.

Thầy cô giáo cùng văn nghệ sĩ giáo dục nhân văn cho học sinh

.
Vài thập kỷ gần đây, ở nước ta, vấn đề giáo dục nhân văn đã dần dần được đề cập một cách thường xuyên hơn với những nội hàm cụ thể.
 
Mô tả ảnh.
Thầy và trò Trường THCS Nguyễn Khuyến trong năm học mới 2011-2012. Ảnh: THU HOA
 
Trước đây chúng ta thường nghe nói đến tính nhân đạo, chủ nghĩa nhân đạo, chủ nghĩa nhân đạo xã hội chủ nghĩa. Nay, khái niệm “nhân văn” - phần nào có hàm nghĩa rộng hơn khái niệm “nhân đạo” - được nhắc đến nhiều hơn, kể cả trong các văn kiện của Đảng và Nhà nước. Riêng với những người làm công tác giáo dục đào tạo, nội dung giáo dục giá trị nhân văn cho học sinh đã trở thành nhiệm vụ bức thiết nhằm xây dựng một môi trường nhân văn lành mạnh trước hết từ trong học đường, sau đó là trong toàn xã hội.

Văn nghệ sĩ nói chung, nhà văn nói riêng lâu nay vẫn được xem như một người “kỹ sư của tâm hồn” của xã hội, bằng tác phẩm của mình góp phần bồi dưỡng nhân cách con người, hơn ai hết cũng rất chia sẻ mối quan tâm và nỗi bức xúc của các thầy cô giáo đang trực tiếp đứng trên bục giảng về nội dung giáo dục nhân văn.

Có thể nói nội dung cấp thiết hiện nay về giáo dục nhân văn trong nhà trường, đó là giáo dục một môi trường nhân văn lành mạnh, trong đó trường học là một môi trường thân thiện, học sinh ứng xử với thầy cô giáo và đối xử với nhau theo những chuẩn mực đạo đức tốt đẹp đã được xã hội đúc kết và thừa nhận. Môi trường nhân văn thuần phác là một môi trường lành mạnh, tốt đẹp, con người thân thiện với môi trường và thân thiện với đồng loại, tất cả nhằm  mục tiêu hướng tới Chân, Thiện, Mỹ.
 
Thực tiễn phát triển của nhân loại ngày nay đã chứng kiến những diễn biến phức tạp trong bản thân môi trường nhân văn, khiến cho vấn đề giáo dục nhân văn ngày càng đặt ra cấp bách, ngay cả khi con người đã và đang sống trong kỷ nguyên của sự phát triển vượt bậc về mặt trí tuệ và trình độ văn minh. Cơ chế thị trường đem đến cho chúng ta rất nhiều thành quả nhưng cũng làm mất đi của chúng ta nhiều thứ. Có nhiều cái thuộc về vật chất, lấy đi còn có khả năng làm lại được, kể cả những thứ thuộc môi trường tự nhiên, thuộc về hệ sinh thái. Nhưng những cái đã mất thuộc môi trường nhân văn, bao gồm tinh thần, đạo đức, v.v... thì có khi phải hàng mấy thế hệ sau mới lấy lại được, đó là không nói tới những cái mất đi vĩnh viễn. Công cuộc đào tạo lại con người đòi hỏi chúng ta phải bắt đầu từ hôm nay, từ học đường.

Giáo dục môi trường nhân văn trong nhà trường chính là quá trình tác động có tính định hướng đối với đối tượng học sinh, sinh viên nhằm phát huy truyền thống yêu thương con người cùng sống trong cộng đồng, gần gũi thân thiện với môi trường thiên nhiên, đồng thời tạo nên những giá trị mới về đạo đức môi trường trong thời kỳ hiện đại. Học sinh, sinh viên là thế hệ được đào tạo để sống và làm việc cho tương lai, cho nên họ vừa là đối tượng của quá trình giáo dục môi trường nhân văn đồng thời vừa chủ thể của quá trình này.

Do tính phức tạp và nhạy cảm của vấn đề giáo dục nhân văn, không thể có những giải pháp đơn phương mà cần có cách  tiếp cận đa ngành và sự kết hợp chặt chẽ giữa khoa học công nghệ và khoa học xã hội-nhân văn; cần sự tác động về mặt nhận thức lý trí đi đôi với sự thẩm thấu về mặt tình cảm, cảm xúc. Cùng với giáo dục và đào tạo, với thiên chức của mình, văn học nghệ thuật có vai trò rất quan trọng trong nhiệm vụ giáo dục tính nhân văn cho thế hệ trẻ. Điều dễ dàng nhận thấy là hiệu quả giáo dục nhân văn sẽ tăng lên rất nhiều nếu như có sự phối hợp chặt chẽ văn học nghệ thuật và giáo dục đào tạo.

Hiện nay nội dung giáo dục môi trường đã được đưa vào các trường đại học. Không kể các trường chuyên ngành, ở một số trường Đại học cấp quốc gia đã có thành lập Khoa môi trường. Nhưng nó cần được nhân rộng ra ở tất cả các cấp học, ngành học. Nó không chỉ cung cấp thông tin và giáo dục tri thức về vấn đề tài nguyên, về môi trường sinh thái, về lỗ thủng tầng ôzôn, về mưa a-xit, về biến đổi khí hậu toàn cầu, mà phải bàn đến vấn đề đạo đức xã hội, về ứng xử của con người trong xã hội, trong gia đình và trong học đường. Hiện nay, vấn đề bạo lực xã hội, bạo lực gia đình, bạo lực học đường đã thực sự trở thành vấn nạn, có khi vượt tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng.
 
Rất nhiều hiện tượng đau lòng diễn ra những năm gần đây, và ngay cả trong những ngày này, đã cho thấy môi trường nhân văn bị ô nhiễm nghiêm trọng như thế nào. Sự xuống cấp của đạo đức xã hội, sự đảo ngược các thang giá trị, hiện tượng “lệch chuẩn” như nhiều nhà khoa học đã cảnh báo dường như đang có chiều hướng gia tăng. Tuy nhiên, tính “phối hợp hành động” giữa những người làm văn học nghệ thuật và những người làm công tác giáo dục vẫn còn ở mức thấp, chưa có sự chủ động tìm đến nhau để tìm các giải pháp đồng bộ tác động đến đối tượng của giáo dục.

Chỉ nói riêng một vấn đề nhỏ, đó là vấn đề làm sao để đưa được nhiều hơn các tác phẩm văn học vào nhà trường và tạo thói quen đọc tác phẩm văn học trong thanh niên, học sinh. Dĩ nhiên như chúng ta đều biết, sách giáo khoa bộ môn Văn các cấp học và Giáo trình bộ môn Ngữ văn các trường đại học chuyên ngành đã cung cấp khá nhiều kiến thức văn học và trích dẫn khá nhiều tác phẩm văn học cho học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, hoàn toàn không đầy đủ và rất phiến diện nếu như các em không được tiếp xúc với tác phẩm toàn vẹn, không được sống với số phận, cảnh đời của nhân vật trong tác phẩm, chia sẻ những vui buồn, chiêm nghiệm những triết lý sống, từ đó có cách ứng xử đúng đắn trong môi trường xã hội. Cũng tương tự như thế, đối với việc xem trọn vẹn một vở kịch, một bộ phim kinh điển, nghe trọn một bản giao hưởng thay vì chỉ nhún nhảy theo một giai điệu kích động nhất thời.
 
Trong những trường hợp bức xúc về tâm lý, một cuốn sách hay, một bản nhạc sâu lắng, một bức tranh gây ấn tượng sẽ như một nhà tư vấn giàu kinh nghiệm giúp các em vượt qua thử thách và những cơn chấn thương tinh thần, tránh được những hành động gây nguy hiểm cho xã hội như chúng ta vẫn thường thấy diễn ra quá nhiều và quá liên tục trong thời gian gần đây. Câu nói của nhà văn hiện thực Nga nổi tiếng Đôtxtôiepxki : “Cái đẹp cứu rỗi thế giới” chính là mang ý nghĩa như vậy.

Bản thân các nhà văn, các nghệ sĩ cũng không đơn thuần chăm lo sáng tạo tác phẩm của mình mà còn phải mang trách nhiệm xã hội lớn lao. Tất nhiên chỉ riêng  việc sáng tạo ra những tác phẩm có giá trị về nội dung và nghệ thuật đã mang ý nghĩa xã hội rồi, nhưng nhà nghệ sĩ còn phải là người hoạt động xã hội, nhà hoạt động môi trường, người truyền bá những tư tưởng đạo đức nhân văn chân chính rộng rãi trong phạm vi toàn xã hội.

Hiện nay không ít người bi quan về sự xâm lấn của Internet với game online, những trò chơi bạo lực, kích động tình dục sẽ làm mất đi thói quen đọc và xem tác phẩm văn học nghệ thuật. Đây quả là một thực tế rất đáng báo động. Tuy nhiên, một thực tế khác cũng không thể không ghi nhận, đó là, một tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị được in ra, nếu như được giới thiệu, được quảng bá rộng bằng nhiều con đường khác nhau, nhiều phương thức khác nhau, vẫn thu hút đông đảo độc giả, khán giả.

Từ thực tiễn vừa nêu trên, chúng tôi thử góp bàn vài kiến nghị cụ thể về giải pháp phối hợp giữa những người làm công tác văn nghệ và ngành Giáo dục-Đào tạo:

- Các nhà trường có thể thành lập Hội đồng tư vấn về giáo dục nhân văn; hoặc ít nhất có chức danh là cán bộ tư vấn cho sinh viên, học sinh. Ở các nước tiên tiến, từ nhà trường phổ thông đến đại học đều có thầy giáo tư vấn chuyên môn nhằm giúp các em tránh được những hậu quả từ hành động nhất thời, bột phát. Những khi các em có vướng mắc trong học tập, trong đời sống riêng tư cũng như những mâu thuẫn nhỏ phát sinh trong nội bộ một lớp học, ngoài sự quan tâm giúp đỡ của thầy giáo chủ nhiệm và các thầy bộ môn, nếu như thầy giáo tư vấn tâm lý có mặt kịp thời sẽ giúp đỡ rất có hiệu quả để các em tháo gỡ. Bản thân các em cũng sẽ tạo được thói quen thường xuyên tìm đến thầy giáo tư vấn, tránh được rất nhiều hậu quả xấu diễn ra, như hiện tượng trầm cảm của cá nhân hoặc hiện tượng hành hung, đâm chém nhau một cách hung hãn.
- Mở rộng quy mô thư viện nhà trường như một Trung tâm tư liệu. Tăng cường số lượng sách văn học (cả trong và ngoài nước, cả văn học cổ điển lẫn văn học hiện đại). Thư viện không chỉ có sách mà còn có các tác phẩm ở các loại hình nghệ thuật khác.

- Thường xuyên tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề về văn học nghệ thuật, mời các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, trực tiếp tiếp xúc với đối tượng độc giả là học sinh, sinh viên của nhà trường để giới thiệu tác phẩm. Có thể tổ chức cho nhà văn đến trường đọc tác phẩm, tự nói về quá trình sáng tạo tác phẩm của mình. Cũng có thể có hình thức bày tranh, ảnh nghệ thuật tại trường để học sinh, sinh viên tiếp xúc trực tiếp với tác phẩm và đối thoại với tác giả về tác phẩm.

- Xây dựng một cơ chế phối hợp cụ thể giữa Hội Văn học-Nghệ thuật địa phương cũng như từng chi hội, phân hội chuyên ngành văn học nghệ thuật với Ban Giám hiệu các nhà trường để bàn biện pháp tạo hiệu quả cụ thể trong giáo dục nhân văn cho sinh viên nhà trường.

Nhân Ngày Nhà giáo, chúng tôi thử nêu một số ý kiến bước đầu xuất phát từ một vấn đề thực tiễn rất đáng quan tâm đối với cả người làm văn học nghệ thuật lẫn người làm công tác giáo dục, nhất là giáo dục ở môi trường phổ thông trung học và đại học, mong được quan tâm trao đổi. 
 
11-2011

BÙI CÔNG MINH (*)
(*) Liên hiệp các Hội Văn học-Nghệ thuật thành phố.
;
.
.
.
.
.