.

Học sinh đi xe máy đến trường: Cần chế tài mạnh

.

Tình trạng học sinh trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đi học bằng xe máy vẫn phổ biến mặc dù nhiều trường THPT đã có những giải pháp mạnh để nói “không” với vấn đề này.

CSGT - Công an quận Sơn Trà xử phạt 2 học sinh Trường THPT Ngô Quyền.  							Ảnh: NGỌC PHÚ
CSGT - Công an quận Sơn Trà xử phạt 2 học sinh Trường THPT Ngô Quyền. Ảnh: NGỌC PHÚ

Nghị quyết kỳ họp thứ 3 HĐND thành phố Đà Nẵng khóa VIII (nhiệm kỳ 2011-2016) nêu rõ: Đối với trường hợp học sinh sử dụng xe gắn máy khi chưa đủ tuổi thì xử phạt nặng và tạm giữ xe 60 ngày.

Vô tư đến trường bằng xe máy

Ngày 7-2, có mặt tại một số tuyến đường dẫn vào các trường THPT như: Trần Phú, Thái Phiên, Phan Châu Trinh, Ngô Quyền…, chúng tôi ghi nhận tình trạng học sinh đi học bằng xe gắn máy rất phổ biến. Tại đường Lê Thánh Tôn (quận Hải Châu), phía đối diện Trường THPT Trần Phú, nhiều học sinh đi xe máy vào các con hẻm, đường kiệt để gửi tại nhà dân. Khi thấy chúng tôi chụp ảnh, nhiều học sinh lấy cặp che mặt rồi “thoát” nhanh. Tại đường Hải Phòng (quận Hải Châu), phía đối diện Trường THPT Phan Châu Trinh, nhiều nam sinh, nữ sinh cũng “cưỡi” xe phân khối lớn phóng nhanh vào các con hẻm để gửi. Trên tuyến đường Hải Phòng có nhiều điểm giữ xe cho học sinh, trong đó có nhiều xe máy, mỗi xe được giữ với giá từ 2.000-3.000 đồng.

Theo Thiếu tá Phan Văn Thương, Phó Trưởng phòng CSGT - Công an thành phố Đà Nẵng, gia đình không nên “tiếp tay” cho con em mình và phải nghiêm cấm con cái đi xe máy khi chưa đủ tuổi. “Hiện tại, Phòng CSGT đã chỉ đạo các đội nghiệp vụ nghiêm túc xử lý việc học sinh đi xe máy, đồng thời đề nghị Công an địa phương nhắc nhở, có biện pháp xử lý các nhà dân có tổ chức giữ xe máy của học sinh”, Thiếu tá Phan Văn Thương cho biết.
 

Trong khi đó, đối diện Trường THPT Ngô Quyền vào sáng 7-2 có hơn 15 xe máy được người dân xếp gọn gàng 2 bên lề đường. Một phụ nữ giữ xe cho biết, đây là xe gắn máy của học sinh Trường THPT Ngô Quyền được giữ với giá 2.000 đồng/chiếc. Tại các trường THPT Thái Phiên, Thanh Khê trong những ngày qua, tình trạng này cũng diễn ra tương tự.

Ông Nguyễn Quang Long, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú, và ông Nguyễn Thanh Phương, Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Quyền, đều xác nhận việc có tình trạng học sinh của trường đi xe máy đến gửi ở nhà dân. Theo ông Phương, việc học sinh sử dụng xe máy trước đây phổ biến hơn, do nhà trường xử lý quyết liệt nên đã hạn chế phần nào tình trạng này. “Việc học sinh đi xe máy vẫn là vấn đề nhức nhối đối với trường mặc dù chúng tôi đã nỗ lực”, ông Phương chia sẻ.

Mạnh tay với học sinh vi phạm

Sáng 7-2, tại vòng xuyến đường Ngô Quyền - Nguyễn Công Trứ, lực lượng CSGT - Công an quận Sơn Trà phát hiện 2 học sinh Trường THPT Ngô Quyền điều khiển xe máy, đã lập biên bản xử phạt hành chính và tạm giữ phương tiện. Thiếu tá Phan Văn Thương, Phó Trưởng phòng CSGT - Công an thành phố Đà Nẵng, cho biết: Từ tháng 1-2012 đến nay đã xử lý gần 20 trường hợp học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ (GTĐB). Chiếu theo Nghị định 34, các trường hợp ở độ tuổi vị thành niên thì chỉ xử phạt cảnh cáo và tạm giữ xe 10 ngày. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, việc xử lý theo quy định pháp luật vẫn chưa đủ sức răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung. Vì vậy, đối với học sinh, các trường cần có chế tài xử phạt riêng.

Hai học sinh “cưỡi” xe máy gửi tại nhà dân ở đường Hải Phòng.
Hai học sinh “cưỡi” xe máy gửi tại nhà dân ở đường Hải Phòng.

Trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng, ông Nguyễn Quang Long cho hay, Trường THPT Trần Phú xử lý nghiêm tình trạng học sinh vi phạm Luật GTĐB, tuyệt đối không cho học sinh mang xe máy vào trường. Đối với những trường hợp vi phạm bên ngoài, nếu lần thứ nhất bị phát hiện sẽ hạ hạnh kiểm, nhắc nhở trước toàn trường; nếu tiếp tục vi phạm sẽ buộc thôi học một năm. Sau một năm nếu học sinh tiến bộ, gia đình có cam kết mới được đi học lại.

Vấn đề này cũng được Trường THPT Ngô Quyền thực hiện ráo riết từ khi bước vào năm học 2011-2012. Ông Nguyễn Văn Xuyên, giám thị Trường THPT Ngô Quyền, cho biết hằng tuần giám thị và Đoàn Thanh niên đều tổ chức 2 buổi để đón, bắt học sinh đi học bằng xe máy. Trong học kỳ 1 đã xử lý hơn 15 học sinh vi phạm. Những trường hợp này sẽ bị hạ hạnh kiểm và mời gia đình đến cam kết không tái phạm. Song, điều làm ông Xuyên cũng như Ban Giám hiệu trăn trở là phụ huynh thường đưa ra lý do bận công việc nên không đưa đón được và phải cho con đi học bằng xe máy. Trong khi đó, nhà trường đi kiểm tra, đề nghị các nhà dân hợp tác không giữ xe học sinh thì bị xua đuổi, thậm chí bị xúc phạm. Ông Xuyên cũng đề nghị lực lượng Công an phải xử lý nghiêm học sinh đi xe máy để răn đe, giáo dục.

Xử phạt 25 trường hợp học sinh phạm Luật Giao thông
Chiều 8-2, Trung tá Phan Xuân Tin, Đồn trưởng Đồn Công an Bắc Hòa Vang (huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng) cho biết: Từ ngày 30-1 đến ngày 8-2, Đồn Công an Bắc Hòa Vang đã kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đối với 55 trường hợp. Trong đó có 25 trường hợp học sinh Trường THPT Phạm Phú Thứ vi phạm các lỗi: điều khiển xe gắn máy đến trường, điều khiển xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định. 30 trường hợp còn lại là người dân vi phạm do điều khiển xe gắn máy chở quá số người quy định, không đội mũ bảo hiểm…

PHƯƠNG CHI

Trong khi đó, ông Nguyễn Cửu Huy, Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, cho biết: Đầu năm học 2011-2012, trường đã tổ chức cho toàn thể học sinh, giáo viên chủ nhiệm nghe CSGT phổ biến Luật GTĐB, sau đó đại diện các lớp cam kết không vi phạm. Đặc biệt, nhà trường phối hợp với các lực lượng an ninh cơ sở làm “tai mắt” để nắm tình hình học sinh đi xe máy, đồng thời liên hệ và nhờ người dân phát hiện học sinh đi xe máy, thông báo lại để có biện pháp xử lý. “Nhờ làm rốt ráo nên những năm qua Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn không có học sinh vi phạm Luật GTĐB”, ông Huy chia sẻ.

Còn theo Sở GD-ĐT thành phố Đà Nẵng, từ năm 2008, Sở đã có công văn yêu cầu các trường THPT xử lý học sinh vi phạm Luật GTĐB. Theo đó, đối với học sinh vi phạm lần đầu sẽ bị phê bình; lần thứ hai sẽ hạ hạnh kiểm; lần thứ ba sẽ cảnh cáo và xếp hạnh kiểm loại thấp nhất; lần thứ tư sẽ bị buộc thôi học một năm. Hiện tại, Sở đã chỉ đạo các Phòng GD-ĐT, các trường THPT phối hợp với lực lượng chức năng quận, huyện, phường, xã nắm tình hình các cơ sở, nhà dân có giữ xe máy; đồng thời tăng cường giáo dục về Luật GTĐB cho học sinh…

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ

;
.
.
.
.
.