.

Chuyện thầy Tính

.

Những đứa trẻ khuyết tật cười ngặt nghẽo. Đứa thì bá vai bá cổ đòi thầy cõng. Đứa lại mè nheo đòi uống nước, đòi “đi ngoài”... Thầy giáo cười hiền hòa, lại ôm đứa này, dỗ dành đứa kia, kể cho chúng nghe những câu chuyện về nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn...

“On iu ầy”!

Mô tả ảnh.
Thầy Phan Văn Tính đang dạy các em thiểu năng trí tuệ tập đọc.

Lớp C1A của Trường chuyên biệt Tương Lai (22 Trần Bình Trọng, TP. Đà Nẵng) hôm nay có 8 bạn. Lớp trưởng Gia Bảo (6 tuổi) báo cáo 2 bạn không có mặt vì... đi chơi, sau một hồi vò đầu bứt tai ngẫm nghĩ mất đúng... 15 phút. Thầy Phan Văn Tính (28 tuổi, quê ở huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) cười xòa, cho Bảo ngồi xuống và bắt đầu buổi học với môn tiếng Việt rồi đến Toán. Cô bé rất đáng yêu với khuôn mặt ngây ngô có cái tên Mẫn Nghi (7 tuổi) hăng hái xung phong phát biểu: “Đây à số ột, hai, a” (Đây là số một, hai, ba). Cậu bạn tên Giang (8 tuổi) ngồi cạnh cười như nắc nẻ rồi lấy tay móc vào túi áo Nghi lấy ra một hộp kẹo, liền bị cô bạn giựt phắt lấy rồi dốc hết vào mồm. Giang liền òa khóc nức nở. Nghĩa, bàn bên, ngồi ngáp dài lè lưỡi trêu Giang. Lớp trưởng Gia Bảo sau 5 phút ngồi nghiêm chỉnh liền nhảy luôn lên bàn đứng.

 

Thầy Tính phải ra “khẩu lệnh”: “Các em ngồi đẹp cho thầy xem nào. Ngoan nhé. Tý thầy kể chuyện cho nghe”. Cả lớp liền ngồi trật tự, những cánh tay rào rào giơ lên xung phong đếm số. Bỗng Giang hét lên: “Á!”, thì ra cô bạn Mẫn Nghi đã đụng phải chân đau của cậu. Thầy dừng giờ dạy, băng lại vết thương ở chân cho Giang. Cậu trò tỏ vẻ thích thú, cười ngây dại, bá cổ thầy: “On iu ầy” (Con yêu thầy). Gia Bảo hất tay Giang, níu áo thầy: “On ũng iu ầy” (Con cũng yêu thầy). Thầy Tính vuốt đầu hai trò nhỏ âu yếm. Giải lao, thầy Tính bày cho các em chơi trò con thỏ uống nước, trời mưa... rồi kể cho các em nghe những câu chuyện cổ tích có nàng công chúa, chàng hoàng tử, có bà tiên phúc hậu và có cả mụ phù thủy độc ác... Những đứa trẻ há hốc mồm như nuốt từng lời, từng lời...

8 đứa trẻ với nhiều độ tuổi khác nhau đều bị thiểu năng trí tuệ, như em Nhật Trường năm nay đã 14 tuổi, học hoài vẫn “trung thành” với lớp 1. Còn Đỗ Đình Nghĩa (7 tuổi) đầu năm được mệnh danh là “sọ dừa” bởi người mềm oặt, đặt đâu nằm đó. Sau kỳ khảo sát của nhà trường, các thầy cô bàn nhau cho cậu học lớp dự bị (dành cho những em không đủ khả năng học) nhưng thầy Tính dứt khoát: “Nghĩa đã lớn rồi, học lớp này cũng tội” và nhận về lớp C1A của thầy. Còn Trần Gia Bảo thì đến trường trong tiếng khóc của mẹ: “Định suốt đời cho nó ở trong phòng thôi. Bệnh nó nặng quá”. Lúc đầu, cậu suốt ngày khóc rồi ói mửa, ai cũng ngại. Cu cậu còn la hét thật to không chịu vào lớp, đòi mẹ phải ngồi bên cạnh. Thầy Tính phải dỗ dành, khóc cùng khóc, chơi cùng chơi, thậm chí giả vờ... ói, rồi khen thưởng, nêu gương, phân thêm bạn cùng chơi với Bảo. Dần dần Bảo “kết” thầy lúc nào không hay và nhất định đòi qua lớp thầy Tính để học.

Quà tặng ngày 20-11

Cô Trần Bích Thủy, Hiệu trưởng Trường chuyên biệt Tương Lai Đà Nẵng cho biết: “Thầy Tính là một trong những giáo viên rất năng nổ, nhiệt tình và hết lòng vì học sinh. Không chỉ được nhiều học sinh yêu mến, thầy Tính sống giản dị và chân thành với các bạn đồng nghiệp, luôn có ý chí cầu tiến”.

Sinh ra ở vùng quê nghèo huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, chàng trai Phan Văn Tính bắt đầu những năm tháng xa nhà tại Trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật. Rồi những lần đi tình nguyện, anh đã gặp, đã nuốt nước mắt vào lòng khi chứng kiến cảnh hai vợ chồng trong ngôi nhà rách nát nuôi 6 đứa con bị thiểu năng trí tuệ, dặt dẹo do ảnh hưởng của chất độc da cam. Vậy là sau 3 năm học cao đẳng, anh quyết định cất tấm bằng vào tủ và thi vào khoa giáo dục đặc biệt của Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương Nha Trang trong sự phản đối của gia đình. “Mình muốn góp phần bé nhỏ để giúp các em vơi đi nỗi đau của số phận mà các em đang phải gánh chịu”, thầy Tính nói giản dị.

Ở cái nghề cần lắm sự bền bỉ, nhẫn nại, với các cô giáo cũng khó huống chi là thầy giáo. Việc học sinh tè, ị trong quần ngay buổi học cũng không còn là chuyện lạ. Rồi những lúc lên cơn, các em lại cấu xé, cắn lẫn nhau. Mỗi lớp học thường ít học sinh nhưng có nhiều loại tật: Đao, tăng động giảm tập trung, tự kỷ, khó khăn về học... Nói về trẻ thiểu năng trí tuệ, người ta thường nghĩ rằng trẻ đến trường chủ yếu để “chơi”. Nhưng thầy Tính cho rằng: “Nếu dạy bọn nhỏ đúng phương pháp và đúng cách thì các cháu học rất tốt. Chẳng hạn như Gia Bảo, từ chỗ rất sợ người lạ và không biết gì thì nay đã chủ động làm quen và vui chơi với người khác, biết nói những câu đơn giản và đếm từ 1-3.

Còn Nghĩa thì nay đã biết hát, biết tập đếm và có thói quen tự lập”. Năm học vừa rồi, lớp tự kỷ của thầy có 17 em thì phần lớn đều tiến bộ và hòa nhập vào học trường bình thường như: Ngô Đức Tiến, Ngô Văn Khải, Hồ Tây, Văn Bảo... Mỗi ngày mới, niềm vui từ những nụ cười ngô nghê, ngây thơ, niềm vui từ những tiếng phát âm tròn vành, những cử chỉ nhận biết của các em đã khiến thầy Tính quên đi những mỏi mệt. Cái hạnh phúc nhỏ nhoi ấy, không phải ai cũng cảm nhận được.

Tôi nhận thấy điều đó trong ánh mắt thầy trìu mến nhìn những đứa học trò ngây ngô, trong lời nói không ngớt về những điều bình thường nhất đối với mọi đứa trẻ khác, nhưng những học sinh đặc biệt của thầy vừa cố gắng làm được. Có những điều thầy Tính không kể nhưng tôi biết, ấy là những bữa cơm trưa giữa giờ tại trường bị ném bẹt xuống đất bởi những cô, cậu học trò ngớ ngẩn, là những vết bầm tím trên mặt, tay chân do những đứa trẻ bị bệnh não úng thủy gây ra. Rồi những lời trách mắng vô tình của những phụ huynh chưa hiểu và thông cảm...

Khi được hỏi: “Có khi nào anh có ý định chuyển nghề?”. Thầy Tính cười nói: “Khi không còn trẻ em khuyết tật nữa...”.

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ

;
.
.
.
.
.