.

Thiếu “sân chơi” cho giáo viên

.

Hầu hết các trường học hiện nay mới chú trọng đến việc tạo sân chơi cho học sinh nhằm kích thích tinh thần hăng say học tập, vui chơi giải trí lành mạnh cho các em. Trong khi đó, cán bộ, giáo viên, những người ngày đêm hao tốn rất nhiều công sức để góp phần tổ chức các hoạt động dạy và học của nhà trường vẫn chưa thật sự có những sân chơi thuần túy thường xuyên, nhằm giải tỏa những căng thẳng về tinh thần sau những giờ làm việc vất vả.

Mô tả ảnh.
Cán bộ, giáo viên Trường THCS Lương Thế Vinh được “xả hơi” hết mình tại Hội trại thân thiện do Phòng GD-ĐT quận Liên Chiểu tổ chức trong năm học 2010-2011.

 

Ít sân chơi cho giáo viên

Thực hiện phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, những năm gần đây, các trường học trên địa bàn thành phố đều tổ chức “Ngày hội Văn hóa dân gian” cho học sinh. Đã thành thông lệ, cuối học kỳ 1 mỗi năm học, Trường THPT Phan Châu Trinh tổ chức Ngày hội Văn hóa dân gian với sự tham gia đầy hào hứng của cả giáo viên và học sinh. Bên cạnh những gian hàng trò chơi, ẩm thực, thư pháp… do học sinh chủ động đăng ký, các thầy cô giáo cũng có một gian hàng riêng, tái hiện lại những nét văn hóa truyền thống như hát bài chòi, viết thư pháp hay đơn giản chỉ là gian hàng ẩm thực với những món ăn rất mộc mạc, dân dã như bánh bèo, bánh bột lọc, bánh nậm...

Nhiều giáo viên Trường THPT Phan Châu Trinh cho biết, thông qua ngày hội này, họ thật sự có một ngày “xả hơi” sôi nổi, hào hứng khi hòa mình cùng với học sinh thi gói bánh chưng, cổ vũ các đội thi đi cà kheo, nhảy bao bố, kéo dây… Qua đó, học sinh và thầy cô giáo có cơ hội gần gũi, gắn bó với nhau hơn. Tuy nhiên,  ông Lê Phú Kỳ, Hiệu trưởng nhà trường cho rằng, đây chỉ là hoạt động mang tính chất lồng ghép để tổ chức cho giáo viên và học sinh cùng tham gia. Vì không có đủ kinh phí, nên muốn tổ chức các hoạt động văn hóa-văn nghệ chỉ dành riêng cho cán bộ, giáo viên, thì phải huy động sự chung tay đóng góp kinh phí của cán bộ, giáo viên mới tổ chức được.

Hầu như ở trường nào cũng chú trọng tạo nhiều sân chơi dành cho học sinh, từ hội trại, các câu lạc bộ năng khiếu, những hoạt động ngoại khóa… Nhìn chung, sân chơi cho học sinh thì nhiều, nhưng dành cho giáo viên thì còn quá ít. Theo ông Trương Công Sơn, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Lợi (Ngũ Hành Sơn), không phải trường học nào cũng có kinh phí để tạo điều kiện cho giáo viên đi tham quan, du lịch trong dịp hè hoặc tổ chức các hoạt động văn nghệ, giải trí ở nhà trường. Vì vậy, không còn cách nào khác, thông qua các hoạt động vui chơi tổ chức cho học sinh, nhà trường lồng ghép thêm các hình thức vui chơi khác để giáo viên tham gia.

Ông Nguyễn Đắc Xứng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Sơn Trà cho biết, theo quy định, nguồn kinh phí tổ chức các hoạt động văn hóa-văn nghệ cho cán bộ, giáo viên nằm trong quỹ Công đoàn của các trường. Nhưng nguồn quỹ này thường hạn hẹp, chủ yếu sử dụng vào các hoạt động hiếu hỉ… nên các trường không thể có đủ kinh phí để thường xuyên tổ chức các sân chơi cho cán bộ, giáo viên được. 

Cần linh động tạo ra các sân chơi

Nhằm tạo ra sân chơi cho cán bộ, giáo viên nhân các dịp lễ 20-11, 20-10, 8-3… những năm gần đây, Công đoàn Trường THCS Lương Thế Vinh (Liên Chiểu) đứng ra khởi xướng để cán bộ, giáo viên tham gia. Ngoài quỹ Công đoàn, nhà trường vận động các cán bộ, giáo viên đóng góp thêm kinh phí để tổ chức những chuyến đi chơi gần ở các khu du lịch trên địa bàn thành phố. Ông Huỳnh Duy Linh, Hiệu trưởng Trường THCS Lương Thế Vinh nhận xét, mặc dù những chuyến vui chơi, sinh hoạt giao lưu văn nghệ giữa cán bộ, giáo viên chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn, song đã giúp mọi người có điều kiện gần gũi nhau hơn, được hòa mình vui chơi sau những ngày làm việc vất vả trên bục giảng. Quan trọng hơn, sau những lần tham gia vào các sân chơi này, cán bộ, giáo viên trở lại với công việc trong tinh thần hăng say, thoải mái hơn nhiều.

 Trường THPT Trần Phú, những năm qua, ngoài các hoạt động tổ chức văn nghệ cho cán bộ, giáo viên nhân các dịp lễ, nhà trường cũng duy trì đều đặn việc tổ chức đêm thơ-nhạc mang tính chất “cây nhà lá vườn” do giáo viên tự biên tự diễn. Và qua những hoạt động văn nghệ này, các cán bộ, giáo viên đã được vui hết mình, xả bớt những căng thẳng trong công việc.

Ông Lê Văn Nghĩa, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Liên Chiểu cũng cho biết, để tạo ra sân chơi thuần túy cho cán bộ, giáo viên trong toàn ngành, hằng năm, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận đều tổ chức Hội trại thân thiện dành riêng cho cán bộ, giáo viên của các trường mầm non, tiểu học và THCS trên địa bàn quận. Thông qua nhiều hình thức vui chơi như: Thi dựng trại, Giáo viên thanh lịch, khiêu vũ, đốt lửa trại, hóa trang, kéo co, gian hàng ẩm thực, chợ quê... Các thầy cô giáo được hòa mình vào các hoạt động tập thể đòi hỏi sự khéo léo, năng động, sôi nổi. Và đây cũng là dịp để giáo viên giữa các trường có cơ hội giao lưu, kết nối với nhau. 

Bài và ảnh: Phương Chi

;
.
.
.
.
.