.

Chấn chỉnh giáo dục mầm non ngoài công lập - Kỳ 1: Tràn lan nhóm trẻ gia đình

.
Trước thực tế các trường mầm non công lập không nhận giữ trẻ dưới 18 tháng tuổi, các bậc phụ huynh phải tìm đến những nhóm trẻ gia đình tư nhân để gửi con em mình. Do nhu cầu lớn, nhiều nhóm trẻ gia đình không phép ra đời. Và ở những nhóm trẻ gia đình tự phát, điều kiện cơ sở vật chất hạn chế nên luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro đến tính mạng của trẻ.

Mô tả ảnh.
Một nhóm trẻ gia đình không phép ở quận Thanh Khê.
Không có việc làm...nên giữ trẻ

Những ngày đầu tháng 10 này, trong vai người đi tìm chỗ gửi trẻ, chúng tôi đã tìm hiểu hoạt động của các nhóm trẻ gia đình tư nhân trên địa bàn thành phố. Khi nhìn thấy cảnh sinh hoạt, ăn ngủ, vui chơi của trẻ em trong những nhóm trẻ gia đình không phép này, chúng tôi không khỏi giật mình, lo sợ cho tính mạng các cháu.
Theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi đến con hẻm gần Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm (quận Thanh Khê) tìm chỗ gửi con. Biết có người tìm chỗ gửi trẻ, bà H., chủ một nhóm trẻ gia đình ở đây mời chào: Vô đây, chị giữ cho, giá rẻ thôi.
 
Khi thấy chúng tôi nhìn vào trong nhà, nơi có gần chục đứa trẻ khoảng độ 12 đến 18 tháng tuổi, đứa ngồi ăn, đứa thì đang bò dưới nền nhà, bà H. liền trấn an: Em thấy đó, con họ ở đây đứa nào cũng khỏe mạnh, ăn ngủ tốt lắm, nhưng chị chỉ lấy giá bình dân 700 nghìn đồng/tháng. Con em mới 8 tháng tuổi, chị cho nằm nôi và chỉ lấy 600 nghìn đồng/ tháng! Mỗi ngày bé ăn hai bữa. Chỉ tay về phía nồi cháo đang sôi sùng sục đặt ngay góc nhà bếp, bà H. nói: Yên tâm đi, ở đây chị đun nấu kỹ và vệ sinh lắm? nên hằng tháng đứa nào cũng lên cân.

Đến nhóm trẻ gia đình ở tổ 21, phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu) của bà N. làm chủ, chúng tôi thấy bà N. đang giữ 3 đứa trẻ. Đứa nhỏ nhất bà đang bế trên tay, 2 đứa lớn hơn đang đi chập chững dưới nền nhà. Sau khi đồng ý gửi con với giá 600 nghìn đồng/tháng, chúng tôi muốn biết cơ sở này có giấy phép hoạt động không, bà N. thật thà nói: Cô lớn tuổi rồi, không có việc làm ổn định nên tranh thủ tổ chức giữ trẻ để kiếm thêm thu nhập, chứ phép tắc gì đâu. Cháu yên tâm đi, nhiều người gửi con ở đây suốt ngày này qua tháng nọ, hề hấn gì đâu!

Hơn một năm qua, bà Q. ở phường Hòa Minh cũng lập nhóm trẻ gia đình để nhận giữ các cháu nhỏ trong xóm. Tận dụng phòng khách của căn nhà chật hẹp, bà Q. dùng làm chỗ ăn ngủ cho 6 đứa trẻ. Chung quanh, các vật dụng gia đình như tivi, bàn, ghế vứt lung tung. Thi thoảng các cháu nghịch ngợm phá phách đồ đạc, bà Q. liên tục quát nạt, khiến nhiều cháu sợ khóc thét lên. Đến bữa ăn, các cháu ngồi xếp hàng dưới nền nhà, đôi tay bà Q. quăng lia lịa để đút cháo.

Mặc dù biết các nhóm trẻ gia đình không bảo đảm về cơ sở vật chất, người giữ trẻ chỉ là những “tay ngang” chứ không có chuyên môn, nhưng nhiều gia đình lao động có thu nhập thấp vẫn phải gửi con mình vào đây. Chị Lê Thị Hằng, công nhân ở khu công nghiệp Hòa Khánh (quận Liên Chiểu) gửi con ở một nhóm trẻ gia đình ở phường Hòa Khánh Bắc, tâm sự: Thật tình, đưa con vào những nhóm trẻ gia đình này tôi cũng lo lắm, nhưng khổ nỗi gửi cháu ở các trường mầm non công lập thì họ không nhận.    
   
Xử lý thiếu kiên quyết

Ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Minh (Liên Chiểu) cho biết, hiện trên địa bàn phường có 21 nhóm trẻ gia đình được cấp giấy phép hoạt động. Bên cạnh đó, cũng có gần chục nhóm trẻ gia đình không có giấy phép đang tồn tại. Hầu hết chủ những nhóm trẻ gia đình này không có chuyên môn nuôi dạy trẻ, phần lớn là những người lớn tuổi không có việc làm ổn định nên nhận giữ trẻ để kiếm thêm thu nhập. Theo ông Ngọc, trong thời gian đến, UBND phường Hòa Minh sẽ lập đoàn kiểm tra, nhắc nhở các chủ nhóm trẻ gia đình chưa được cấp phép hoàn thiện cơ sở vật chất, thủ tục... để UBND phường cấp phép hoạt động.

Bà Lê Thị Tuyết Mai, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Khánh Nam cũng thừa nhận, ngoài những nhóm trẻ gia đình đã được cấp phép, trên địa bàn phường cũng có 5 nhóm trẻ gia đình đang hoạt động mà chưa được cấp phép. Bà Mai cho biết thêm, qua nhiều lần kiểm tra ở những nhóm trẻ gia đình không phép này, hầu hết đều không đủ điều kiện hoạt động, nhưng khó xử lý dứt điểm, bởi những nhóm trẻ này chỉ nhận giữ từ 3 đến 5 cháu trong xóm để kiếm thêm thu nhập. Trước thực tế trên, đoàn kiểm tra của UBND phường Hòa Khánh Nam chỉ nhắc nhở các chủ nhóm trẻ phải thường xuyên vệ sinh phòng ốc, bảo đảm các yêu cầu về vệ sinh thực phẩm, nhằm tránh các sự cố bất trắc có thể xảy ra đối với các cháu.
 
(Còn nữa)

Bài và ảnh: PHƯƠNG CHI
;
.
.
.
.
.