.

Giảm tình trạng học sinh bỏ học

.

Tình trạng học sinh bỏ học đã được hạn chế sau 2 năm thực hiện Chỉ thị 24-CT/TU của Thành ủy Đà Nẵng về tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt nghèo, học sinh bỏ học và thiếu niên hư, vi phạm pháp luật.

Mô hình “Lớp học tiếp sức”, “Người bạn đồng hành”... ở các trường THCS đã góp phần ngăn chặn tình trạng học sinh bỏ học trong những năm qua.
Mô hình “Lớp học tiếp sức”, “Người bạn đồng hành”... ở các trường THCS đã góp phần ngăn chặn tình trạng học sinh bỏ học trong những năm qua.

Đưa học sinh trở lại trường

Năm học 2009-2010, khi học lớp 7, do bố mẹ bất hòa, Đ.L.D, học sinh Trường THCS Lê Lợi (quận Ngũ Hành Sơn) đâm ra chán nản, bỏ tiết học, la cà ở các quán Internet. Kết thúc năm học, D. bị lưu ban. Gia đình vốn không ấm êm, hạnh phúc, thêm việc bị ở lại lớp càng khiến D. chán nản. D. đốt thời gian bằng trò chơi trực tuyến, thậm chí có khi chơi từ sáng đến tối. Cửa hàng Internet đóng cửa, D. không biết đi đâu, ngủ vật vờ ở gầm cầu Tiên Sơn rồi sáng ra lại vào tiệm Internet.

Ban giám hiệu Trường THCS Lê Lợi đã vận động, khuyên nhủ D. tham gia lớp học “tiếp sức đến trường” cùng với gần 70 học sinh các khối lớp 6, 7, 8. Đến lớp học này, được thầy cô tận tình chỉ bảo, hướng dẫn giải từng bài tập, D. dần trở nên ham học và chịu đi học lại lớp 7. Đáng mừng hơn, tổng kết năm học 2010-2011, D. đạt danh hiệu học sinh giỏi. Ông Lê Công Sơn, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Lợi, cho biết: Năm học 2011-2012, D. là một trong những học sinh nằm trong đội tuyển học sinh giỏi môn Hóa học lớp 8 của trường. Sự nỗ lực vươn lên của D. là tấm gương sáng cho các học sinh khác noi theo.

Kết thúc năm học 2010-2011, Trường THCS Nguyễn Thái Bình (quận Liên Chiểu) có 32 học sinh các khối lớp 6, 7, 8 xếp học lực yếu, kém, phải thi lại. Để giúp các em tránh mặc cảm, tự ti, dẫn đến bỏ học, trong kỳ nghỉ hè, Ban giám hiệu đã tổ chức các lớp ôn tập miễn phí tại trường. Bên cạnh đó, Ban giám hiệu còn trích kinh phí hỗ trợ tiền xăng cho giáo viên và yêu cầu tích cực theo sát, hỗ trợ những học sinh này ôn tập, củng cố kiến thức, giúp các em vươn lên trong học tập.

Ông Nguyễn Văn Thâu, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Thái Bình vui mừng cho biết, nhờ sự giúp đỡ tận tình, đầy trách nhiệm của cán bộ, giáo viên, sau khi tham gia các lớp học “tiếp sức”, nhiều học sinh đã tiến bộ rõ rệt. Hầu hết các học sinh nói trên vượt qua kỳ thi lại vào hè năm học 2010-2011 và được lên lớp trong năm học 2011-2012.

Chung tay vì tương lai

Ngay sau khi kết thúc năm học 2010-2011, Phòng GD-ĐT quận Liên Chiểu đã ban hành kế hoạch, yêu cầu các trường trên địa bàn thống kê số lượng học sinh yếu, kém. Qua đó, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, phụ huynh nắm rõ hoàn cảnh của từng học sinh để có kế hoạch giúp đỡ, động viên từng em tham gia các lớp học “tiếp sức” trong hè, nhằm hạn chế tình trạng học sinh bỏ học trong năm học mới. Ông Lê Văn Nghĩa, Trưởng Phòng GD-ĐT quận Liên Chiểu cho biết, nhờ sự nỗ lực, tích cực của ban giám hiệu các trường trong việc bồi dưỡng học sinh yếu kém, đến nay, toàn quận chỉ còn 21 học sinh bỏ học do học lực quá yếu kém. Các trường đang tiếp tục vận động các em đi học bổ túc hoặc học nghề…

Theo thống kê của Sở GD-ĐT, năm học 2009-2010, toàn thành phố có 192 học sinh THCS bỏ học, nhưng đến nay, con số này chỉ còn 79 em, chủ yếu do học lực  kém, hoặc do gia đình bất hòa, bố mẹ ly hôn, chứ không phải do hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn.

Sở GD-ĐT cho biết, nhằm tiếp tục thực hiện và duy trì hiệu quả những kết quả đạt được từ khi thực hiện Chỉ thị 24-CT/TU của Thành ủy, ngành GD-ĐT sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các hội, đoàn thể, chính quyền địa phương quan tâm, giúp đỡ các học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học lực yếu kém, nhằm hạn chế tình trạng học sinh bỏ học. Còn với những trường hợp học sinh không thể tiếp tục học phổ thông, các trường vận động gia đình cho các em đi học bổ túc, hoặc học nghề ở các trường trung cấp chuyên nghiệp, trường nghề.

Bài và ảnh: PHƯƠNG CHI

;
.
.
.
.
.