.

Những gương mặt học sinh tiêu biểu

.

Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm học 2011-2012 do Bộ GD-ĐT tổ chức trong hai ngày 11 và 12-1, đoàn học sinh thành phố Đà Nẵng đã đoạt 63 giải thưởng, gồm 3 giải nhất, 16 giải nhì, 21 giải ba và 23 giải khuyến khích (tăng 2 giải so với kỳ thi năm trước). Báo Đà Nẵng giới thiệu 3 gương mặt học sinh tiêu biểu đoạt giải nhất trong kỳ thi này.

* Đào Hải Trâm Oanh (ảnh), lớp 12B2 Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, giải nhất môn Sinh học

Suốt 12 năm học phổ thông, Oanh luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi. Trong đó, năm lớp 9, Oanh đoạt giải nhất môn Sinh cấp thành phố; năm lớp 10: Huy chương Bạc Olympic 30-4 môn Sinh; lớp 11: giải nhì quốc gia môn Sinh (thi vượt cấp); lớp 12: giải nhất quốc gia môn Sinh.

Chia sẻ bí quyết học tập của mình, Oanh cho biết, sau giờ học trên lớp, cô nữ sinh này mỗi tối luôn dành từ 2-3 giờ đồng hồ để đầu tư cho môn Sinh. Lúc gặp những bài tập khó, Oanh viết thư điện tử hoặc gọi điện thoại cho chị ruột của mình là Đào Hải Yến (người từng được tặng Bằng khen tại kỳ thi Olympic Sinh học quốc tế năm 2010) đang học tập tại thành phố Hồ Chí Minh để nhờ tư vấn cách làm bài. Theo Oanh, môn Sinh rất thú vị vì lý giải được nhiều hiện tượng trong đời sống hằng ngày. Đây cũng chính là động lực thôi thúc Oanh tìm đến môn Sinh ngay từ khi còn là học sinh THCS. Không chỉ là con ngoan trò giỏi, ngoài giờ học ở trường, Oanh còn tranh thủ thời gian giúp đỡ các em lớp 9 ở gần nhà học tập môn Sinh.

Oanh đang nỗ lực ôn tập để tham dự kỳ thi Olympic Sinh học quốc tế năm 2012. Về kế hoạch học ĐH sắp đến, Oanh dự kiến xét tuyển vào Trường ĐH Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh hoặc ĐH Y dược thành phố Hồ Chí Minh.

* Trần Tấn Hoàng Bảo (ảnh), lớp 12A3 Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, giải nhất Vật lý

Theo Bảo, để học tốt môn Vật lý, ngoài giờ học ở lớp, Bảo luôn chịu khó tìm tòi, đọc thêm nhiều sách vở liên quan, mượn tài liệu của các anh, chị đi trước và tự giải các đề thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế. Gặp bài tập nào khó hoặc vấn đề gì không hiểu, Bảo luôn nhờ bạn bè, thầy cô hướng dẫn, giải thích. Mỗi ngày Bảo dành thời gian cho môn Vật lý khá nhiều so với những môn khác. Với Bảo, muốn nắm vững và nhớ lâu kiến thức, không có con đường nào khác là phải chăm chỉ làm bài tập.

Trong 12 năm học phổ thông, Bảo luôn là học sinh giỏi. Năm lớp 10, Bảo đoạt giải nhất môn Vật lý cấp thành phố và Huy chương Vàng Olympic Vật lý 30-4; lớp 11: Huy chương Bạc Olympic Vật lý 30-4 và giải ba Vật lý cấp thành phố; lớp 12: giải nhất quốc gia môn Vật lý. Bảo hiện được Bộ GD-ĐT chọn tham dự kỳ thi Olympic Vật lý châu Á - Thái Bình Dương năm 2012.

Trò chuyện với chúng tôi qua điện thoại khi đang dự lớp bồi dưỡng học sinh giỏi quốc tế ở Hà Nội, Bảo cho biết sẽ nỗ lực hết sức để ôn tập, làm bài tốt trong kỳ thi Olympic Vật lý châu Á - Thái Bình Dương sắp đến, để không phụ lòng bố mẹ cũng như sự tin yêu của thầy cô và bạn bè.

* Nông Ngọc Mai (ảnh), lớp 12B2 Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, giải nhất môn Sinh học

Khác với người bạn cùng lớp Trâm Oanh, Nông Ngọc Mai đến với môn Sinh học xuất phát từ suy nghĩ sau này muốn giúp người nông dân có những giống cây mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mai kể, lúc nhỏ, trong những lần về thăm quê ngoại ở Thái Nguyên, thấy bà ngoại chăm bón các loại cây nông sản, Mai cứ nghĩ rằng một ngày nào đó, mình sẽ nhân được một số giống cây mới để giúp đỡ bà cũng như những người nông dân Việt Nam phát triển kinh tế.

Suy nghĩ ban đầu ấy đã làm Mai đam mê môn Sinh học, bởi môn học này gắn liền với các hoạt động lai tạo, nhân giống các loại cây trồng... Ngay từ nhỏ, Mai đã không ngừng ra sức học tập và đạt nhiều thành tích ở môn Sinh học, lớp 9: giải nhất môn Sinh học cấp thành phố; lớp 10: Huy chương Vàng Olympic Sinh học 30-4; lớp 11: giải ba quốc gia môn Sinh học và lớp 12: giải nhất quốc gia môn Sinh học. Mai được chọn tham dự kỳ thi Olympic Sinh học quốc tế năm 2012 và đang nỗ lực ôn tập để đạt thành tích cao.

Theo Mai, để học tốt môn Sinh, cần phải có phương pháp xâu chuỗi các kiến thức thành hệ thống, qua đó nắm các vấn đề cơ bản thì mới nhớ lâu. Đây là môn học vừa đòi hỏi lý thuyết, vừa yêu cầu thực hành, nên việc học vẹt sẽ không mang lại hiệu quả. Ngoài ra, bên cạnh việc nắm vững kiến thức, còn phải thường xuyên làm bài tập để giúp việc vận dụng kiến thức lý thuyết và thực hành nhuần nhuyễn.

ANH THY

;
.
.
.
.
.