nay. Năm 1997, ông Huỳnh Văn Nhân (hiện là nhân viên hợp đồng của Trường THPT Ngô Quyền) cũng được Ban giám hiệu Trường trung học bán công Ngô Quyền tạm cấp một căn phòng có diện tích 6m x 4,2m nằm trong khuôn viên trường để làm chỗ ở.

Quá trình thực hiện dự án đường Nguyễn Văn Linh nối dài, UBND thành phố đã có quyết định thu hồi một phần diện tích đất của Trường THPT Ngô Quyền và thu hồi đất đối với hai hộ ông Lê Hoàng Vũ và ông Huỳnh Văn Nhân để Trường THPT Ngô Quyền mở rộng diện tích, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất. Căn cứ trên hồ sơ giấy tờ nhà đất, UBND thành phố đã đồng ý hỗ trợ cho hộ ông Lê Hoàng Vũ 100% giá trị về nhà, vật kiến trúc, với số tiền gần 250 triệu đồng và bố trí một lô đất chính đường 5,5m tại khu tái định cư phía đông xưởng 38 và 387. 

Còn đối với trường hợp ông Huỳnh Văn Nhân, do căn phòng mà gia đình ông ở trước đây được Ban giám hiệu Trường trung học bán công Ngô Quyền tạm cấp, nên UBND thành phố quyết định hỗ trợ gần 60 triệu đồng phần diện tích gia đình ông Nhân đã tự sửa chữa, xây dựng lại. Đồng thời, UBND thành phố ban hành Quyết định số 7274/UBND-ĐBGT ngày 18-11-2010 nêu rõ: Yêu cầu hai hộ gia đình ông Lê Hoàng Vũ và Huỳnh Văn Nhân bàn giao mặt bằng trước ngày 30-11-2010 để Trường THPT Ngô Quyền xây dựng cơ sở vật chất. Trường hợp các chủ hộ vẫn không chấp hành, yêu cầu Chủ tịch UBND quận Sơn Trà chỉ đạo các đơn vị chức năng lập thủ tục liên quan để tiến hành xử lý hành chính theo quy định. 

Việc giải quyết của UBND thành phố đối với hai hộ ông Lê Hoàng Vũ và Huỳnh Văn Nhân như trên đã thấu tình đạt lý. Tuy nhiên, đến nay, hai hộ này vẫn cố tình chây ì, không chịu di dời, trả lại mặt bằng cho Trường THPT Ngô Quyền. Trong đó, hộ ông Huỳnh Văn Nhân đòi hỏi UBND thành phố phải bố trí đất tái định cư thì mới chịu di dời, hoàn trả mặt bằng (?). 

Nỗi khổ của nhà trường

Trước thái độ chây ì, không chấp hành chủ trương di dời, giải tỏa, hoàn trả lại mặt bằng theo chỉ đạo của UBND thành phố như đã nêu trên, ông Nguyễn Thanh Phương, Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Quyền bức xúc: Sự tồn tại hai căn nhà của các hộ dân nói trên ngay trong khuôn viên nhà trường đã chiếm một khoảng diện tích lớn, tạo nên cảnh nhếch nhác, mất mỹ quan. Cũng vì cấn hai ngôi nhà này, nên nhà trường không xây dựng được tường rào cổng ngõ, nhà để xe cho giáo viên, không có chỗ cho học sinh học thể dục-thể thao. Đối với trường hợp hộ ông Huỳnh Văn Nhân, vì không có lối đi nên lâu nay cổng trường đã trở thành lối đi chung cho gia đình ông, dẫn đến không bảo đảm an ninh trật tự trong khu vực trường. Đáng nói hơn, khu vực nhà vệ sinh của gia đình ông Nhân nằm ngay cổng trường, trông rất phản cảm.

“Ban giám hiệu nhà trường đã nhiều lần phối hợp với chính quyền địa phương, các ban ngành chức năng mời hai hộ nói trên đến giải quyết, yêu cầu chấp hành chủ trương giải tỏa, trả lại mặt bằng cho nhà trường, nhưng hai hộ này cứ hẹn lần hẹn lữa rồi đưa ra nhiều yêu sách, không chấp hành. Mong rằng, các cơ quan chức năng thành phố cần kiên quyết xử lý để nhà trường lấy mặt bằng tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, ổn định hoạt động dạy học”, ông Phương nói.

Trong công văn gửi UBND thành phố, ông Lê Trung Chinh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cũng nêu, hai hộ gia đình ông Lê Hoàng Vũ và Huỳnh Văn Nhân không chấp hành di dời gây trở ngại lớn cho việc ổn định cơ sở vật chất Trường THPT Ngô Quyền. Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị UBND thành phố giao cho Hội đồng giải phóng mặt bằng tiến hành cưỡng chế.

Giải thích về việc vì sao đến nay vẫn chưa thực hiện Quyết định số 7274/UBND-ĐBGT ngày 18-11-2010 của UBND thành phố, ông Huỳnh Văn Hùng, Phó Chánh Văn phòng UBND quận Sơn Trà cho biết, UBND quận đã ban hành các quyết định xử lý hành chính và quyết định cưỡng chế hành chính đối với hai hộ ông Lê Hoàng Vũ và Huỳnh Văn Nhân. Lúc đầu, UBND quận dự tính tổ chức cưỡng chế hành chính vào ngày 10-4-2011, nhưng do một số yếu tố khách quan nên đã hoãn lại. Trong thời gian đến, UBND quận sẽ tiến hành cưỡng chế hành chính đối với hai hộ dân này, để bàn giao mặt bằng cho Trường THPT Ngô Quyền.

Bài và ảnh: NGỌC ĐOAN

;
.
.
.
.
.