.

Tưởng nhớ thầy Lê Trí Viễn

Tin chẳng lành về sự ra đi của Thầy Lê Trí Viễn đến với tôi từ bạn bè ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Vẫn biết thế nào rồi cũng sẽ đến lúc như vậy, nhưng sao vẫn không khỏi cảm thấy thật đột ngột.

Trong lần gặp gỡ cách đây vài năm giữa Thầy với đám học trò cũ lớp Văn Đại học Sư phạm Hà Nội khóa 1964-1967 chúng tôi, Thầy vẫn còn mạnh khỏe, nhanh nhẹn, còn ngồi lại đến phút cuối, và Thầy còn nói vui: “Tôi năm nay 93, báo trước các anh chị thương cho, cũng chưa nói trước được điều gì. Gặp nhau đây vui vẻ thế này, nhưng ngày mai, ngày kia, tháng sau. Không biết thế nào. May là trong người giờ chưa có bệnh tật gì. Bây giờ rảnh rang rồi. Chỉ còn việc viết lách. Tất cả những gì cuộc sống 93 năm. Từ 20 tuổi đã dạy học, giờ 93 tuổi vẫn dạy học. Tuy tuổi cao sức yếu nhưng vẫn sống bình thường, ngủ được ăn được, còn nói “ba láp” được”.

Con người dẫu đã qua lâu cái ngưỡng “tri thiên mệnh”, vẫn nói những lời rất lạc quan theo kiểu nói rất Quảng như vậy với đám môn đệ của mình, giờ đã thực sự vĩnh viễn ra đi ở tuổi Chín Mươi Lăm.

Giờ đây, vẫn còn nguyên vẹn trong chúng tôi hình ảnh một ông lão dáng nho nhã, hiền từ nhưng quắc thước, một người Thầy mẫu mực suốt một đời gắn bó với nghề dạy học, dạy nhiều thế hệ khác nhau, vừa dạy học vừa viết sách hướng dẫn, viết giáo trình cho người đi dạy, lại có những tác phẩm dịch văn học xuất sắc làm tư liệu bổ trợ cho thầy và trò. Tất cả những gì ông có được hôm nay là kết quả của một quá trình tự học, tự rèn luyện không biết mệt mỏi, đúng với phẩm chất một người con xứ Quảng. Người thầy ấy ra đi từ một làng quê của xã Điện Hồng, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, từng bôn ba khắp nẻo đường miền Trung rồi ra miền Bắc, cuối đời thì về sống ở miền Nam, hết dạy tiểu học, trung học trong kháng chiến chống Pháp đến dạy đại học và trên đại học trong những năm sau này, cả ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương.

Người thầy ấy đã dấn thân cùng những biến động của nền giáo dục từ cơ chế bao cấp chuyển sang cơ chế thị trường, và ở giai đoạn nào ông cũng muốn làm cho giáo dục luôn có một vị trí cao cả trong việc xây dựng nhân cách con người. Cũng trên vị trí một người thầy, ông đã từng được cử ra nước ngoài làm chuyên gia giảng dạy ở những trung tâm giáo dục có uy tín như Trường Đại học Bắc Kinh - Trung Quốc. Người Thầy ấy có thể là chứng nhân cho một cuốn biên niên sử của nền giáo dục nước nhà trong thời đại mới.

Nhà nước đã phong tặng cho ông rất nhiều danh hiệu cao quý, đáng nể trọng: Giáo sư, Nhà giáo nhân dân, người được nhận Huân chương Lao động hạng nhất, v.v…, nhưng sao tôi vẫn chỉ muốn xin được gọi ông mỗi một từ Thầy. Đối với lớp sinh viên những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trên miền Bắc, hứng chịu những trận bom để xây dựng giảng đường và ngồi học trong những lớp học chìm sâu trong lòng đất, hai tiếng người Thầy như chứa đựng trong nó một hàm nghĩa rất đặc biệt; nó không đơn thuần để chỉ người truyền dạy tri thức mà thực sự là người cha, người anh ruột thịt cùng với đàn con, đàn em của mình chia sẻ bao nhiêu hiểm nguy vất vả của cuộc sống thời chiến.

Ở nơi sơ tán, các thầy cũng cùng chúng tôi lên rừng đẵn nứa xây nhà, hằng tuần cũng phải vào rừng kiếm củi nộp cho nhà bếp theo định mức, hằng tháng cũng phải đi bộ ra tận kho lương thực huyện vác gạo về nộp cho nhà bếp lo bữa. Nhưng khi các thầy lên lớp giảng bài, thì trong mỗi con người gần gũi thân thiết hằng ngày ấy như ánh lên những tia sáng trí tuệ khiến chúng tôi cứ mãi khao khát vươn tới, và đấy cũng là những kho tri thức mà chúng tôi khơi mãi không cạn.

Thầy Lê Trí Viễn là một nhà giáo giản dị và gắn bó với sinh viên như vậy, mặc dù khi ấy, ngoài trách nhiệm của một giáo sư trực tiếp giảng dạy chúng tôi, nhất là phần văn học trung đại, thầy còn giữ cương vị Chủ nhiệm Khoa. Không hiểu sao, ngay từ những năm xa xưa ấy, chúng tôi đã nhận ra nét tính cách của một ông đồ xứ Quảng ở nơi Thầy. Trước hết nó toát ra từ phong thái của một ông giáo có đôi mắt rất nhân từ nhưng cũng hết sức nghiêm khắc; một thái độ đòi hỏi cao với học trò, không khoan nhượng với một lỗi nhỏ, dù đó chỉ là một lỗi chính tả trên lá đơn xin phép của một sinh viên nào đó.

Thầy quan niệm đã là sinh viên sư phạm thì phải chuẩn mực cả trong lối sống lẫn trong nghề nghiệp. Về chuyên môn học thuật, Thầy luôn là người phát hiện, luôn là người đặt lại những vấn đề tưởng chừng như đã được giải quyết ổn thỏa. Tôi nhớ mãi lần ấy Thầy nói chuyện về bản dịch một bài thơ trong tập “Nhật ký trong tù” của Hồ Chủ tịch, sau này Thầy có viết lại và đăng trên Tạp chí Tác phẩm mới. Suy nghĩ của Thầy đã gợi mở cho chúng tôi hiểu sâu thêm cái thâm thuý của những bài thơ tưởng chừng rất đơn sơ giản dị của Bác. Đó là trường hợp bản dịch Bài mở đầu “Ngục trung nhật ký”: Thân thể tại ngục trung/ Tinh thần tại ngục ngoại/ Dục thành đại sự nghiệp/ Tinh thần cánh yếu đại (Thân thể ở trong lao/ Tinh thần ở ngoài lao/ Muốn nên sự nghiệp lớn/ Tinh thần càng phải cao).

Thầy Lê Trí Viễn đã khẳng định thành công của bản dịch, đã phân tích cụ thể cái có vẻ như không có gì còn bàn lại trong bản dịch này, bởi câu chữ giữa nguyên tác và bản dịch cứ sóng đôi nhau không thể khác. Nhưng, với tư duy phát hiện, Thầy cho rằng âm điệu của bản dịch không lột tả được tinh thần nguyên tác. Ở nguyên tác rất nhiều vần trắc, nhất là ở cuối các câu thơ, như cái gì khó chịu, bực bội. Sức mạnh con người dồn vào bên trong. Như rắn lại, đúc lại. Bốn câu thơ chữ Hán có hai chữ đại, chữ đại sau chồng lên chữ đại trước, chữ đại sau cao hơn chữ đại trước. Trong khi đó bản dịch dùng vần bằng, chừng nào đó có vẻ như là thanh thản. Cái thế của bài thơ và sức mạnh của bài thơ vì thế mà bị giảm đi một phần. Có thể kể không ít những trường hợp Thầy đã giúp chúng tôi luôn đào sâu suy nghĩ như vậy để vừa học tập người đi trước vừa có tác phong tư duy độc lập.

Trong con người của Thầy Lê Trí Viễn luôn song hành giữa hai tâm thế, một bên là tư duy khúc chiết, rành rẽ của một nhà nghiên cứu uyên bác với một bên là tâm hồn thơ nhạy cảm, tinh tế luôn rung động trước thiên nhiên và tình người. Chúng tôi rất khâm phục khi được biết, ngoài việc nghiên cứu, Thầy còn làm nhiều thơ, thỉnh thoảng lắm, khi thân tình, Thầy cũng đọc cho chúng tôi nghe vài bài. Nhưng cái chính là tâm hồn thơ ấy được hòa trộn trong tư duy nghiên cứu. Ngày đi học, chúng tôi đã mê mải với chương giáo trình về Truyện Kiều do Thầy biên soạn, trong đó, bằng một văn phong đầy xúc cảm và một tư duy nghiên cứu sắc bén, Thầy đã đem đến cho các thế hệ học trò sư phạm những tri thức mới mẻ, tươi ròng xen lẫn những xúc động thật sự khi tiếp xúc với tuyệt phẩm của Nguyễn Du.

Rất tiếc là sau này, anh em bạn bè lớp cũ của chúng tôi mỗi người mỗi ngả, người thì rời giảng đường tham gia quân ngũ, người đi học nước ngoài, người chuyển sang các lĩnh vực công tác khác, không còn được trực tiếp thụ giáo nơi Thầy, nhưng tất cả những gì đọng lại trong quãng thời gian ngắn ngủi được tiếp xúc với Thầy cùng những chỉ dẫn rất nhẹ nhàng nhưng sâu sắc và những trang sách Thầy viết ra đã trở thành hành trang quý giá cho mỗi chúng tôi trong những bước đường đời. Riêng đối với tôi, không thể quên được những lần Thầy về thăm quê hương gặp lại người học trò cũ khi ấy đang làm công tác quản lý giáo dục, Thầy luôn quan tâm hỏi han, khuyên nhủ và cho ý kiến về việc phối hợp soạn tài liệu giảng dạy văn học địa phương xứ Quảng trong nhà trường. Về đến thành phố Hồ Chí Minh, Thầy còn viết thư ra, trong đó có cả  bài thơ Thầy sáng tác ở tuổi tám mươi, tự tổng kết cuộc đời mình với những ngôn từ hết sức chân thật và cảm động.

Bây giờ, ở vào cái tuổi ngoài Sáu Mươi như lớp chúng tôi, một trong những nỗi niềm đau đáu khi nghĩ về những người thầy của mình trong những năm tháng của cuộc đời đi học, đó là nỗi ân hận về điều rằng mình đã không làm được gì tốt hơn như mong mỏi của các Thầy, và nhất là điều kiện xa xôi cách trở không được gần gũi bên các Thầy để thường xuyên được hỏi han trò chuyện. Với những người như Thầy Huỳnh Lý hay Thầy Lê Trí Viễn, tôi cảm thấy như mình luôn có lỗi. Khi các Thầy được tặng các danh hiệu cao quý hoặc mừng thượng thọ, đã không có mặt để chúc mừng, khi các Thầy qua đời, cũng không thể trực tiếp phúng viếng Thầy và chia buồn cùng gia quyến. Đành có mấy dòng sơ khoáng này như thêm một nén hương kính viếng trong buổi sáng nay, khi ở thành phố Hồ Chí Minh, những thầy giáo và bạn bè chúng tôi đang đi trong dòng người tiễn đưa Thầy đến nơi an nghỉ cuối cùng.


Đà Nẵng, sáng sớm 6-2-2012 (Rằm tháng Giêng Nhâm Thìn)

BÙI CÔNG MINH

;
.
.
.
.
.