Chọn ngành nghề phù hợp năng lực, sở thích
Ngày 24-2, Bộ GD-ĐT đã ban hành văn bản về phương hướng tuyển sinh năm 2012. Theo đó, kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2012 về cơ bản giữ ổn định theo giải pháp “3 chung” như các năm trước, nhưng có một số điểm mới trong quy chế tuyển sinh năm 2012 được Bộ điều chỉnh, bổ sung.
Thí sinh nêu câu hỏi nhờ các chuyên gia tư vấn giải đáp. |
Cụ thể, kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012 chia thành 3 đợt. Trong đó, 2 đợt thi ĐH: Đợt 1 vào các ngày 4 và 5-7, gồm các khối A, A1 và khối V; đợt 2 vào ngày 9 và 10-7 với các khối thi B, C, D. Đợt 3 vào các ngày 15 và 16-7 dành cho các khối thi CĐ.
Mỗi thí sinh sẽ có 2 bản phiếu báo điểm gốc: Năm nay, Bộ GD-ĐT giao cho các trường được tự chủ trong xét tuyển, không quy định thời gian, số đợt. Điểm xét tuyển đợt sau không nhất thiết phải cao hơn đợt trước, chỉ cần từ điểm sàn trở lên. Thời gian chốt xét tuyển là ngày 30-11. Mỗi thí sinh được cấp 2 phiếu báo điểm có dấu đỏ, có giá trị như nhau, không ghi nguyện vọng 2 hay 3. Các trường được tự quyết việc nhận xét tuyển bằng phiếu báo điểm gốc hoặc photocopy. Các trường phải tạo điều kiện cho thí sinh rút hồ sơ xét tuyển nếu thí sinh có nhu cầu, đồng thời phải công bố công khai, cập nhật hằng ngày số lượng hồ sơ đăng ký dự thi vào trường để thí sinh theo dõi, điều chỉnh nguyện vọng.
Tuyển thẳng học sinh đoạt giải quốc gia: Học sinh giỏi quốc gia đoạt giải nhất, nhì, ba được tuyển thẳng vào ĐH, đoạt giải khuyến khích được vào thẳng CĐ. Trường hợp học sinh không sử dụng quyền tuyển thẳng hoặc không đăng ký vào học đúng nhóm ngành theo môn đoạt giải, nếu dự thi ĐH, CĐ thì được ưu tiên theo hướng: Dự thi đủ số môn quy định, kết quả thi đạt điểm sàn ĐH trở lên, không có môn nào bị điểm 0, các trường tuyển thẳng vào ĐH. Nếu thí sinh đó dự thi đủ số môn quy định, kết quả thi từ điểm sàn CĐ đến dưới điểm sàn ĐH, không có môn nào bị điểm 0, thì các trường tuyển thẳng vào CĐ.
Khối trường năng khiếu được thi riêng: Một số trường trực thuộc Bộ VH-TT&DL được tổ chức thi tuyển sinh riêng. Các trường chủ động ấn định lịch thi lệch với lịch thi của kỳ thi “3 chung” để thí sinh dự thi vào khối trường này có thêm cơ hội thi vào các trường khác theo “3 chung”.
Bổ sung khối A1: Khối A1 gồm các môn Toán, Văn, Ngoại ngữ, sẽ được tổ chức thi ở đợt 1, cùng với khối A. Để bảo đảm sự ổn định ở các trường tuyển sinh theo khối thi truyền thống và không ảnh hưởng đến việc học tập, định hướng ôn tập của học sinh, Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường vẫn tuyển sinh theo các khối thi của từng ngành đào tạo như những năm trước và có thể bổ sung khối A1 nếu thấy cần thiết và phù hợp đối với từng ngành đào tạo.
Ngoài ra, Bộ GD-ĐT bổ sung cụm thi tại Hải Phòng và cho phép thí sinh dự thi tại cụm Vinh đăng ký học tại các trường ĐH đóng tại thành phố Hồ Chí Minh. Cụm thi Hải Phòng sẽ do Trường ĐH Hàng hải làm trưởng cụm, tổ chức thi cho thí sinh có hộ khẩu thường trú tại thành phố Hải Phòng và Quảng Ninh, có nguyện vọng học tại Trường ĐH Hàng hải và các trường ĐH đóng trên địa bàn thành phố Hà Nội. Bên cạnh đó, cho phép thí sinh dự thi tại cụm Vinh đăng ký học các trường ĐH đóng tại thành phố Hồ Chí Minh. Các thí sinh có hộ khẩu thường trú tại 4 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị có nguyện vọng học tại Trường ĐH Vinh hoặc các trường ĐH đóng tại Hà Nội hoặc thành phố Hồ Chí Minh được dự thi tại cụm thi Vinh, do Trường ĐH Vinh làm trưởng cụm thi.
* Ngày 26-2, tại Trường CĐ Công nghệ (Đại học Đà Nẵng) đã diễn ra Ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp 2012, do Báo Tuổi Trẻ thành phố Hồ Chí Minh phối hợp cùng Bộ GD-ĐT, ĐH Đà Nẵng, Sở GD-ĐT thành phố Đà Nẵng tổ chức. Đến dự, có GS-TSKH Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT.
Tại ngày hội, những thắc mắc, băn khoăn của phụ huynh và thí sinh trước kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012 đã được các chuyên gia tư vấn giải đáp đầy đủ, chính xác.
Không nên dự thi quá nhiều trường
Gần 15.000 học sinh THPT ở các tỉnh, thành như Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi… đã háo hức đến Trường CĐ Công nghệ để tham dự Ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp 2012. Sau lễ khai mạc, Khánh Hoa, học sinh Trường THPT Hoàng Hoa Thám, đặt câu hỏi với các chuyên gia tư vấn: Một thí sinh có quyền đăng ký dự thi vào nhiều trường không? Trả lời câu hỏi này, TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh cho biết, theo quy định kỳ thi tuyển sinh năm nay, thí sinh được phép đăng ký dự thi vào nhiều trường. Dù vậy, TS Nguyễn Đức Nghĩa lưu ý với các thí sinh rằng, việc nộp cùng lúc nhiều hồ sơ đăng ký dự thi cũng đồng nghĩa với mất nhiều tiền lệ phí thi. Nhưng trong mỗi đợt thi, thí sinh chỉ có thể dự thi một trường. Vì vậy, thí sinh cần cân nhắc kỹ lưỡng, đã xác định thi ngành nào, trường nào thì ôn tập thật chắc để đạt kết quả cao, chứ không nên dự thi nhiều nơi, nhiều chỗ.
Bên cạnh việc tìm hiểu thông tin đào tạo về các ngành nghề đại trà, năm nay, nhiều thí sinh đã quan tâm, tìm hiểu về các chương trình đào tạo chất lượng cao ở các trường thành viên ĐH Đà Nẵng. Thí sinh Nguyễn Văn Hòa hỏi: Chương trình đào tạo chất lượng cao của Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng) như thế nào, có dễ xin việc làm không? TS Trần Quang Hải, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ cho biết, ngoài một số chuyên ngành đào tạo đại trà, năm nay, nhà trường mở 3 lớp chất lượng cao. Ở những lớp học này, điều kiện cơ sở vật chất bảo đảm tốt, sinh viên được học nhiều với các chuyên gia nước ngoài và các giáo viên trong nước có trình độ cao. Tuy nhiên, học phí cao gấp đôi so với các lớp đại trà.
Th.S Giang Thị Kim Liên, Phó Ban đào tạo ĐH Đà Nẵng bổ sung thêm: Những năm qua, một số trường thành viên ĐH Đà Nẵng như ĐH Kinh tế, ĐH Bách khoa… đã đào tạo một số chuyên ngành chất lượng cao hợp tác với các trường ĐH nước ngoài. Ở những lớp học này, ngoài năng lực khá giỏi, sinh viên phải có trình độ ngoại ngữ tốt. Trong những năm qua, hầu hết sinh viên các lớp chất lượng cao sau khi ra trường đều được các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tiếp nhận ngay.
Cần có phương pháp học tập hợp lý
Bên cạnh những băn khoăn, lo lắng về việc chọn trường, chọn ngành, nhiều thí sinh đã bày tỏ những thắc mắc về các phương pháp học tập làm sao để đạt hiệu quả cao, sự bất đồng về quan điểm giữa bố mẹ và con cái trong việc chọn ngành, chọn trường thi… Nguyễn Phan Diệu Hương, học sinh Trường THPT Phan Châu Trinh, tỏ ra lo lắng: “Em muốn thi ngành Kiểm toán, nhưng mẹ em lại muốn em thi ngành tiếng Anh để sau này trở thành giáo viên. Thú thật em rất băn khoăn, chưa biết tính sao”. TS tâm lý Đinh Phương Duy, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục thành phố Hồ Chí Minh khuyên: “Hai khối thi này hoàn toàn khác nhau, ngành Kiểm toán thi khối A, còn ngành tiếng Anh thi khối D. Trước hết, em phải xem sở trường, năng khiếu của mình là khối nào. Nếu sở trường là khối A, em hãy nói cho mẹ mình biết rằng con thích học khối A và lâu nay con đã tập trung cho khối thi này. Vì vậy, bây giờ đổi lại theo ý mẹ là rất khó. Trên cơ sở đó, khuyên mẹ hãy chấp thuận theo sở thích của em, nhằm tránh xung đột, bất đồng giữa mẹ con”.
Trần Thị Kim Thư, học sinh Trường THPT Hoàng Hoa Thám hỏi: Làm thế nào để có trí nhớ tốt, trong khi đó các môn học bài trong chương trình ở trường khá nhiều? Theo bác sĩ CK1 Nguyễn Thị Thanh Mai, Trung tâm Family - Bác sĩ gia đình Đà Nẵng, để có trí nhớ tốt, thí sinh cần có thời gian học tập, nghỉ ngơi hợp lý. Đây là cách người ta thường gọi “học mà chơi, chơi mà học”. Đồng thời, thí sinh chia khối lượng công việc cần hoàn thành trong quãng thời gian nhất định để có cách giải quyết hợp lý từng bước. Lưu ý sau khi học xong thì nghỉ ngơi để trí não phục hồi. Đây là cách làm trí nhớ kéo dài. TS Đinh Phương Duy bổ sung thêm: Thông thường sau khi học bài, nếu học sinh chịu khó tái hiện thông tin bài học trong đầu thì sẽ giúp nhớ lâu hơn. Đồng thời, cần phải nắm chắc những nội dung cốt lõi của bài học.
Hoàng Dũng, học sinh Trường THPT Thanh Khê hỏi: “Em muốn thi vào ngành Dược, nhưng môn Hóa em học yếu, vậy có cách nào để học tốt hơn môn này?”. Thầy Nguyễn Phan Duy Vũ, chuyên viên Phòng Giáo dục chuyên nghiệp-Giáo dục thường xuyên Sở GD-ĐT thành phố Đà Nẵng cho hay: “Để học tốt môn Hóa, khi ở trên lớp em phải hết sức tập trung nghe thầy cô giảng bài. Những chỗ nào chưa hiểu thì hỏi ngay thầy cô hoặc bạn bè. Nhưng quan trọng hơn là lúc về nhà, em phải tự mình mò mẫm học tập, nắm thật chắc các công thức, siêng năng giải bài tập và hệ thống hóa kiến thức một cách khoa học để nhớ lâu, vận dụng tốt trong quá trình làm bài thi”.
Bài và ảnh: NGỌC ĐOAN