.

Đào tạo theo hệ thống tín chỉ: Tạo thuận lợi cho người học

Ngày 9-12, ĐH Đà Nẵng tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm công tác đào tạo theo hệ thống tín chỉ. Báo cáo tại Hội nghị cho thấy, từ năm 2006, các trường thành viên ĐH Đà Nẵng bắt đầu chuyển hình thức đào tạo từ niên chế truyền thống sang hình thức đào tạo tín chỉ.

Đồng thời tiến hành đổi mới chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy, quy trình đào tạo, phương pháp đánh giá, đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên... để phù hợp với triết lý “Tôn trọng người học, xem người học là trung tâm của quá trình đào tạo”.

Sau 5 năm triển khai đào tạo theo tín chỉ, các trường thành viên của ĐH Đà Nẵng đã không ngừng điều chỉnh, xây dựng lại khung chương trình theo hướng thuận lợi cho người học. Kiến thức các môn học được cấu trúc thành dạng mô đun; lượng hóa được toàn bộ khối lượng kiến thức của ngành đào tạo; giảm số lượng tín chỉ xuống gần với số lượng chuẩn 30 tín chỉ/năm… Nhờ đó đến nay, ĐH Đà Nẵng đã có hàng trăm sinh viên học cùng lúc 2 chương trình. Trong đó, có 1 sinh viên Trường ĐH Kinh tế tốt nghiệp sớm 2 học kỳ. Cũng trong 5 năm qua, với hình thức đào tạo tín chỉ, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp khá, giỏi tăng lên với 79,31%.     

Phát biểu tại Hội nghị, PGS.TS Trần Văn Nam, Giám đốc ĐH Đà Nẵng đánh giá, cùng với quá trình chuyển đổi phương thức đào tạo, các trường thành viên của ĐH Đà Nẵng đã xây dựng hệ thống thông tin và phần mềm quản lý phù hợp với đặc thù của học chế tín chỉ. Bên cạnh đó, sự phát triển của phần mềm, hệ thống thông tin và hạ tầng mạng của ĐH Đà Nẵng cũng hoàn thiện theo. Hiện đã bảo đảm cung cấp thông tin về quá trình đào tạo và hoạt động của nhà trường qua mạng, cung cấp thông tin sinh viên, tổ chức đăng ký học… đáp ứng được yêu cầu của đào tạo tín chỉ trong giai đoạn hiện nay

 Phương Chi

;
.
.
.
.
.