.

Ứng dụng CNTT trong giáo dục

.

Những năm qua, việc đẩy mạnh ứng dụng các tiện ích của CNTT vào công tác quản lý, dạy và học tại các trường THPT, THCS, tiểu học và mầm non đạt nhiều hiệu quả.

 

Mô tả ảnh.
Giáo viên Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng đang sử dụng giáo án điện tử.

 

Với việc ra đời các website của Sở GD&ĐT và các trường THPT, THCS, tiểu học và mầm non trên địa bàn, các thông tin, văn bản chỉ đạo của ngành, của Trung ương, UBND thành phố… được cập nhật thường xuyên, tạo điều kiện cho cán bộ, giáo viên, học sinh các trường chủ động hơn trong công tác giảng dạy và học tập. Hiện, khoảng 300 trường học đã hoàn tất triển khai xây dựng và khai thác sử dụng có hiệu quả website của trường.

Cùng với các website, hệ thống thông tin quản lý giáo dục, quản lý quá trình học tập của học sinh… cũng được triển khai mạnh mẽ trong trường học. Từ đầu năm học 2010-2011, Sở GD&ĐT đã triển khai sử dụng chính thức phần mềm quản lý SSM tại tất cả các trường THPT, THCS, hướng dẫn các trường học khai thác sử dụng phần mềm chia thời khóa biểu, tạo đề thi trắc nghiệm… trên website tài nguyên của Bộ GD&ĐT. Ngoài ra, các phần mềm mã nguồn mở, đặc biệt là bộ Open Office cũng được ứng dụng rộng rãi trong toàn ngành và cấp học, góp phần đổi mới phương pháp giảng dạy trong toàn ngành giáo dục.

Với khẩu hiệu “Mỗi giáo viên xây dựng ít nhất một bài giảng điện tử” được triển khai trong toàn ngành đã thúc đẩy các giáo viên trong các trường học thực hiện việc soạn bài giảng điện tử, bài giảng E-Learning đồng bộ và mạnh mẽ hơn. Nhiều sản phẩm của các giáo viên được tuyển chọn, đóng góp tài nguyên vào thư viện điện tử để chia sẻ dùng chung qua website của Bộ GD&ĐT. Nhiều phần mềm soạn giảng như Lecture Maker, Adobe Presenter 7, Violet và các phần mềm hỗ trợ khác như ZoomIt, CamStudio20, Macromedia Flash 8.0, FastStone Capture… được triển khai tập huấn đồng bộ cho các cán bộ, giáo viên từ tiểu học đến THPT. Với những chương trình dạy học đổi mới, lấy học sinh làm trung tâm, các giáo viên đã thúc đẩy được sự phát triển về tư duy trong mỗi học sinh, giúp nâng cao kiến thức và kỹ năng thực hành các ứng dụng CNTT cho học sinh.

Không những thế, việc đẩy mạnh tổ chức các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, tập huấn… qua video, website và điện thoại đã giúp ngành GD&ĐT tiết kiệm được phần lớn thời gian, công sức và kinh phí. Việc trao đổi thông tin, giao dịch văn bản điện tử bằng email trong các trường học đã giúp cán bộ, giáo viên, phụ huynh và học sinh tiếp cận thông tin nhanh chóng hơn. Nhờ các ứng dụng CNTT, công tác quản lý trong nhà trường qua các phần mềm xử lý, phần mềm kế toán, quản lý danh sách thí sinh, học sinh, quản lý thi, phần mềm nhập điểm và đánh giá kết quả rèn luyện của học sinh… được thuận tiện và nhanh gọn hơn. Qua đó, giúp học sinh, phụ huynh có thể theo dõi quá trình và kết quả học tập của con mình, đồng thời trao đổi trực tiếp những thông tin liên quan giữa giáo viên, học sinh và phụ huynh…

Mô hình trường học điện tử đã bước đầu xây dựng trong các trường THPT, điển hình là Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn đã có thư viện điện tử mã vạch, website thông tin điện tử và website thư viện điện tử. Tại tất cả các trường khác như THPT Huỳnh Thúc Kháng, THPT Hoàng Hoa Thám, THPT Nguyễn Trãi, THPT Thái Phiên… đã có website riêng tích hợp đầy đủ cơ sở dữ liệu của giáo viên và học sinh toàn trường. Ông Nguyễn Minh Hùng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, cho biết: “Việc ứng dụng CNTT trong toàn ngành được Sở GD&ĐT quán triệt, triển khai mạnh mẽ trong những năm qua, đến nay có nhiều hiệu quả tích cực.

Song, do hạ tầng CNTT còn hạn chế, ngân sách đầu tư cho ngành giáo dục còn thấp nên việc trang bị, bảo trì các cơ sở vật chất và công tác đào tạo vẫn gặp nhiều khó khăn”. Ông Bùi Phùng, Hiệu trưởng Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng cũng cho rằng: “Việc ứng dụng CNTT, nhất là ứng dụng các phần mềm soạn giảng đã thực sự giúp giáo viên thực hiện tốt hơn công tác giảng dạy, đồng thời học sinh cũng tiếp thu nhanh hơn các kiến thức cần truyền đạt. Tuy nhiên, hiện giáo viên chuyên về tin học tại trường còn thiếu và các thiết bị dùng cho việc dạy tin đã cũ nên công tác giảng dạy còn khó”.

Bài và ảnh: Thanh Tình

;
.
.
.
.
.