.

Ấn tượng chất lượng giáo dục

.

Chất lượng và số lượng học sinh của thành phố Đà Nẵng đoạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế không ngừng tăng lên qua mỗi năm học. Học sinh Đà Nẵng thật sự là đối thủ đáng gờm trong mắt bạn bè trong nước cũng như quốc tế trong các kỳ thi.

Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo đón hai học sinh Nguyễn Kiều Hiếu và Phạm Việt Cường đoạt Huy chương Bạc Olympic Toán học quốc tế lần thứ 51 trở về tại Sân bay quốc tế Đà Nẵng.
Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo đón hai học sinh Nguyễn Kiều Hiếu và Phạm Việt Cường đoạt Huy chương Bạc Olympic Toán học quốc tế lần thứ 51 trở về tại Sân bay quốc tế Đà Nẵng.

Bên cạnh việc đầu tư đồng bộ về cơ sở vật chất, mạng lưới trường lớp, việc chăm lo đào tạo nâng cao chất lượng học sinh mũi nhọn được ngành GD-ĐT thành phố đặt lên hàng đầu.

Những kết quả ấn tượng

Trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia do Bộ GD-ĐT tổ chức, học sinh Đà Nẵng luôn nằm trong top 10 tỉnh, thành phố có số học sinh đoạt giải cao nhất. Gần đây nhất, đoàn học sinh Đà Nẵng đã đoạt 63 giải thưởng trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm học 2011-2012, gồm 3 giải nhất, 16 giải nhì, 21 giải ba và 23 giải khuyến khích (tăng 2 giải so với kỳ thi năm học 2010-2011).

Kể từ năm học 2003-2004 đến nay, hàng loạt cái tên học sinh Đà Nẵng như: Đinh Hưng Tư, Nguyễn Đình Tùng, Phạm Xuân Hòa, Đỗ Quốc Khánh, Bùi Đức Thắng, Huỳnh Minh Toàn, Nguyễn Quốc Toán, Nguyễn Bá Cảnh Sơn, Nguyễn Kiều Hiếu, Phạm Việt Cường, Hoàng Lê Phương, Lê Hữu Phước, Trương Thị Phương Thảo, Nguyễn Phan Trung Hải... đã xuất sắc đoạt các giải thưởng cao trong các kỳ thi Olympic quốc tế môn Vật lý, Toán học, Sinh học, được bạn bè trong nước và quốc tế biết đến và ngưỡng mộ.

Không thua kém các đàn anh, đàn chị bậc THPT, các học sinh bậc THCS cũng tạo ra những tiếng vang lớn trong các kỳ thi quốc tế. Tại kỳ thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 38, em Nguyễn Đắc Xuân Thảo, học sinh Trường THCS Nguyễn Huệ (quận Hải Châu) xuất sắc đoạt giải nhất cấp quốc gia và giải nhì quốc tế. Đây là học sinh đầu tiên của thành phố Đà Nẵng, cũng như của cả nước giành được phần thưởng cao quý này.

Tiếp đó, em Hồ Thị Hiếu Hiền, học sinh lớp 7/9 Trường THCS Tây Sơn (quận Hải Châu), đoạt giải nhất quốc tế cuộc thi viết thư quốc tế UPU năm 2010. Chưa hết, cuối năm 2010, phim ngắn “Buổi học của Thúy” do Hiếu Hiền làm đạo diễn, thực hiện với hai bạn cùng trường là Võ Hoàng Mỹ (lớp 9/4) và Kiều Thảo Nhi (lớp 8/9) đã đoạt giải đặc biệt cuộc thi làm phim quốc tế dành cho trẻ em châu Á, tổ chức tại Nhật Bản.

Duy trì, nâng cao chất lượng dạy học

Cùng với công tác chú trọng đào tạo mũi nhọn, việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, con người cũng được ngành GD-ĐT thành phố đặc biệt quan tâm. Nhờ đó, chất lượng giáo dục đại trà có những chuyển biến rõ rệt.
Năm 2005, tỷ lệ học sinh THPT đỗ tốt nghiệp chỉ đạt 89,8%. Nhưng từ năm 2009 đến nay, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT đều đạt trên 96%. Đà Nẵng được Bộ GD-ĐT đánh giá là một trong những địa phương trên cả nước có tỷ lệ học sinh THPT đỗ tốt nghiệp cao và kết quả được duy trì ổn định qua từng năm.

Không dừng lại ở đó, hằng năm, tỷ lệ học sinh các trường THPT trên địa bàn thành phố trúng tuyển ĐH, CĐ cũng liên tục tăng. Cụ thể, năm 2009, có 23,15% thí sinh đỗ ĐH nguyện vọng 1; năm 2010, có 2.493 học sinh đỗ nguyện vọng 1, tỷ lệ 22,92% và năm 2011, có 2.607 học sinh đỗ nguyện vọng 1, tỷ lệ 24,6%. Trong đó, riêng năm 2011, toàn thành phố có 13 học sinh ở các Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, THPT Phan Châu Trinh, THPT Nguyễn Trãi và THPT Hòa Vang đỗ thủ khoa vào các trường ĐH công lập trên cả nước (tăng 3 học sinh so với năm 2010). Đáng mừng hơn, trong 3 năm liên tục (2009-2011), Đà Nẵng được Bộ GD-ĐT xếp trong top 12 địa phương trong cả nước có tỷ lệ thí sinh đỗ ĐH nguyện vọng 1 cao. Các Trường THPT như Hoàng Hoa Thám, Phan Châu Trinh, chuyên Lê Quý Đôn... được Bộ GD-ĐT xếp trong top 100 trường trên cả nước có tỷ lệ học sinh đỗ ĐH cao.

Ông Lê Trung Chinh, Giám đốc Sở GD-ĐT thành phố cho biết, trong thời gian đến, ngành GD-ĐT sẽ đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng học sinh năng khiếu, học sinh giỏi. Bên cạnh đó, tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, tạo điều kiện nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, giáo viên ở các trường, nhằm đáp ứng yêu cầu giáo dục trong giai đoạn hiện nay.

Bài và ảnh: NGỌC ĐOAN

;
.
.
.
.
.