Đang trong giờ học trên lớp, một số học sinh bỗng la ó, khóc lóc hoặc ngồi thu lu một góc căn phòng, có em còn “đi tè” ngay trong lớp học rồi cười ngô nghê... Còn giáo viên thì ân cần, nhẹ nhàng giúp đỡ, hướng dẫn học sinh điều khiển, chỉnh sửa hành vi lệch lạc của mình... đó là hình ảnh hằng ngày ở Trường phổ thông chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu.
Bật khóc khi thấy học sinh tiến bộ
Nguyên là học sinh khiếm thị Trường phổ thông chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu, sau khi tốt nghiệp Trường CĐ Sư phạm Quảng Nam, thầy Nguyễn Văn Tý về lại trường cũ để dạy học sinh môn Tin học. |
Lớp can thiệp sớm khiếm thị do cô giáo Phạm Thị Nụ phụ trách có 8 học sinh bị các loại khuyết tật như chậm phát triển trí tuệ, ngôn ngữ, câm điếc... Đa số các em có độ tuổi từ 4 đến 8 tuổi, nhưng hành vi, trí tuệ của nhiều em chỉ bằng với đứa trẻ bình thường lên 2 tuổi. Do mỗi em có một nhận thức khác nhau, nên mỗi lần lên lớp, cô Nụ phải ân cần, giúp đỡ từng em một để các em tập dần những hành vi, thói quen sinh hoạt như những đứa trẻ bình thường khác. Nhiều lúc, công sức, sự tận tình của cô bỏ ra rất lớn, nhưng do bị dị tật nặng, không ít trường hợp học sinh sau khi vào trường 2 - 3 năm vẫn chưa thể biết tự đi lại, biết nói... Dù vậy, cô Nụ vẫn không nản lòng, trái lại luôn kiên trì, chịu khó để giúp đỡ các em.
Cô Nụ kể, trong lớp cô phụ trách có trường hợp em Huy vừa bị khiếm thị vừa bị tự kỷ. Năm đầu tiên vào trường, em luôn có những hành vi bất thường như ngồi thu lu một góc, sợ sệt hay né tránh bạn bè trong lớp, sau thời gian dài cô áp dụng nhiều phương pháp để giúp đỡ em tập nói, hòa đồng với bạn bè nhưng vẫn không có kết quả. Sau hơn một năm kiên trì hướng dẫn, luyện tập, Huy đã biết nói, hằng ngày vui chơi gần gũi với bạn bè. “Lúc nghe Huy cất tiếng nói bi bô, mình và các giáo viên trong trường đã vui mừng khôn xiết, đứng vây quanh em, rồi tự nhiên ai nấy cũng ôm mặt khóc nức nở”!
Ở lớp khiếm thính 1 do cô Nguyễn Thị Dạ Thảo phụ trách cũng có 10 học sinh bị các tật khó khăn nghe-nói, chậm phát triển trí tuệ, chậm phát triển ngôn ngữ, tự kỷ, khuyết tật vận động… Mỗi lần lên lớp giảng dạy, cô Thảo phải chậm rãi kết hợp các phương pháp ngôn ngữ nói, ngôn ngữ ký hiệu, cử chỉ điệu bộ để diễn đạt, sử dụng đồ dùng trực quan chuyển tải nội dung bài học đến với học sinh. Đối với những học sinh bị khuyết tật nặng, học lực yếu kém, cô luôn dành nhiều thời gian gần gũi giúp đỡ các em viết từng con chữ, tập phát âm cho đúng những từ ngữ trong bài học. “Hôm nào lên lớp thấy học sinh hiểu bài, làm theo những điều mình chỉ dẫn là lòng tôi cảm thấy lâng lâng hạnh phúc”, cô Thảo tâm sự.
Chắp cánh ước mơ cho em vào đời
Năm học 2011-2012, Trường phổ thông chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu có 172 học sinh. Đa số các em bị khuyết tật khiếm thị, chậm phát triển trí tuệ, tự kỷ... Trong đó, có những trường hợp học sinh bị đa tật (từ 2 tật trở lên). Công tác dạy học cho học sinh khuyết tật luôn gặp phải những khó khăn, vất vả, nhưng bằng lòng yêu nghề, yêu trẻ, hầu hết giáo viên ở Trường phổ thông chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu luôn vượt qua những khó khăn, thách thức để mang ánh sáng văn hóa đến với các em học sinh có số phận kém may mắn, giúp các em sau khi ra trường có nghề nghiệp, kiến thức để tái hòa nhập cộng đồng, tự lo cho cuộc sống của mình.
Bên cạnh những giờ học văn hóa ở lớp, các em học sinh khuyết tật còn được nhà trường đào tạo các nghề thủ công như: Hội họa, âm nhạc, may, massage, để sau này ra trường có thể tự đi xin việc, kiếm tiền lo cho bản thân. Với những trường hợp có trình độ tư duy tốt, nhà trường luôn động viên, ủng hộ các em tiếp tục học lên ĐH, CĐ, THCN.
Tính đến nay, đã có hơn 10 học sinh của trường hoàn thành chương trình ĐH, CĐ và THCN ở các trường ĐH và có công ăn việc làm ổn định. Chẳng hạn như trường hợp học sinh khiếm thị Hà Văn Chương, sau khi tốt nghiệp Nhạc viện Hà Nội, anh đã trở thành nhạc sĩ nổi tiếng trên cả nước. Hay như Lê Thị Diễm Châu, sau khi tốt nghiệp ngành tiếng Anh, Trường ĐH Duy Tân, chị đã về công tác tại Hội Người mù thành phố Đà Nẵng. Còn trường hợp học sinh khiếm thị Nguyễn Văn Tý, sau khi tốt nghiệp ngành CĐ Sư phạm Ngữ văn Trường ĐH Quảng Nam, anh đã về lại Trường phổ thông chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu giảng dạy, mang lại ánh sáng văn hóa cho các lớp đàn em có cùng cảnh ngộ với mình.
Bà Đỗ Thị Đỗ Quyên, Hiệu trưởng Trường phổ thông chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu cho biết, dù là học sinh khuyết tật, nhưng mỗi em đều có một khả năng đặc biệt tiềm ẩn bên trong. Để giúp đỡ cho các thế hệ học sinh sau khi ra trường có điều kiện hòa nhập cuộc sống tốt hơn, nhà trường đã thành lập Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập, thường xuyên phối hợp với các tổ chức xã hội để giúp các em học sinh khuyết tật sau khi ra trường có việc làm, tiếp tục phát huy những khả năng còn lại của mình. “Chúng tôi muốn là những cầu nối trái tim của tình thương và trách nhiệm, để các em có cơ hội vươn lên trong cuộc sống”, bà Quyên nói.
Bài và ảnh: NGỌC ĐOAN