Khi biết tôi có ý định tìm một trung tâm cho cô em họ học chứng chỉ Anh văn B, cậu bạn tôi phẩy tay: “Trời, học hành chi cho mệt, ra mua một cái cho nó khỏe, vài trăm ngàn chứ mấy, một tuần là có liền!”. Chỉ vài cuộc điện thoại, chúng tôi đã “diện kiến” “cò” bằng.
Bằng, chứng chỉ giả được mua bán công khai trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. |
Tiếp thị rầm rộ
Ngồi trước mặt chúng tôi là cô gái còn khá trẻ và xinh, khoảng chừng 21 - 22 tuổi, tên S. Trò chuyện một hồi, S. tự giới thiệu vừa tốt nghiệp trung cấp kế toán, đang chờ xin việc. S. bảo: “Giờ làm chứng chỉ dễ ợt à. Có tiền là xong hết. Em đã từng làm bằng cho mười mấy người rồi. Ai cũng trót lọt cả”. Như sợ chúng tôi chưa tin, S. “tiếp thị” bằng hai chứng chỉ Anh văn và vi tính của chính mình làm vào tháng 6 và 9 năm 2010, đều do Trung tâm Đào tạo Fotech Đà Nẵng cấp đạt loại khá và giỏi. “Như em nè, có học ngày nào đâu mà cũng có hai tấm bằng đây, nộp vào mấy nơi đều được cả. Một công ty đã phỏng vấn xong, đang chờ đi làm thôi. Thật ra là nộp cho có chứ mấy ai hỏi đến làm gì”.
Tôi tỏ vẻ lo ngại: “Nhưng em ơi, chị học tiếng Anh tệ lắm, sợ họ nghi ngờ bằng giả”. S. đáp gọn lỏn: “Thì ai bảo chị mua chứng chỉ Anh văn loại giỏi làm chi, cứ mua loại khá thôi. Dễ xài. Mà chị xin vào công ty tư nhân thì sợ gì. Ngại nhất là vào cơ quan Nhà nước, lỡ có đấu đá nhau, khui ra thì khổ”. Thấy chúng tôi có vẻ xuôi xuôi, S. bảo một chứng chỉ Anh văn, vi tính B giá 350 ngàn đồng, chứng chỉ Anh văn C thì 400 ngàn đồng, 1 tuần sau lấy và phải đặt cọc 100 ngàn đồng để làm tin. Chúng tôi đòi bớt, S. phân trần: “Thời buổi bão giá, cái gì cũng lên nên chứng chỉ cũng phải lên theo (?). Một cái bằng bán được, em chỉ được hoa hồng 50 ngàn thôi. Nếu bớt thì em làm công không à?”.
Qua một cô bạn giới thiệu, chúng tôi tiếp tục gặp “cò” bằng tên N, hiện là sinh viên năm 3 một trường đại học ở Đà Nẵng. Cậu này có vẻ khá thận trọng, vòng vo một hồi, sau khi biết chúng tôi tha thiết muốn có một chứng chỉ Anh văn, N. mới nói: “Em chỉ làm “giúp” chị thôi, chứ làm mấy loại này không có hoa hồng” và ra giá “Chứng chỉ Anh văn B loại khá là 420 ngàn đồng, Anh văn C là 450 ngàn đồng. Chị làm luôn chứng chỉ Anh văn C đi, chênh lệch đâu có mấy”. Thấy chúng tôi chê đắt, N. thủng thẳng: “Tùy chị, chị không làm thì thôi. Chỗ em làm uy tín nên mới đắt vậy, chứ mấy chỗ khác chỉ 200 - 300 nhưng bằng “dỏm” không hà. Bên em có cử người thế chân đi học hẳn hoi.
Tiền nào của nấy thôi chị ơi”. N. hẹn 10 ngày giao bằng, chúng tôi đòi nhanh hơn nhưng cậu ta bảo cố gắng lắm cũng phải 1 tuần. “Em đã nói mua giúp chị, nên chị đưa đủ tiền để em đưa cho người ta đi “lo”. Viện cớ không mang đủ tiền, chúng tôi chỉ đồng ý đặt cọc trước 200 ngàn đồng, N. cầm 2 ảnh 3x4 và chứng minh nhân dân photo của tôi, xuống nước: “Thôi để em cho chị mượn tạm cũng được, sau khi lấy bằng chị đưa lại tiền cho em”(?). Như để tạo niềm tin, N. còn bồi thêm: “Em vừa làm một bằng Trung cấp kế toán giá 30 triệu đồng, trong khi con bạn em làm chỉ có 8 triệu đồng. Cầm bằng của em đi xin việc, người ta yên tâm nên vẫn đặt làm”. Hỏi: “Chị muốn làm bằng Đại học kinh tế thì hết mấy?”. N. ngẫm nghĩ một hồi rồi “hét” giá: “Khoảng 180 triệu đồng”??
Sinh viên làm “cò”
Lên mạng Internet, vào “Google”, gõ từ khóa “nhận làm chứng chỉ tiếng Anh, tin học tại Đà Nẵng” có đến... hơn 6,3 triệu kết quả chỉ trong 0,22 giây. Những lời “quảng cáo” có cánh trên mạng đủ hấp dẫn bất cứ ai muốn làm bằng: “Nhận làm chứng chỉ tiếng Anh, tin học nhanh và uy tín, bảo đảm có hồ sơ gốc ở nơi cấp, bảo đảm đi xin việc ở các cơ quan Nhà nước, liên hệ điện thoại 012778...” rồi thì “Nhận làm chứng chỉ tiếng Anh, tin học của Trung tâm, của Bộ Giáo dục, uy tín, bảo đảm có tem, phôi và dấu của Trung tâm, của Bộ Giáo dục, công chứng thoải mái, liên hệ điện thoại 016481...”.
Từ chứng chỉ tiếng Anh, tin học đến tiếng Trung, tiếng Nhật, tiếng Hàn, thậm chí chứng chỉ các loại nghề (hàn, điện, cơ khí, du lịch...), bằng Trung cấp, Cao đẳng, Đại học đều được quảng cáo. Đội ngũ “cò” bằng đông đảo nhất không ai khác chính là sinh viên các trường đại học hoặc những người mới ra trường, đang tìm việc. Đáng ngại thay, vấn nạn này đang trở thành một việc hết sức bình thường trong giới sinh viên. Chỉ trong buổi sáng dò hỏi, tôi đã có trong tay số điện thoại của 5 - 6 sinh viên môi giới bán bằng. Hầu hết những “cò” bằng sinh viên đều không biết nhiều về đường dây cũng như Trung tâm cấp bằng ở đâu, hoạt động như thế nào.
“Cò” N. phát bực khi tôi gặng hỏi về Trung tâm cấp bằng: “Em làm mấy chục cái rồi, ai cũng thành công, có mấy ai hỏi kỹ như bà chị đâu. Bảo đảm Trung tâm uy tín, đóng tại Đà Nẵng mà” nhưng lại không biết đó là Trung tâm nào. Khi được hỏi: “N. có sợ không khi tham gia việc này?”, N. bảo: “Sợ gì chứ, mình chỉ môi giới chứ có tham gia vào đường dây làm đâu”. N. cho biết, mỗi tháng bán được hơn chục cái, người ta mua nhiều lắm, sinh viên vừa tốt nghiệp đi xin việc cũng có, giáo viên các trường cấp II, III trong thành phố cũng có, cả cán bộ đang công tác nữa...
(Còn nữa)
Bài và ảnh: Phương Trà
Kỳ II: Những địa chỉ “ma” Lần theo những tấm bằng đã mua được, phóng viên Báo Đà Nẵng đã đi tìm địa chỉ các Trung tâm ngoại ngữ mà được người bán cam đoan: Bằng thật, “xịn” 100%... |