.

Chăm lo sự nghiệp “trồng người”

.

Kể từ khi trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương (năm 1997), thành phố Đà Nẵng đã có nhiều chính sách ưu tiên, đầu tư mạnh mẽ cho công tác “trồng người”. Nhờ đó, sự nghiệp Giáo dục và Đào tạo của thành phố đã có những bước tiến vững mạnh toàn diện, tạo ra nhiều dấu ấn so với các địa phương khác trên cả nước.

Từ ngày trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng đã có sự đầu tư mạnh mẽ để phát triển giáo dục và đào tạo. TRONG ẢNH: Học sinh Trường THCS Nguyễn Khuyến chào cờ trong lễ khai giảng năm học đầu tiên ở ngôi trường mới.
Từ ngày trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng đã có sự đầu tư mạnh mẽ để phát triển giáo dục và đào tạo. TRONG ẢNH: Học sinh Trường THCS Nguyễn Khuyến chào cờ trong lễ khai giảng năm học đầu tiên ở ngôi trường mới.

Đầu tư mạnh mẽ cơ sở vật chất trường học

Ngay sau khi chia tách đơn vị hành chính, UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành nhiều đề án, như: Đề án quy hoạch mạng lưới trường phổ thông giai đoạn 1998-2010; Đề án quy hoạch mạng lưới trường TCCN giai đoạn 2001-2010 và Đề án xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn thành phố giai đoạn 2008-2010, nhằm phát triển mạnh Giáo dục và Đào tạo, tạo đòn bẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Chính nhờ những quyết sách có tính dài hạn này, tính đến nay, ngành Giáo dục và Đào tạo đã được đầu tư 1.251 tỷ đồng để xây dựng mới và cải tạo 6.785 phòng học, 322 phòng bộ môn và 1.312 phòng nhà hiệu bộ; mở rộng diện tích đất hơn 105 héc-ta cho các trường học. 100% trường học trên địa bàn thành phố đã được tầng hóa, phòng học thoáng đãng. Trong đó, có một số công trình được đầu tư hiện đại như Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, THPT Trần Phú, THPT Phan Châu Trinh, THCS Nguyễn Khuyến... Đến nay, trung bình mỗi phường, xã có 1 đến 2 trường mầm non, 1 đến 2 trường tiểu học. Mỗi quận, huyện có 1 đến 2 trường THCS, THPT và 1 Trung tâm Giáo dục thường xuyên-hướng nghiệp.

Song song với việc xây dựng, phát triển mạng lưới trường phổ thông, công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia cũng đã được ngành Giáo dục và Đào tạo đặc biệt chú trọng. Đến nay, toàn ngành có 110 trường học đã đạt chuẩn quốc gia, gồm 25 trường mầm non, 69 trường tiểu học, 12 trường THCS, 4 trường THPT. Hầu hết các trường đạt chuẩn quốc gia đều có cảnh quan sư phạm khang trang, môi trường xanh-sạch-đẹp và chất lượng giáo dục được nâng lên rõ rệt, đáp ứng được yêu cầu giáo dục toàn diện học sinh trong giai đoạn mới.

Nếu những năm đầu chia tách, trên địa bàn thành phố chỉ có 8 trường TCCN, thì đến nay, con số này đã tăng lên 22 trường. Chỉ tính trong vòng 10 năm trở lại đây, các trường đã tuyển sinh đào tạo 132.219 học sinh tốt nghiệp THCS và THPT vào học. Các ngành nghề đào tạo luôn được đa dạng hóa, với tổng số 89 ngành thuộc các khối ngành nông nghiệp, công nghệ kỹ thuật cơ khí, công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật kiến trúc, y tế... đáp ứng thị trường lao động.  

“Thương hiệu”  Đà Nẵng

Bên cạnh việc đầu tư đồng bộ về cơ sở vật chất, mạng lưới trường lớp, việc chăm lo đào tạo chất lượng học sinh mũi nhọn cũng được ngành Giáo dục và Đào tạo quan tâm, đặt lên hàng đầu. Chất lượng dạy và học hằng năm ở các trường phổ thông luôn tăng cao. Trong những năm gần đây, tỷ lệ học sinh của Đà Nẵng đỗ tốt nghiệp THPT luôn duy trì ở mức trên 95%.  

Quan trọng hơn, thành phố Đà Nẵng đã có nhiều cách làm sáng tạo, mang tính đột phát trong công tác bồi dưỡng nhân tài, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Từ năm học 2003-2004, UBND thành phố quyết định đầu tư xây dựng mới Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn theo hướng trường chất lượng cao, giữ vai trò là “cái nôi” bồi dưỡng, phát triển nhân tài cho thành phố. Nhờ sự đầu tư đúng hướng này, liên tục trong những năm gần đây, học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn đã mang vinh quang về cho thành phố thông qua những chiếc Huy chương ở các kỳ thi học sinh giỏi quốc tế. Hàng loạt tên tuổi học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn như: Phạm Xuân Hòa, Đỗ Quốc Khánh, Bùi Đức Thắng, Huỳnh Minh Toàn, Nguyễn Quốc Toán, Nguyễn Bá Cảnh Sơn, Nguyễn Đình Tùng, Đinh Hưng Tư, Nguyễn Kiều Hiếu, Phạm Việt Cường... đã được bạn bè trong nước và quốc tế biết đến. Gần đây nhất, năm học 2010-2011, Đà Nẵng có 4 học sinh tiếp tục đoạt giải trong các kỳ thi quốc tế, gồm: 1 Huy chương Bạc môn Vật lý; 1 Huy chương Đồng môn Toán; 1 Huy chương Đồng môn Sinh và 1 Bằng khen Vật lý châu Á.

Không dừng lại ở đó, để thu hút, tiếp tục đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao chuyển tiếp từ bậc học THPT, thành phố Đà Nẵng nhanh chóng đưa ra nhiều chính sách ưu đãi học sinh giỏi tham gia các Đề án đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại các trường ĐH trong và ngoài nước trên nhiều lĩnh vực, ngành nghề. Đến thời điểm hiện nay, Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đã có 311 học viên bậc đại học và 84 học viên bậc sau đại học tham gia. Trong đó, bậc ĐH, có 122 học viên đã tốt nghiệp và có 79 người được phân công công tác tại các sở, ban, ngành thành phố. Ở bậc sau ĐH, có 48 học viên đã tốt nghiệp và được phân công công tác.  

Theo ông Lê Trung Chinh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố thì so với nhiều địa phương trên cả nước, Đà Nẵng đã có nhiều quyết sách táo bạo, đúng đắn trong công tác chăm lo sự nghiệp “trồng người”. Trong đó, phải kể đến việc ban hành các chính sách ưu đãi trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở bậc ĐH và sau ĐH. Chính sách này đã phát huy hiệu quả tích cực, thu hút được nhiều người giỏi tham gia nhằm đào tạo được những con người giỏi toàn diện, góp phần vào việc xây dựng, phát triển thành phố ngày càng giàu đẹp.

Bài và ảnh: PHƯƠNG CHI

;
.
.
.
.
.