.

Đổ xô đi luyện thi đại học cấp tốc

.
(ĐNĐT) - Đến hẹn lại lên, sau khi hoàn thành các môn thi tốt nghiệp THPT, sĩ tử bắt đầu đổ dồn về các trung tâm luyện thi Đại học (TTLTĐH) khiến không khí ở các “lò” ngày càng nóng.

“Lò” luyện thi bắt đầu “nóng”!

Chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa bắt đầu kỳ thi đại học, nên ngay sau thi tốt nghiệp xong, các sĩ tử khắp nơi đổ về Đà Nẵng để luyện thi cấp tốc khiến không khí ở các “lò” ngày càng nóng.
 
Tại một số trung tâm luyện thi Đại học trên đường Ông Ích Khiêm, Trần Cao Vân, Ngô Quyền, Núi Thành…chúng tôi thấy tất cả các "lò" đều rất đông học sinh đến tìm hiểu, đăng ký, mua thẻ để ôn thi đại học. Tại các trung tâm đều trưng các tấm biển quảng cáo, khuyến mãi, với những lời hứa “đảm bảo đậu” làm cho các sĩ tử như lạc giữa ma trận “lò” luyện.
 
Mô tả ảnh.
Một trung tâm luyện thi đại học trên đường Núi  Thành (quận  Hải Châu) với những lời quảng cáo "có cánh": "Rớt đại học không thu học phí, đậu đại học mới thu học phí"
 
Theo khảo sát, tại Đà Nẵng hiện có khoảng 30 TTLTĐH đang hoạt động rất rầm rộ, song đa phần các trung tâm luyện thi này đều không có giấy phép theo quy định.

Ông Phạm Ngọc Thành – Giám đốc Trung tâm luyện thi Thành Đạt (727 đường Trần Cao Vân) cho biết: “Trung tâm có lớp luyện thi đại học dài hạn và cấp tốc, từ đầu tháng 6, số lượng sĩ tử đăng ký học ôn thi cấp tốc tăng dần. Để phục vụ nhu cầu ôn thi tăng cao trong dịp này, trung tâm tổ chức khai giảng các lớp cấp tốc vào đầu tháng 6 và dạy đến hết ngày 30-6. Các lớp được chia làm nhiều ca, ca sớm nhất từ 7 giờ 30 sáng và muộn nhất là ca 19 giờ 30. Số lượng học sinh đăng ký mỗi môn học dao động từ 20- 30 học viên/phòng. Đa số là học sinh từ các tỉnh lân cận như Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam… đến đăng ký”.

Cũng theo ông Thành, giá mỗi môn học ôn cấp tốc tại Trung tâm là 400 ngàn đồng/môn (ngày thường chỉ mức dao động trong khoảng 170-180.000đồng), mà theo lý giải thì “do lịch ôn cấp tốc nên học sinh học nhiều ca nên thu học phí cao hơn ngày thường”.

“Mục tiêu của chúng tôi là chất lượng và uy tín, nên học sinh theo học được theo dõi, kiểm tra qua thẻ, nắm điểm tổng kết và các thông tin một cách cụ thể” – ông Thành cho biết thêm.

Còn theo đại diện Trung tâm Bồi dưỡng kiến thức và luyện thi Trần Cao Vân (701 Trần Cao Vân), mức giá ôn thi đại học cấp tốc cho 3 môn là 1,2 triệu đồng/khóa/3 môn (20 ngày). “Mục tiêu của chúng tôi là chất lượng, nên các em đăng ký học đều được theo dõi sát sao kết quả để đánh giá năng lực giáo viên và giữ uy tín cho Trung tâm. Riêng môn Anh Văn thì còn làm cả bài test thử trước khi nhận thí sinh để chia lớp cho phù hợp. Một số môn kể cả có 2-3 học sinh đăng ký chúng tôi cũng sắp xếp giáo viên để dạy, nhưng mức học phí sẽ thu cao hơn”, người đại diện trung tâm cho biết.
 
Tại TTLTĐH Tài Tâm trên đường Núi Thành, khi chúng tôi hỏi cũng được các nhân viên nhiệt tình chào đón, và dặn "nếu đăng ký thì ghi danh chiều nay học luôn, chứ thời gian ôn chẳng còn bao nhiêu" và đưa ra mức giá ôn thi đại học cấp tốc các khối với giá 380.000 đồng/môn/khóa (20 ngày). Lướt qua danh sách thí sinh đăng ký ôn thi tại đây cũng đã lên tới con số gần 500 em.
 
Mất một hồi tìm kiếm, chúng tôi mới lần thấy địa điểm luyện thi ĐH Trí Đức trong kiệt nhỏ cũng trên đường Núi Thành (quận Hải Châu, Đà Nẵng). Một nữ thí sinh tên Nhung (quê Điện Bàn, Quảng  Nam) vừa ôn thi ca sớm nhất tại đây ra về cho hay: sau khi thi xong tốt nghiệp là em ra nhà cô họ ngoài  Đà Nẵng và ôn thi tại đây. Em chỉ ôn môn Anh Văn để thi vào ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng, với giá 400.000 đồng/khóa (22 ngày học). Lớp học khá đông (Nhung ước tính có khoảng 60-70 người) và rất nóng, nên em phải tranh thủ đi từ sớm để được ngồi bàn trên cùng mới nghe được bài. Thầy cô chủ yếu dạy kiến thức cơ bản, lại nói nhanh nên em tiếp thu chẳng được bao nhiêu.
 
Khó kiểm soát hết!

Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng cho biết, năm 2011 Sở đã cấp phép dạy thêm (tại nhà riêng hoặc tại các cơ sở) cho 327 giáo viên cấp THPT; 7 TTLTĐH và 3 cơ sở luyện thi đại học trên địa bàn thành phố.
 
Mô tả ảnh.
Các sĩ tử trong lớp học ôn cấp tốc tại Trung tâm luyện thi Thành Đạt (727 đường Trần Cao Vân, quận Thanh Khê, Đà Nẵng).
 
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng, việc cấp phép cho các trung tâm hoạt động là không hạn chế, tuy nhiên theo quy định của Ủy ban Nhân dân thành phố, các trung tâm được cấp phép phải đảm bảo về cơ sở vật chất, và các điều kiện hoạt động khác. Song nhiều trung tâm không được cấp phép là do không đủ các tiêu chí theo quy định hoặc các đơn vị này được một Sở khác cấp phép kinh doanh và họ tìm cách “lách luật” để đủ điều kiện mở TTLTĐH.

Hầu hết các lò luyện thi “chui” là tận dụng nhà ở để tổ chức dạy học nên các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuê mướn giáo viên và sinh viên từ nhiều nơi để tổ chức giảng dạy… nên chất lượng dạy học không đảm bảo (như TTLT Quốc Gia trên đường Ngô Quyền; một số Trung tâm gần trường  ĐH Sư phạm...).

Tuy nhiên, lực lượng chức năng của Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố còn thiếu, và khi kiểm tra hoạt động của các trung tâm luyện thi này phải huy động nhiều ngành tham gia nên việc kiểm tra không được thường xuyên. Bên cạnh đó chế tài xử phạt cũng chưa rõ nên nhiều trung tâm “chui” vẫn có “đất” để tồn tại được.

Trao đổi với chúng tôi, một cán bộ của Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng cho rằng: “Tâm lý học sinh thường muốn tới ôn tại các lớp luyện thi cấp tốc để cảm thấy… yên tâm hơn. Nhưng thường các lớp này rất đông học viên, thời gian ôn rất ngắn, giảng viên thường chỉ dạy phương pháp. Nếu các em học sinh biết phương pháp để tự học và học tốt theo kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa được thì cũng đã đảm bảo khả năng đậu rất cao. Còn các em không đầu tư bài vở ở nhà thì đến lớp luyện thi cũng không có tác dụng”, cán bộ này nhận xét.
 

Hiện mới có 7 TTLTĐH và 3 cơ sở luyện thi (CSLT) được Sở GD-ĐT thành phố Đà Nẵng cấp phép gồm: Trung tâm bồi dưỡng kiến thức và luyện thi ĐH Dân Trí (63 Phan Đăng Lưu); TTLT Kính Vạn Hoa (505 Lê Thanh Nghị); TTLT Gia Minh (550 Điện Biên Phủ); Trung tâm bồi dưỡng kiến thức và luyện thi đại học Minh Tâm (Trường Phan Thành Tài); Trung tâm bồi dưỡng văn hóa, luyện thi đại học Thành Đạt (727 Trần Cao Vân); Trung tâm bồi dưỡng văn hóa và luyện thi Nguyễn Hoàng (23D4 Trần Nhân Tông); Trung tâm bồi dưỡng kiến thức và luyện thi Trần Cao Vân (701 Trần Cao Vân).

3 cơ sở luyện thi là: Cơ sở luyện thi Thanh Trúc (K161/1 Hải Phòng); Cơ sở luyện thi Quang Minh (lô 391-392 Khu tái định cư Quang Thái – phường Hòa Minh) và Cơ sở Olympia (913 Ngô Quyền).


Bài và ảnh: Yên Giang
 
;
.
.
.
.
.