(ĐNĐT) - Sáng 13-12, tại Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, GS Trịnh Xuân Thuận, nhà vật lý thiên văn người Mỹ gốc Việt, người có nhiều công trình nghiên cứu gây tiếng vang lớn trên thế giới, đã có buổi giao lưu với sinh viên và giáo sư Đại học Đà Nẵng về những phát hiện mới trong khoa học.
GS Trịnh Xuân Thuận ký tặng sách cho sinh viên Đà Nẵng |
GS Trịnh Xuân Thuận cho rằng, để trở thành một nhà nghiên cứu, một nhà khoa học giỏi, nhất là trong lĩnh vực thiên văn thì phải có ý chí và niềm đam mê. Bên cạnh đó, người nghiên cứu phải giỏi tiếng Anh vì các công bố nghiên cứu khoa học mới trên thế giới đều công bố bằng tiếng Anh, thậm chí muốn người ta biết đến nghiên cứu của mình thì nghiên cứu của mình phải được viết bằng tiếng Anh.
Trả lời một câu hỏi của sinh viên “có hay không ngày tận thế?”, GS Trịnh Xuân Thuận khẳng định, không có cơ sở khoa học để chứng minh “ngày tận thế”. “Ngày tận thế là tín ngưỡng mà thôi. Điều tôi lo lắng cho trái đất hiện nay đó là sự ứng xử của con người với trái đất, làm nó ngày càng nóng lên, mùa hè nóng hơn, mùa lạnh lạnh hơn, bão ngày càng mạnh và nhiều hơn. Nếu chúng ta không biết chung tay bảo vệ thì không còn trái đất để lại cho con cháu mai sau. Con người phải đồng hòa với nhau để cứu vãn trái đất”, GS Trịnh Xuân Thuận nói.
GS Trịnh Xuân Thuận sinh năm 1948 tại Hà Nội, lớn lên tại Sài Gòn, học phổ thông ở Đà Lạt rồi sang Thụy Sĩ du học năm 1966, sau đó sang Pháp, rồi định cư ở Mỹ. Không chỉ nổi tiếng là một nhà vật lý thiên văn có nhiều công trình nghiên cứu gây tiếng vang lớn, GS Thuận còn là người đưa thiên văn, một ngành khoa học cơ bản, trở nên gần gũi với mọi người và là một nhà thơ, một triết gia... GS Thuận là người Việt Nam đầu tiên được trao giải thưởng cao quý Kalinga của UNESCO về phổ biến khoa học vào năm 2009.
Thanh Tuyền