.

Giám khảo không chấm bài của học sinh trường mình

.

Theo quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2012 của Bộ GD-ĐT, kỳ thi năm nay có nhiều thay đổi so với những năm trước, theo hướng giao quyền tự chủ trong việc tổ chức thi, chấm thi cho các Sở GD-ĐT.

Ông Lê Trung Chinh (ảnh), Giám đốc Sở GD-ĐT thành phố Đà Nẵng cho biết, để bảo đảm công bằng, chính xác, khách quan và đúng quy chế, giám khảo sẽ không chấm bài của học sinh trường mình theo đúng hướng dẫn của Bộ GD-ĐT.

* Theo quy chế thi tốt nghiệp năm nay, Giám đốc Sở GD-ĐT chịu trách nhiệm toàn bộ về việc tổ chức thi và thi theo cụm hay không theo cụm. Vậy Đà Nẵng chọn phương án nào để thuận lợi cho thí sinh, thưa ông?

- Trước khi Bộ GD-ĐT có chủ trương thi theo cụm trường (năm 2009), với đặc điểm riêng của Đà Nẵng là địa bàn tương đối gọn, để góp phần bảo đảm tiết kiệm, chống lãng phí, không thành lập nhiều hội đồng thi nhỏ lẻ, Sở GD-ĐT đã tổ chức cho học sinh thành phố thi theo cụm trường. Năm nay, để tiếp tục thực hành tiết kiệm và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho học sinh, Sở vẫn thành lập các hội đồng coi thi có học sinh của nhiều trường THPT. Riêng đối với các trường ở xa trung tâm thành phố, điều kiện đi lại khó khăn, Sở sẽ xem xét việc thành lập mỗi trường một hội đồng riêng.

* Năm nay, Bộ GD-ĐT không sử dụng hình thức chấm chéo giữa các tỉnh, thành phố như những năm trước. Dư luận cho rằng, thí sinh sẽ gặp thuận lợi bởi bài thi của mình được thầy cô giáo của tỉnh, thành phố mình chấm và sẽ được “nương tay” để có kết quả đỗ tốt nghiệp tỷ lệ cao. Ngành GD-ĐT thành phố ngăn chặn tình trạng này có thể xảy ra như thế nào?

- Để tránh tư tưởng chủ quan cho rằng, thí sinh sẽ gặp thuận lợi bởi bài thi của mình được thầy cô giáo chấm và sẽ được “nương tay” để có kết quả đỗ tốt nghiệp tỷ lệ cao, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các trường học  tập trung ôn tập, tiếp tục quán triệt trong học sinh và tuyên truyền trong phụ huynh cuộc vận động “Hai không”, phòng ngừa tư tưởng chủ quan, ỷ lại để tránh những kết quả không mong muốn. Trong phương án triển khai nghiệp vụ chấm thi năm nay, Sở sẽ bảo đảm việc giám khảo chấm thi không chấm bài của học sinh trường mình theo đúng hướng dẫn của Bộ GD-ĐT.

* Để nâng cao tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp, Sở GD-ĐT sẽ có những biện pháp gì?

- Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp của học sinh thành phố Đà Nẵng năm 2009 là 89,69%; năm 2010 là 96,69% và năm 2011 là 97,22%. Phát huy những kết quả đó, năm nay, Sở tiếp tục chỉ đạo các trường THPT, các trung tâm giáo dục thường xuyên tập trung ôn tập, phụ đạo, bồi dưỡng học sinh. Phối hợp với cha mẹ quản lý học sinh tự học ở nhà, tạo điều kiện để các em ôn tập tốt nhất. Chú trọng bồi dưỡng học sinh học lực yếu, giúp các em nắm vững kiến thức cơ bản, chuẩn bị tâm thế để bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT với quyết tâm đạt kết quả cao nhất.

* Để đạt được kết quả cao trong kỳ thi, học sinh cần đặc biệt lưu ý những gì khi ôn tập, làm bài, thưa ông?

- Học sinh cần đặc biệt lưu ý tập trung ôn tập theo chuẩn kiến thức kỹ năng và nội dung giảm tải chương trình. Nội dung ôn tập chủ yếu trong chương trình lớp 12, chú ý học tập ở mức độ nhận thức thông hiểu và vận dụng kiến thức. Kết hợp tự học, tự ôn tập với ôn tập theo nhóm và ôn tập chung cả lớp dưới sự hướng dẫn của giáo viên bộ môn.

Các em cần sắp xếp thời gian biểu ôn tập các môn thi một cách hợp lý, linh hoạt. Tài liệu ôn tập tốt nhất là sách giáo khoa. Chú ý chăm sóc sức khỏe, phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là các ngày trước và trong khi diễn ra kỳ thi. Đồng thời, các em cần nắm vững quy chế thi, chuẩn bị tâm lý thoải mái, không căng thẳng và tâm thế thật tốt để bước vào kỳ thi.

* Xin cảm ơn ông!

NGỌC ĐOAN (thực hiện)

;
.
.
.
.
.