.

Bất cập BHYT trong học sinh, sinh viên

.

Theo Luật Bảo hiểm y tế (BHYT), bắt đầu từ 1-1-2010, học sinh, sinh viên (HSSV) tham gia BHYT bắt buộc, thay vì BHYT tự nguyện như trước đây. Qua gần 2 năm triển khai thực hiện, đến nay công tác này vẫn chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của phụ huynh và HSSV. Bên cạnh đó, các chính sách về BHYT còn nhiều bất cập.

 

Mô tả ảnh.
BHYT nhằm mang lại nhiều lợi ích cho học sinh trong bảo vệ sức khỏe. (ảnh minh họa)

 

Theo BHXH thành phố, năm học 2009-2010 đã có 222 trường, với 136.820 HSSV tham gia mua BHYT tự nguyện, đạt 60,2% số lượng HSSV. Năm học 2010-2011 đã có 225 trường tham gia, với 188.240 em mua BHYT, đạt 70%. Như vậy, hiện tại vẫn còn đến hơn 30% HSSV chưa tham gia BHYT. Đây cũng là vấn đề rất đáng được quan tâm, khi mà chủ trương của thành phố hướng đến lộ trình BHYT toàn dân vào năm 2012.

Trước đây, BHYT là khoản tự nguyện với HSSV với mức cố định tối thiểu là 50.000 đồng/người/năm và có tính đến yếu tố vùng miền. Tuy nhiên, từ năm 2010, theo quy định của Luật BHYT, HSSV trở thành đối tượng bắt buộc tham gia BHYT với mức đóng là 3% lương tối thiểu hằng năm (tương đương khoản 298.000đồng/năm, tăng gấp 6 lần so với trước). Nếu là học sinh công lập sẽ được Nhà nước hỗ trợ 30%. Đây là một bất cập trong cách tính BHYT giữa HSSV công lập và dân lập.

Nhận xét về BHYT, bà Nguyễn Thị Hoàng, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn cho biết: “Cũng là SV nhưng do học ở trường dân lập nên con tôi phải đóng BHYT cao hơn bạn bè học công lập gần 60.000 đồng. Mặt khác, nếu trước đây tham gia BHYT tự nguyện, con chúng tôi được chi trả 100%. Còn nay, mỗi lần đi khám bệnh, HSSV sẽ phải cùng chi trả 20%. Phí tăng, lại phải chi trả thêm, như vậy quyền lợi của HSSV bị thụt lùi”.

Chị Trần Thị Thủy, ở phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn cũng cho rằng: Chất lượng khám chữa bệnh chưa tốt cũng là một trong những lý do khiến nhiều phụ huynh chưa tham gia BHYT cho con mình. Tôi đã gặp khá nhiều rắc rối khi đưa con đi khám BHYT như thời gian chờ đợi lâu, thái độ phục vụ bệnh nhân BHYT của một số y, bác sĩ còn cửa quyền, hách dịch. Bên cạnh đó, điều kiện khám chữa bệnh, thủ tục thanh toán còn phiền hà, khiến cho chúng tôi do dự. Một điểm nữa là khi khám chữa bệnh vượt tuyến phải đóng thêm chi phí khá cao”.

Trước thực trạng như vậy, lãnh đạo Sở Y tế cho biết: Ngành Y tế cũng có cái khó riêng của mình. Ngành Y tế phải làm theo quy định là khi khám phải có giấy tờ tùy thân, có thẻ BHYT, thẻ phải dán ảnh… nên nhiều người không hiểu cho rằng đó là phiền hà, thủ tục rắc rối. Đã có nhiều trường hợp xảy ra, khiến ngành Y tế phải tuân thủ theo quy định, đó là trường hợp một học sinh mượn thẻ BHYT của bạn đi khám khi bị tai nạn, sau đó học sinh này bị chết, nhưng bệnh viện không thể làm giấy báo tử được.

Thực hiện BHYT bắt buộc đối với HSSV là một bước đột phá quan trọng trong thực hiện lộ trình BHYT toàn dân. Sau gần 2 năm thực hiện đã đạt một số kết quả nhất định, đó là Quỹ BHYT của HSSV đã tăng lên đáng kể, góp phần chi trả hiệu quả cho công tác khám, chữa bệnh, kể cả các trường hợp sử dụng dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn. Nhiều bệnh nhân đã được Quỹ BHYT chi trả chi phí điều trị lớn từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng. Song bên cạnh đó cũng đặt ra một số vấn đề cần giải quyết mạnh mẽ hơn, đó là công tác tuyên truyền chưa đủ mạnh, nhận thức của một số ít nhà trường và phụ huynh còn hạn chế, sự phối hợp của các ngành hữu quan chưa đồng bộ, nhịp nhàng, có nơi trách nhiệm chưa cao...

Bài và ảnh: Thành Lân

;
.
.
.
.
.