.

Loay hoay bữa ăn bán trú cho học sinh mầm non

.

Vào dịp gần Tết Nguyên đán, giá các loại thực phẩm tiếp tục tăng đã gây không ít khó khăn đối với các trường mầm non tổ chức bán trú. Trong khi đó, các khoản đóng góp tiền ăn của học sinh không tăng lên, buộc các trường phải xoay xở đủ cách để bảo đảm dinh dưỡng cũng như an toàn thực phẩm cho các em.

Giá cả tăng cao trong dịp gần Tết đã gây ảnh hưởng đến chất lượng bữa ăn của học sinh nhiều trường mầm non. ( Ảnh có tính chất minh họa )
Giá cả tăng cao trong dịp gần Tết đã gây ảnh hưởng đến chất lượng bữa ăn của học sinh nhiều trường mầm non. ( Ảnh có tính chất minh họa )

8 nghìn đồng mỗi bữa ăn chính

Trường mầm non Hòa Khương, xã Hòa Khương (Hòa Vang) hiện có 330 học sinh học bán trú. Theo đó, mỗi ngày phụ huynh đóng góp 10 nghìn đồng tiền ăn để nhà trường lo cho các em một bữa ăn chính (khoảng 8 nghìn đồng) và một bữa ăn phụ 2 nghìn đồng.

Bà Nguyễn Thị Ánh, Phó Hiệu trưởng trường này cho hay, so với năm học trước, mức thu này đã tăng thêm 1 nghìn đồng/học sinh/ngày. Tuy nhiên, do giá cả lương thực, thực phẩm tăng cao, nên bữa ăn của học sinh vẫn chưa thật sự đầy đủ dinh dưỡng. Do đa số gia đình học sinh ở vùng nông thôn, nên nhà trường chỉ có thể thu từ phụ huynh với mức 10 nghìn đồng/ngày, chứ không thể tăng lên thêm. Trước đây, nhà trường đã tổ chức họp phụ huynh nhiều lần để vận động đóng thêm tiền cải thiện bữa ăn cho các cháu, nhưng phụ huynh không đồng tình, vì cho rằng hoàn cảnh kinh tế khó khăn.     

Ở Trường mầm non 1-6 (Liên Chiểu), hằng tháng, mỗi học sinh đóng 500 nghìn đồng, bao gồm các khoản tiền trường, tiền ăn. Ban giám hiệu nhà trường cho biết, dù khoản tiền trên không nhiều so với các trường ở khu vực trung tâm thành phố, nhưng cũng có không ít trường hợp phụ huynh không đủ tiền nộp, vì họ là lao động nghèo. Trong tổng số 500 nghìn đồng đóng cho nhà trường, hằng ngày, mỗi học sinh được ăn một bữa chính buổi trưa 12 nghìn đồng và bữa phụ 4 nghìn đồng. Cô Nguyễn Thị Lệ, Hiệu trưởng nhà trường cho hay, với số tiền 16 nghìn đồng cho mỗi ngày ăn như vậy là ít, so với điều kiện hiện nay. Vì vậy, nhà trường phải cố gắng lắm mới có thể xoay xở cho các cháu một bữa ăn tạm đủ dinh dưỡng tương đương với số tiền ít ỏi trên. Nhiều lần nhà trường cũng muốn tăng tiền ăn bán trú để bảo đảm chế độ dinh dưỡng cho học sinh, nhưng cứ mỗi lần họp bàn phương án tăng thu tiền ăn, nhiều phụ huynh đã vội đến xin cho con được về ăn cơm trưa ở nhà. Thấy vậy, nên đành thôi.

Cần có tiếng nói chung

Các Phòng Giáo dục và Đào tạo quận, huyện cho biết, lâu nay, việc tổ chức bán trú, ăn uống cho học sinh dựa trên cơ sở thỏa thuận giữa nhà trường và phụ huynh. Vì vậy, việc tăng tiền ăn đối với học sinh phải có sự thống nhất giữa hai bên, nhằm hướng đến mục tiêu bảo đảm dinh dưỡng cho học sinh phát triển tốt cả trí tuệ lẫn thể lực. Dù là tự thỏa thuận, nhưng các Phòng Giáo dục và Đào tạo quận, huyện vẫn yêu cầu các trường học phải tự cân đối, không được tăng tiền ăn đột ngột với học sinh, gây khó khăn cho phụ huynh.

Chẳng hạn như ở địa bàn quận Hải Châu, ông Nguyễn Đăng Ngưng, Trường phòng Giáo dục và Đào tạo cho biết, để bảo đảm chế độ dinh dưỡng trong các trường học, hiện nay, Phòng Giáo dục và Đào tạo sẽ đề xuất với UBND quận xây dựng khung tiền ăn cho phù hợp với địa bàn từng phường. Với các nhà cung cấp thực phẩm, ngành vận động họ bình ổn, không tăng giá nhiều và nhanh.   

Còn bà Huỳnh Thị Tam Thanh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, nhằm bảo đảm dinh dưỡng, cũng như vệ sinh an toàn thực phẩm trong các trường học, Sở Giáo dục và Đào tạo đã vận động một số đơn vị kinh doanh mặt hàng thực phẩm trên địa bàn thành phố lên những vùng sâu, vùng xa cung cấp cho các trường với mức giá hợp lý. Còn trường nào tự mua thực phẩm về chế biến, thì hàng hóa phải có chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi ở đây là nhà trường và phụ huynh cần phối hợp chặt chẽ, có sự thống nhất về các khoản đóng góp, nhằm bảo đảm bữa ăn cho các cháu.


Bài và ảnh: PHƯƠNG CHI

;
.
.
.
.
.