.

Đề án dạy và học Ngoại ngữ giai đoạn 2008-2020: Chất lượng đặt lên hàng đầu

Ngày 25-6, tại Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐH Đà Nẵng, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2011 Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020, với sự tham dự của 18 trường ĐH và CĐ trong toàn quốc tham gia đề án. Chỉ đạo hội nghị có các Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển và Bùi Văn Ga.

Theo Bộ GD&ĐT, mục tiêu chung của đề án là đổi mới toàn diện việc dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân, triển khai chương trình dạy và học ngoại ngữ mới ở các cấp học, trình độ học, phấn đấu đến năm 2015 đạt được một bước tiến rõ rệt về trình độ, năng lực sử dụng ngoại ngữ của nguồn nhân lực, nhất là đối với một số lĩnh vực ưu tiên; đến năm 2020, ngoại ngữ phải trở thành thế mạnh của học sinh, sinh viên Việt Nam trong học thuật, giao tiếp, nghiên cứu…

Các đại biểu tham dự hội nghị đã có nhiều kiến nghị, đồng thời nêu lên những tồn tại hiện nay trong việc thực hiện Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020. TS Nguyễn Thị Cúc Phương - ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, cần hỗ trợ và triển khai nghiên cứu ứng dụng khung tham chiếu châu Âu (CEFR) về ngoại ngữ tại Việt Nam, dựa trên cơ sở lý luận và thực tiễn ứng dụng CEFR; xây dựng khung năng lực ngoại ngữ cho người Việt; soạn sách hướng dẫn về yêu cầu cụ thể của từng trình độ; tổ chức tập huấn cho giáo viên về chương trình, giáo trình, phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá; đào tạo, hỗ trợ cho giáo viên dạy ngoại ngữ chuyên ngành và dạy môn chuyên ngành bằng ngoại ngữ gồm giáo viên ở các trường THPT chuyên và giảng viên các trường ĐH, CĐ.  Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng, cần ban hành mẫu chứng chỉ chung, tránh mỗi trường, mỗi bậc ĐH, cao học in ra và cấp những mẫu khác nhau dù cùng trình độ; sớm xây dựng các trung tâm khảo thí hoặc trung tâm kiểm tra đánh giá độc lập trình độ ngoại ngữ của giảng viên, sinh viên…

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển yêu cầu 18 trường ĐH, CĐ tham gia Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 phải bảo đảm lực lượng giảng viên đủ về cả số lượng lẫn năng lực ngoại ngữ, để bồi dưỡng giáo viên cho các trường phổ thông và giáo viên tiếng Anh tiểu học ở các trường thực hành sư phạm. Trong quá trình triển khai đề án, phải lấy chất lượng dạy và học đặt lên hàng đầu; các trường cần thực hiện tốt công tác xã hội hóa để tận dụng sức mạnh trong và ngoài nhà trường trong việc tạo môi trường sử dụng tiếng Anh cho giáo viên và học sinh. Cũng theo ông Hiển, đối với Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân, Bộ GD&ĐT chỉ triển khai ở những nơi nào có điều kiện. Đối với những địa phương chưa đủ điều kiện cần tích cực cải thiện, bổ sung để tham gia đề án.

Ngọc Đoan
;
.
.
.
.
.