.

Thực hiện tốt chính sách ưu đãi để thu hút người giỏi

.

8 đối tượng được tuyển thẳng vào ĐH, CĐ năm 2012

Sáng 7-3, tại Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, đối thoại trực tuyến với người dân cả nước về các vấn đề lớn của GD-ĐT hiện nay, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận nhấn mạnh: Bộ cũng sẽ xem xét để đẩy mạnh chính sách khuyến khích đối với nhà giáo.

Quang cảnh buổi đối thoại.
Quang cảnh buổi đối thoại.

* Hiện nay, có tình trạng nhiều sinh viên ra trường không có việc làm, trong khi nhiều trường ĐH vẫn tiếp tục tuyển sinh những ngành đang dư thừa nhân lực. Ý kiến của Bộ trưởng về vấn đề này như thế nào?

- Tình trạng trên là có thật. Trên cơ sở Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành xây dựng quy hoạch nguồn nhân lực, Bộ GD-ĐT sẽ rà soát điều chỉnh chi tiết quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, theo từng khu vực, ngành nghề. Với các trường đã thành lập và đang hoạt động, trường nào được phép mở ngành, trường nào không được phép, chúng tôi sẽ thiết lập trên mạng bảng thống kê những sinh viên đã học tập trong những ngành nghề nào, để những thí sinh chuẩn bị thi ĐH, CĐ tham khảo trong việc chọn ngành nghề đào tạo cho mình.

* Thời gian qua, các trường ĐH được thành lập nhiều, trong khi Bộ chưa đủ nhân lực để kiểm định chất lượng. Việc thả nổi cho các trường tự chủ toàn diện về tài chính cũng như công tác nhân sự, chuyên môn có phải là biện pháp thỏa đáng không? Bộ trưởng có giải pháp nào để tái cơ cấu mạng lưới các trường ĐH trên toàn quốc?

- Câu hỏi này liên quan đến nhiều mảng vấn đề khác nhau. Trước hết, việc bảo đảm quyền tự chủ tương xứng với năng lực là điều Bộ đang quan tâm. Với các trường ít giảng viên, năng lực hạn chế thì không được tự thẩm định chương trình giảng dạy, mà phải mang tới các trường có đội ngũ cán bộ tốt, bề dày kinh nghiệm tốt do chúng tôi chỉ định. Các trường này sẽ có hướng dẫn cụ thể từ phía Bộ. Bên cạnh đó, toàn bộ việc mở ngành tại các trường lớn vẫn do Bộ GD-ĐT quyết định.

Về công tác kiểm định, đây là việc quan trọng để bảo đảm chất lượng nguồn nhân lực cho các trường hoạt động tốt. Bộ GD-ĐT đã có các văn bản yêu cầu các trường tự đánh giá, tự chịu trách nhiệm. Hơn thế, Dự án Luật Giáo dục ĐH cũng đã đưa nội dung kiểm định chất lượng giáo dục trở thành yêu cầu bắt buộc với các trường ĐH.

* Dư luận cho rằng, việc Bộ không in cuốn “Những điều cần biết” làm các thí sinh, phụ huynh rối như canh hẹ, nhưng nhiều đơn vị lợi dụng phát hành cuốn sách này và có nhiều thông tin sai?

- Sau Hội nghị tuyển sinh, Bộ đã lắng nghe ý kiến và giao cho NXB Giáo dục tổ chức xuất bản cuốn “Những điều cần biết”. Hiện cuốn này chưa phát hành được vì còn nhiều sai sót và cần được điều chỉnh. Trong 1 - 2 ngày nữa, khi có đầy đủ thông tin, NXB sẽ phát hành cuốn sách này.

* Đầu vào của các trường sư phạm hiện nay rất thấp. Bộ sẽ làm gì trước thực trạng này?

- Những năm qua, sinh viên Sư phạm đã được miễn học phí. Chính sách này nhằm thu hút sinh viên vào ngành Sư phạm. Ngoài ra, chế độ chính sách đối với giáo viên, điều kiện ăn, ở, sinh hoạt, học tập của sinh viên sư phạm cũng là những yếu tố cần xem xét để thu hút người giỏi vào ngành Sư phạm. Chúng tôi đã rà soát lại các trường Sư phạm trọng điểm, đề nghị đổi mới phương pháp giảng dạy, chương trình đào tạo, điều kiện bảo đảm chất lượng. Bộ cũng sẽ xem xét để đẩy mạnh chính sách khuyến khích đối với nhà giáo.

* Việc tổ chức thi ĐH, CĐ năm 2012 có gì thay đổi so với trước? Có thể gộp kỳ thi ĐH, CĐ thành một đợt thay cho 2 đợt để đỡ tốn kém không, thưa Bộ trưởng?

- Về cơ bản, kỳ thi được giữ ổn định như năm 2011, những thay đổi chỉ để bảo đảm thuận lợi cho thí sinh. Năm nay bổ sung khối A1 Toán, Lý, tiếng Anh. Lưu ý, những trường trước đây tuyển khối A muốn bổ sung A1 thì phải tuyển sinh ngành đó cả hai khối A, A1. Hằng năm, số lượng thí sinh dự thi ĐH, CĐ rất lớn, không thể chung đợt vì không đủ thầy cô để coi thi, không đủ phương tiện phục vụ tất cả cho một đợt thi, không đủ phòng thi. Điều kiện ăn uống, đi lại cũng sẽ rất căng thẳng nếu gộp tất cả vào một đợt thi nên phương án này không thể thực hiện được...  (ANH THY lược ghi)

* Theo Quy chế tuyển sinh 2012 của Bộ GD-ĐT, có 8 đối tượng được tuyển thẳng vào ĐH, CĐ năm 2012.

Cụ thể: Anh hùng lao động, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Chiến sĩ thi đua toàn quốc đã tốt nghiệp THPT. Người đã dự thi và trúng tuyển vào các trường ĐH, CĐ, nhưng ngay năm đó có lệnh điều động đi nghĩa vụ quân sự hoặc đi thanh niên xung phong tập trung, nay hoàn thành nghĩa vụ, được phục viên, xuất ngũ mà chưa được nhận vào học ở một trường lớp chính quy dài hạn nào, được từ cấp trung đoàn trong quân đội hoặc Tổng đội thanh niên xung phong giới thiệu, nếu có đủ các điều kiện và tiêu chuẩn về sức khỏe, có đầy đủ các giấy tờ hợp lệ thì được xem xét nhận vào học tại trường trước đây đã dự thi, mà không phải thi lại. Nếu việc học tập bị gián đoạn từ 3 năm trở lên và các đối tượng được tuyển thẳng có nguyện vọng, thì được xem xét giới thiệu vào các trường, lớp dự bị để ôn tập trước khi vào học chính thức.

Thí sinh trong đội tuyển Olympic đã tốt nghiệp THPT được tuyển thẳng vào ĐH, nếu chưa tốt nghiệp THPT sẽ được bảo lưu sau khi tốt nghiệp. Ngành học của những thí sinh này được ưu tiên xem xét phù hợp với môn thí sinh đã dự thi.

Thí sinh đã tốt nghiệp THPT là thành viên đội tuyển quốc gia, được Bộ VH-TT&DL xác nhận đã hoàn thành nhiệm vụ tham gia thi đấu trong các giải quốc tế chính thức, bao gồm: Giải vô địch thế giới, Cúp thế giới, Thế vận hội Olympic, Đại hội Thể thao châu Á (ASIAD), Giải vô địch châu Á, Cúp châu Á, Giải vô địch Đông Nam Á, Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games), Cúp Đông Nam Á được tuyển thẳng vào các trường ĐH, CĐ thể dục, thể thao (TDTT) hoặc các ngành TDTT của các trường theo quy định của từng trường.

Thí sinh năng khiếu nghệ thuật, đã tốt nghiệp THPT hoặc tốt nghiệp hệ trung cấp các trường năng khiếu nghệ thuật, đoạt giải chính thức trong các cuộc thi nghệ thuật quốc tế về ca, múa, nhạc được tuyển thẳng vào học các ngành tương ứng trình độ ĐH, CĐ của các trường năng khiếu, nghệ thuật theo quy định của từng trường. Những thí sinh đoạt giải các ngành TDTT, năng khiếu nghệ thuật, thời gian được tính để hưởng ưu tiên không quá 4 năm, tính đến ngày thi tuyển sinh vào trường.

Thí sinh đoạt giải nhất, nhì, ba trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia và đã tốt nghiệp THPT được tuyển thẳng vào ĐH theo đúng ngành hoặc ngành gần của môn mà thí sinh đã đoạt giải. Thí sinh đoạt giải khuyến khích trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia và đã tốt nghiệp THPT được tuyển thẳng vào CĐ theo đúng ngành hoặc ngành gần của môn mà thí sinh đã đoạt giải. Thí sinh đoạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, nếu chưa tốt nghiệp THPT sẽ được bảo lưu sau khi tốt nghiệp THPT.

Thí sinh là người khuyết tật đặc biệt nặng không thể tự thực hiện việc phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hằng ngày thì hiệu trưởng các trường căn cứ vào kết quả học tập THPT, tình trạng sức khỏe và yêu cầu của ngành đào tạo để xem xét, quyết định cho vào học.

Thí sinh là người nước ngoài, có nguyện vọng học tại các trường ĐH, CĐ Việt Nam thì hiệu trưởng các trường căn cứ kết quả học tập THPT, kết quả kiểm tra kiến thức và tiếng Việt theo quy định của trường để xem xét, quyết định cho vào học.  (PHƯƠNG CHI)

 

;
.
.
.
.
.