Năm học này Đặng Lê Danh lên lớp 8, em được chọn vào Đội tuyển học sinh giỏi môn Hóa học. Đây là nỗ lực vượt bậc của cậu học trò lớp 8/3 Trường THCS Lê Lợi từng mê game online mà học hành sa sút rồi lưu ban lớp 7. Danh đã học lại lớp 7 và đạt học sinh giỏi năm học 2010-2011.
Chương trình “Người bạn đồng hành” giúp nhiều học sinh cá biệt xác định đúng động cơ học tập. |
Ba mẹ bất hòa, chia tay và không quan tâm đến việc học hành, sinh hoạt của con nữa. Chán, Danh ra tiệm Internet chơi game giải khuây. Dần dần rồi nghiện lúc nào không hay. Những ngày đến lớp đã thấy học bắt đầu không vào nữa. Về nhà cũng chán, Danh đốt thời gian bằng những trò chơi trực tuyến. Danh nhớ lại lúc đó có những hôm chơi từ sáng tới tối, tiệm đóng cửa chẳng biết đi đâu, ngủ vật vờ gầm cầu Tiên Sơn, sáng ra lại vào tiệm Internet. Hậu quả của những ngày tháng bỏ học chơi game là năm học 2009-2010, Danh phải lưu ban lớp 7. Để Danh tiếp tục học lại lớp 7 vào năm sau là một nỗ lực lớn của gia đình và xã hội. Danh được người cô ruột đón về nuôi và động viên tiếp tục việc học.
Đó cũng là thời điểm Chỉ thị 24-CT/TU ngày 10-8-2009 của Thành ủy được cả hệ thống chính trị trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn đồng loạt đẩy mạnh thực hiện. Nhiều học sinh bỏ học và có nguy cơ bỏ học được vận động trở lại lớp. Nhiều giải pháp hạn chế học sinh bỏ học được triển khai, đặc biệt là chương trình “Tiếp sức đến trường” hỗ trợ giải quyết khó khăn cho gia đình và tổ chức phụ đạo cho học sinh yếu theo kịp chương trình. Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm trên địa bàn phường Hòa Quý là nơi có nhiều học sinh bỏ học nhất lúc triển khai Chỉ thị 24-CT/TU được chọn làm điểm.
Được UBND quận chỉ đạo và hỗ trợ kinh phí, sự hỗ trợ, phối hợp của Đảng ủy, UBND, Mặt trận các đoàn thể phường Hòa Quý, nhà trường cùng phối hợp tổ chức 8 điểm phụ đạo học sinh yếu ở khu dân cư. Ông Nguyễn Lên, cán bộ phụ trách Văn hóa - xã hội phường Hòa Quý cho biết: Vừa phối hợp tổ chức điểm phụ đạo, UBND phường cũng cử cán bộ giám sát lớp học và “tuần tra” các điểm Internet trên địa bàn phường. Học sinh nào bỏ lớp phụ đạo, chơi game được yêu cầu trở lại lớp. Nếu tái phạm 3 lần buộc phải viết cam kết từ bỏ chơi game để tập trung cho học tập, đồng thời có cam kết cùng giám sát của phụ huynh. Nhờ vậy mà học sinh bỏ học (chủ yếu là học sinh THCS) trên địa bàn phường Hòa Quý giảm dần qua mỗi năm học.
Mô hình “Tiếp sức đến trường” được các phường phối hợp 5 trường THCS tổ chức các lớp phụ đạo học sinh yếu kém mỗi tuần 3 buổi trong thời gian 3 tháng/học kỳ. Chương trình phụ đạo được thực hiện bám sát từng học sinh để củng cố kiến thức, hướng dẫn phương pháp học tập. Những học sinh yếu phải thi lại được tổ chức tiếp tục học phụ đạo trong dịp hè. Công tác phối hợp quản lý học sinh yếu, kém có nguy cơ bỏ học ở mỗi phường đều có mô hình phù hợp với thực tế ở địa phương. Ở phường Hòa Hải, mỗi đoàn thể nhận theo dõi học sinh yếu kém của một khối lớp của trường THCS cho đến khi các em học xong lớp 9. Nhờ vậy mà số học sinh bỏ học trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn mỗi năm học đều giảm dần. Năm học 2008-2009 có 21 em, năm học 2009-2010 là 16, năm học 2010-2011 còn 4 em.
Lắng nghe em nói
Sau khi triển khai chương trình “Tiếp sức đến trường” được 1 năm, Phòng Giáo dục - Đào tạo quận tham mưu với Quận ủy và UBND quận tổ chức chương trình “Người bạn đồng hành” tại các trường THCS. Trong chương trình này, các em học sinh cá biệt, chậm tiến, hạnh kiểm yếu có nguy cơ bỏ học được nghe chuyên gia tâm lý nói chuyện, giao lưu, tư vấn và lắng nghe các em nói lên suy nghĩ, cảm tưởng của mình. Ông Nguyễn Lâm, Trưởng Phòng Giáo dục-Đào tạo quận cho biết: Có những học sinh bỏ học không phải do học yếu, theo không kịp chương trình mà do các em không nhận được sự động viên, khuyến khích học tập từ gia đình, hoặc có bạo hành gia đình, cha mẹ bất hòa...
Chương trình này tạo điều kiện cho các em nói ra những suy nghĩ của mình và nhận được sự đồng cảm của nhà trường, thầy cô, cán bộ địa phương. Tác động của chương trình này là các em học sinh cá biệt được bày tỏ suy nghĩ của mình, được lắng nghe, được động viên. Đối với từng trường hợp cụ thể, chính quyền, đoàn thể địa phương và nhà trường sẽ có biện pháp thuyết phục phụ huynh học sinh quan tâm hơn đến con cái, hạn chế những tác động tiêu cực trong đời sống gia đình đến các em. “Người bạn đồng hành” đến nay đã trở thành một chương trình ngoại khóa bổ ích thu hút học sinh, giúp nhiều em xác định đúng đắn động cơ học tập.
Bài và ảnh: ĐOÀN SƠN