.

Tràn lan sách nhân bản

.

Nhân bản sách (còn gọi là photocoppy) với số lượng từ vài chục đến hàng trăm cuốn rõ ràng là phạm luật. Nhưng vin vào lý do “phục vụ cho sinh viên không có tiền mua sách thật”, các cửa hàng dịch vụ văn phòng (DVVP) vẫn mặc nhiên nhân và bán rộng rãi.

Sinh viên Đại học Bách khoa (ĐHBK) tìm danh mục các đầu sách nhân bản tại một cửa hàng DVVP ở gần ký túc xá ĐHBK.
Sinh viên Đại học Bách khoa (ĐHBK) tìm danh mục các đầu sách nhân bản tại một cửa hàng DVVP ở gần ký túc xá ĐHBK.

Cần bao nhiêu có bấy nhiêu (?!)

Theo khảo sát của chúng tôi, đa số các cửa hàng DVVP xung quanh các trường đại học (ĐH) Bách khoa, Sư phạm, Kinh tế… đều có bán các giáo trình dạy trong trường cả đại cương lẫn chuyên ngành dưới nhiều hình thức nhân bản khác nhau. Các cửa hàng này đều có máy móc hiện đại, có thể đáp ứng được nhu cầu nhân bản sách thật nhanh với giá thật rẻ.

Một trong những khu vực bán và nhân bản sách vào loại rầm rộ nhất có thể kể đến khu gần ký túc xá ĐH Bách khoa Đà Nẵng. Tại bàn bán “sách” của cửa hàng Te. ở khu trên, rất nhiều sinh viên (SV) chụm đầu đăng ký mua đủ loại sách photocoppy. Người bán đưa ra một xấp danh mục với hàng nghìn đầu sách hiện có tại cửa hàng, bao gồm cả giáo trình tự soạn lẫn sách có tên tác giả, nhà xuất bản và năm xuất bản.

Ngoài một loạt sách đại cương như Chủ nghĩa Mác-Lênin, Chủ nghĩa xã hội khoa học (CNXHKH), Lịch sử Đảng…, là hằng hà sa số đầu sách từng ngành của ĐH Bách khoa như Điện, Công nghệ thông tin, Xây dựng…Trên bảng danh mục còn in dòng chữ quảng cáo: “Cửa hàng chúng tôi luôn cập nhật những đầu sách mới nhất…”. Một SV ra vẻ là khách quen của cửa hàng nhiệt tình chỉ dẫn khi thấy tôi chưa rành lắm về việc mua sách: “Chị ưng cuốn nào thì kêu họ bán cuốn đó, tụi em mua mấy cũng được”. Tôi chỉ cuốn Hỏi-Đáp môn CNXHKH của TS. Đỗ Thị Thạch (chủ biên) của Nhà xuất bản ĐH Quốc gia Hà Nội xuất bản năm 2005 và hỏi mua 40 cuốn.

Một người từ kho sách nằm trên gác lửng của cửa hàng ném xuống một cuốn có kích cỡ nhỏ khoảng bằng nửa sách thật, chữ nhỏ lít chít, thông báo “chỉ còn 18 cuốn”. Người bán nhanh nhẹn: “Nếu em cần, chị photo sáng mai lấy, mấy cũng có, chỉ 6 nghìn đồng/cuốn. Mà không ai mất công photo nhỏ như ở đây đâu em nghe”.

Rời Te., tôi đến cửa hàng T.T cách đó vài chục mét. Không lưu sách thành kho như Te., T.T có cách làm “gọn” hơn: Tải các tài liệu trên kho sách điện tử về máy, ai cần cuốn nào mới photo. Quan sát thật nhanh, tôi nhận thấy dù không hoành tráng về lượng đầu sách như Te., nhưng T.T cũng khá đầy đủ các sách chuyên ngành và đặc biệt là các loại tài liệu Hỏi-Đáp cho một số môn học. Người bán chắc chắn sẽ đáp ứng cho tôi đủ 50 bản mà tôi cần cho một tài liệu Hỏi-Đáp về Kinh tế chính trị có xuất xứ và tác giả đàng hoàng.

“Dại gì mua sách thật!”

Trên đường Lê Lợi, cửa hàng T.K lại là “thiên đường” của các đầu sách ngoại ngữ nhân bản. P.T.N, một SV học văn bằng hai Khoa Cử nhân tiếng Anh ở một trường ĐH cho biết, cứ mỗi buổi đầu tiên của môn học mới đều có nhân viên của cửa hàng này mang mấy chục cuốn sách photo môn đó đến bán, như thể đã có sự thỏa thuận giữa giảng viên và cửa hàng, trong đó, không hiếm sách là loại có tên tác giả và nhà xuất bản. Tương tự như trên, khi người mua hỏi bất kỳ đầu sách ngoại ngữ nào đang thông dụng hoặc đang bán chạy trên thị trường, T.K đều đáp ứng được.

Tại một số điểm khác như khu vực ĐH Sư phạm, ĐH Kinh tế…, các sách môn học đại cương được nhân bản nhiều nhất và bán được nhất. Bởi theo N.T.T, một SV Trường ĐH Sư phạm, vì tâm lý “học xong là bỏ”, SV chẳng dại gì mua sách thật với giá thường cao gấp 2-3 lần sách nhân bản. Hơn nữa, SV này cho hay, thị trường Đà Nẵng chưa cung ứng được nhiều đầu sách chuyên ngành, nên thường giảng viên đem từ Huế vào một vài cuốn cho SV photo hàng loạt. Vì vậy, dù biết hay không biết rằng đã vi phạm Luật Xuất bản và Luật Bản quyền tác giả, thì cả SV lẫn các cửa hàng photocoppy đều vô tư nhân bản sách với số lượng lớn.

Tuy nhiên, theo Sở Thông tin-Truyền thông Đà Nẵng, photocoppy là một dạng in và nếu photocoppy, nhân bản với số lượng lớn có thể xếp vào hành vi in, sao lậu, phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Theo đó, người có hành vi tàng trữ, phát hành xuất bản phẩm in, sao lậu, hoặc xuất bản phẩm không có hóa đơn, chứng từ thể hiện nguồn gốc hợp pháp thì có thể bị xử phạt từ 3 đến 30 triệu đồng.

Dù hằng ngày, việc nhân bản sách phạm luật cứ diễn ra rành rành, thì vẫn chưa có một số liệu về kiểm tra, xử phạt hay một động thái nào thể hiện sự quan tâm của các cơ quan quản lý Nhà nước về vấn nạn này.

Bài và ảnh: HẰNG VANG
 

;
.
.
.
.
.