.

Khó khăn của học sinh người Kinh ở Hòa Bắc

.

Sau khi hoàn thành bậc THCS, học sinh người Kinh ở xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) phải cơm đùm, cơm gói xuống xã Hòa Sơn thuê nhà trọ, học tiếp chương trình THPT ở Trường THPT Phạm Phú Thứ. Hành trình đến với cái chữ đầy khó khăn, thách thức, nên nhiều em đã bỏ học.

Từ đầu năm học 2011-2012 đến nay, em Cái Thị Thành (giữa), trú thôn An Định, xã Hòa Bắc phải thuê nhà trọ ở thôn An Ngãi Đông, xã Hòa Sơn để đi học.
Từ đầu năm học 2011-2012 đến nay, em Cái Thị Thành (giữa), trú thôn An Định, xã Hòa Bắc phải thuê nhà trọ ở thôn An Ngãi Đông, xã Hòa Sơn để đi học.

Thuê nhà trọ để học

Từ đầu năm học 2011-2012 đến nay, em Cái Thị Thành (trú thôn An Định, xã Hòa Bắc), học sinh lớp 10/27 Trường THPT Phạm Phú Thứ, phải khăn gói xuống thuê nhà trọ ở thôn An Ngãi Đông, xã Hòa Sơn để học. Thành ở trọ trong căn phòng gần 20m2 cùng 2 người bạn học lớp 12 cùng trường và cùng quê Hòa Bắc là Nguyễn Thị Hoài Miên và Phan Thị Hoa.

Hằng ngày, Thành và Miên, Hoa góp tiền nấu ăn. Dù chắt bóp, tiết kiệm từng bữa ăn, nhưng chi phí hằng tháng gồm tiền ăn, tiền thuê trọ, điện nước cũng ngót nghét 1 triệu đồng. Với những gia đình nghèo ở quê, số tiền này không nhỏ. Thành tâm sự: “Do không có chỗ ở trong ký túc xá nhà trường, nên em phải thuê nhà trọ, rất tốn kém. Mỗi lần về thăm nhà, thấy bố mẹ phải tất tả mượn tiền cho em trở lại trường, em xót xa lắm! Nhà đông anh em, bố mẹ không có nghề nghiệp ổn định, không biết rồi đây việc học của em có được suôn sẻ hay không!”.

Theo thống kê của Trường THPT Phạm Phú Thứ, năm học 2011-2012, trường có 160 học sinh người Kinh ở xã Hòa Bắc đang theo học các khối 10, 11 và 12. Vì ký túc xá của trường chỉ có 9 phòng ở và ưu tiên cho 60 học sinh người dân tộc Cơtu, nên Ban giám hiệu nhà trường chỉ giải quyết cho 20 học sinh người Kinh ở xã Hòa Bắc có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (có giấy xác nhận của UBND xã) vào ở. Riêng 140 học sinh người Kinh còn lại phải thuê nhà trọ. Khi nào số lượng học sinh Cơtu ít, dư phòng ở, nhà trường mới tạo điều kiện cho những trường hợp học sinh người Kinh ở Hòa Bắc có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vào ở.

Cần chính sách hỗ trợ

Để giải quyết khó khăn về chỗ ở cho học sinh người Kinh ở xã Hòa Bắc, UBND thành phố cần tạo điều kiện mở rộng ký túc xá Trường THPT Phạm Phú Thứ.
Để giải quyết khó khăn về chỗ ở cho học sinh người Kinh ở xã Hòa Bắc, UBND thành phố cần tạo điều kiện mở rộng ký túc xá Trường THPT Phạm Phú Thứ.

Ông Phan Khôi, Hiệu trưởng Trường THPT Phạm Phú Thứ cho biết, theo quy định của UBND thành phố Đà Nẵng, học sinh người dân tộc Cơtu ở xã Hòa Bắc học tập tại trường được bố trí chỗ ở trong khu ký túc xá và mỗi tháng được hỗ trợ tiền ăn 745.000 đồng/học sinh. Tuy nhiên, số học sinh người Kinh ở xã Hòa Bắc theo học tại trường lâu nay vẫn chưa được hỗ trợ chỗ ở hoặc kinh phí học tập. Cũng theo ông Khôi, hầu hết hoàn cảnh kinh tế gia đình của các học sinh người Kinh ở Hòa Bắc đều khó khăn. Vì vậy, trong những năm qua, không ít em đã bỏ học giữa chừng. Để ngăn chặn tình trạng này, chính quyền thành phố và các ngành chức năng cần có chính sách hỗ trợ về chỗ ở, chi phí học tập.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Lê Trung Chinh, Giám đốc Sở GD-ĐT thành phố cho hay, nhằm tháo gỡ những khó khăn của học sinh người Kinh ở xã Hòa Bắc, Sở đã có văn bản tham mưu cho UBND thành phố về hướng giải quyết. Theo đó, đề nghị thành phố có chính sách hỗ trợ học sinh người Kinh tiền ăn bằng mức 50% so với chế độ mà học sinh Cơtu đang được nhận. Đồng thời, có hướng đầu tư, mở rộng khu nhà nội trú Trường THPT Phạm Phú Thứ, tạo điều kiện cho học sinh người Kinh vào trọ học.

Bài và ảnh: PHƯƠNG CHI

;
.
.
.
.
.