.

Để bài thi tốt nghiệp đạt kết quả cao

.

Phóng viên Báo Đà Nẵng đã gặp gỡ, trao đổi với một số giáo viên ở các trường THPT trên địa bàn thành phố để ghi lại những ý kiến, hướng dẫn học sinh cách ôn tập, cách làm bài thi, nhằm đạt kết quả cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012 với 6 môn: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Hóa học, Lịch sử, Địa lý.

Cô Nguyễn Kim Dương, tổ trưởng tổ Toán - Tin Trường THPT Ngô Quyền:

Đối với môn Toán, học sinh cần bám sát sách giáo khoa lớp 12, tài liệu ôn thi, hướng dẫn ôn thi theo yêu cầu của Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT. Để làm tốt bài thi môn Toán, học sinh phải nắm vững lý thuyết, chăm chỉ làm bài tập để nâng cao kỹ năng làm bài và tự tìm các đề bài những năm trước để giải, làm quen với các dạng đề thi tốt nghiệp.

Trong quá trình làm bài, các em cần dành ra ít phút đọc thật kỹ để tránh lạc đề. Câu nào dễ thì làm trước, câu nào khó làm sau.

Thầy Phan Văn Quang, giáo viên Lịch sử Trường THPT Trần Phú:

Trong quá trình ôn tập, học sinh cần bám sát chương trình sách giáo khoa, nắm vững các kiến thức trọng tâm. Để nhớ lâu và không bị lẫn lộn, học sinh nên phân chia ra từng giai đoạn lịch sử, nắm vững các sự kiện nổi bật, nội dung chính trong từng giai đoạn lịch sử ấy. Nếu có thời gian, học sinh nên học nhóm, trao đổi với bạn bè để nhớ lâu, hiểu sâu kiến thức, nội dung đã học.  

Khi làm bài, các em phải bình tĩnh, đọc kỹ đề thi, gạch dưới những ý chính đề yêu cầu trả lời. Viết những nội dung chính đề yêu cầu ra giấy nháp, rồi sau đó làm bài.

Cô Nguyễn Thị Hoài Thu, giáo viên tiếng Anh Trường THPT Tôn Thất Tùng:

Để học tốt môn tiếng Anh, nếu có điều kiện, học sinh nên tổ chức học nhóm, nhưng quan trọng hơn là các em phải nắm vững kiến thức trong sách giáo khoa, chủ yếu lớp 12. Ngoài giờ học trên lớp, các em thường xuyên tự học, đọc các văn bản bằng tiếng Anh để nhớ từ, cấu trúc câu, nắm vững các thì, từ loại, giới từ, ngữ âm, luyện các kỹ năng đọc hiểu... Ngoài ra, học sinh tự tìm kiếm các đề thi cũ để làm bài cho quen với các dạng đề thi của Bộ GD-ĐT.

Khi làm bài, cần chú ý tô mã đề thi chính xác, dùng bút chì mềm 2b tô nhẹ đáp án, để lỡ phát hiện sai thì dễ tẩy xóa tô lại.

Thầy Trần Văn Hạnh, giáo viên Hóa học Trường THPT Trần Phú:

Thông thường đề thi môn Hóa học chủ yếu ra trong chương trình lớp 12, nhưng kiến thức môn này mang tính hệ thống, móc xích, nên học sinh phải nắm vững các khái niệm, công thức. Và để nhớ lâu, các em cần hệ thống kiến thức theo sơ đồ nhánh. Trong quá trình ôn tập, học sinh cần chăm chỉ giải các dạng bài tập để làm quen và thành thạo các kỹ năng.

Đề thi trắc nghiệm môn Hóa học thường có 40 câu hỏi, thời gian làm bài 60 phút. Khi làm bài thi, các em nên bình tĩnh đọc lướt qua đề, thấy câu nào dễ thì làm trước, câu nào khó làm sau để không bị mất thời gian.

Cô Lê Thị Ngọc Hòa, giáo viên Ngữ văn Trường THPT Phan Châu Trinh:

Đề thi tốt nghiệp môn Ngữ văn dài 150 phút, thường có 3 câu hỏi, bao gồm phần chung dành cho tất cả thí sinh và phần tự chọn. Ở phần chung, đề có một câu hỏi tái hiện kiến thức và một câu là bài làm văn nghị luận xã hội. Đối với phần này, học sinh phải nắm vững những kiến thức cơ bản của Văn học từ đầu thế kỷ XX đến năm 1945. Trong đó, nổi bật là sự nghiệp sáng tác, phong cách nghệ thuật của các tác gia: Hồ Chí Minh, Tố Hữu, Nguyễn Tuân. Bên cạnh đó, các em còn phải nắm những chi tiết nghệ thuật đặc sắc của các tác phẩm cả trong nước lẫn ngoài nước. Với câu hỏi bài làm nghị luận xã hội, học sinh nắm thật chắc phương pháp làm bài gồm: giải thích, bàn luận và rút ra bài học nhận thức, hành động.

Đối với phần tự chọn, học sinh nắm chắc các tác phẩm văn xuôi, thơ. Nếu trường hợp đề ra phân tích, bình luận... tác phẩm văn xuôi, học sinh tránh kể lan man theo nội dung câu chuyện, mà phải biết trình bày theo luận điểm, nắm vững kiến thức cơ bản để đưa luận chứng làm rõ thêm luận điểm đã nêu. Còn đề ra liên quan đến tác phẩm thơ, các em cần làm rõ yếu tố nghệ thuật trong tác phẩm, qua đó làm rõ nội dung tư tưởng tác giả thể hiện qua tác phẩm, tránh diễn xuôi ý thơ.

Khi làm bài thi, các em bình tĩnh lập dàn ý, phân bố thời gian hợp lý.

Thầy Lê Hường, Phó hiệu trưởng Trường THPT Ngô Quyền, giáo viên Địa lý:

Địa lý là môn học tổng hợp giữa tự nhiên và xã hội. Nếu học sinh học khá kiến thức về tự nhiên thì sẽ học tốt Địa lý, vì các em có khả năng khái quát, phân tích tốt.  

Trong quá trình học và ôn tập, học sinh cần nắm vững những khái niệm, quy luật và biết nhận diện cấu trúc chương trình. Thông thường đề thi được Bộ GD-ĐT ra chủ yếu ra ở chương trình lớp 12, theo hướng 50% câu hỏi vận dụng kiến thức vào thực tiễn cuộc sống và 50% học thuộc lòng. Để học tốt, các em phải mua cuốn Atlat Địa lý, giúp hiểu bài nhanh và tìm ra dấu hiệu bản chất của đề. Nếu ở lớp, giáo viên tổ chức cho học sinh học nhóm sẽ giúp các em trao đổi kiến thức với nhau và ghi nhớ lâu. Học sinh học theo cách hiểu và vận dụng, tránh học vẹt.

Đối với đề thi tốt nghiệp, các em cần chú ý các vấn đề: chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; biển đảo; tài nguyên - môi trường... Theo quy định, học sinh được mang Atlat vào phòng thi, nên các em cần lưu ý điều này. Khi làm bài, phải đọc kỹ đề thi, dùng bút gạch dưới những cụm từ chính đề yêu cầu trả lời và ghi ý chính ra giấy nháp. Câu nào dễ làm trước, khó làm sau.

PHƯƠNG CHI ghi

;
.
.
.
.
.