.

Định hướng xây dựng Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn

.
Vừa qua, UBND thành phố Đà Nẵng đã phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn đến năm 2015, định hướng đến năm 2020, với tổng kinh phí 66 tỷ đồng. Theo đó, mục tiêu đến năm 2015, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn được công nhận là trường trọng điểm quốc gia và đến năm 2020 sẽ ngang tầm với các trường trung học tiên tiến trong khu vực và quốc tế. Trao đổi với P.V Báo Đà Nẵng, Tiến sĩ Nguyễn Đình Vĩnh (ảnh), Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn cho biết:

Mô tả ảnh.
Hiện nhà trường đang tích cực đầu tư để đến năm 2015, trở thành hình mẫu tiêu biểu của các trường THPT về cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo và tổ chức hoạt động giáo dục. Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn sẽ là một trong số các trường THPT chuyên chất lượng trọng điểm quốc gia, dẫn đầu trong hệ thống các trường THPT chuyên của cả nước, ngang tầm với các trường trung học tiên tiến trong khu vực và quốc tế.

Theo đó, đến năm 2015, đội ngũ cán bộ quản lý phải sử dụng thành thạo về tin học và 50% có khả năng sử dụng ngoại ngữ trong giao tiếp, nghiên cứu khoa học... Có 80% giáo viên đạt trình độ chuyên môn trên chuẩn; 100% giáo viên đứng lớp nghiên cứu viết chuyên đề về chuyên môn. Về chất lượng đào tạo, có 80% học sinh đến hết lớp 12 thành thạo về tin học; 50% học sinh đạt bậc 3 về ngoại ngữ theo tiêu chí do Hiệp hội các tổ chức khảo thí ngoại ngữ châu Âu ban hành. Hằng năm, có ít nhất 80% số học sinh dự thi học sinh giỏi đoạt giải quốc gia; phấn đấu hằng năm có học sinh dự thi và đạt giải khu vực, quốc tế…

* P.V: Những năm qua, công tác hợp tác quốc tế của Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn không ngừng được đẩy mạnh. Vậy hiệu quả của sự hợp tác trong việc nâng cao chất lượng dạy và học tại trường như thế nào, thưa ông?

- Tiến sĩ Nguyễn Đình Vĩnh: Đến nay, nhà trường đã thiết lập mối quan hệ với hơn 20 trường ĐH trên thế giới và một số tổ chức giáo dục nước ngoài đóng ở Việt Nam, thông qua các chương trình hợp tác… Nhờ đó, đội ngũ cán bộ, giáo viên nhà trường cũng có điều kiện học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, đổi mới phương pháp giảng dạy. Bên cạnh đó, giáo viên và học sinh nhà trường đã tích cực tham gia Đề án “Đào tạo 100 thạc sĩ, tiến sĩ tại các cơ sở giáo dục nước ngoài” và Dự án “Hỗ trợ đào tạo bậc ĐH tại các cơ sở giáo dục trong nước và ở nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước” của thành phố. Hai Dự án này đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhà trường xúc tiến quan hệ hợp tác quốc tế với một số cơ sở đào tạo ở nước ngoài nhằm trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ, cũng như tìm kiếm thêm học bổng cho học sinh.   

* P.V: Theo Đề án xây dựng và phát triển hệ thống trường THPT chuyên được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, từ năm 2015, các môn Toán, Vật lý, Hóa, Sinh và Tin học được tổ chức dạy học bằng tiếng Anh. Xin ông cho biết, nhà trường đã chuẩn bị những gì để thực hiện mục tiêu Đề án này?

- Tiến sĩ Nguyễn Đình Vĩnh: Để triển khai hiệu quả mục tiêu này, ngay từ hè 2011, nhà trường đã tổ chức các lớp ngoại ngữ ngắn hạn cho giáo viên liên quan, qua đó kiểm tra và phân loại theo các bậc trình độ. Một số giáo viên nổi trội sẽ được đầu tư thích đáng, kể cả việc đưa đi tu nghiệp ở nước ngoài. Hiện nay, nhà trường cũng đã nhận được sự hỗ trợ của các trường có quan hệ từ nước ngoài về giáo trình dạy một số môn học trên bằng tiếng Anh, để giáo viên tham khảo, hình dung trước.  

Mô tả ảnh.
Đến năm 2020, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn ngang tầm với các trường trung học tiên tiến trong khu vực và quốc tế. Trong ảnh: Giờ học Văn của học sinh nhà trường.
 
Nhà trường đã lên kế hoạch tăng cường tổ chức dạy và học tiếng Anh cho học sinh, thông qua các chương trình bồi dưỡng ngoại khóa; tổ chức tốt hoạt động của câu lạc bộ tiếng Anh; đẩy mạnh kiểm tra định kỳ hằng năm nhằm giúp học sinh từng bước nâng cao vốn tiếng Anh và đáp ứng yêu cầu đề ra. Trong năm học 2010-2011, được sự hỗ trợ của Viện Anh ngữ Eli (cơ sở của ĐH Queensland tại ĐH Đà Nẵng) trường đã tổ chức cuộc thi Toefl cho 98 học sinh chuyên ngữ, kết quả học sinh thấp nhất đạt 620 điểm, và cao nhất là 875 điểm. Năm học đến chúng tôi dự kiến sẽ khảo sát cho học sinh ở các môn Toán, Lý, Hóa.

* P.V: Từ năm 2004 đến nay, nhà trường liên tục có học sinh đoạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế. Tuy nhiên, số học sinh đoạt giải có tăng lên nhưng nhiều môn chưa có giải cao, chất lượng giải vẫn còn hạn chế và chưa vững chắc. Ông có thể lý giải về vấn đề này?

- Tiến sĩ Nguyễn Đình Vĩnh: Có thể khẳng định rằng, những thành tích mà các em học sinh đạt được trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế trong những năm qua là rất đáng trân trọng. Đây là tiền đề quan trọng giúp nhà trường phát triển trong những năm tiếp theo và cũng là một minh chứng khẳng định chủ trương đầu tư đúng hướng của thành phố Đà Nẵng.

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng, số học sinh đoạt giải quốc gia, quốc tế tuy có tăng lên, nhưng còn những môn chưa có giải cao; chất lượng giải vẫn còn hạn chế và chưa bền vững. Vấn đề này, nhà trường đang đầu tư nghiên cứu để có những giải pháp thiết thực, hiệu quả hơn trong quá trình giảng dạy. 

 Anh Thy (Thực hiện)
;
.
.
.
.
.