.

Giúp học sinh yêu thích môn Lịch sử

.

Để thoát khỏi cách dạy học khô khan, nặng về lý thuyết, các trường tiểu học ở địa bàn quận Liên Chiểu đã có nhiều cách làm sáng tạo, sinh động, giúp học sinh hứng thú, ham mê học môn Lịch sử.

“Thư viện” mini được trang bị khá nhiều sách Lịch sử phục vụ việc đọc sách cho học sinh ở Trường tiểu học Hải Vân.
“Thư viện” mini được trang bị khá nhiều sách Lịch sử phục vụ việc đọc sách cho học sinh ở Trường tiểu học Hải Vân.

Trường tiểu học Hải Vân (phường Hòa Hiệp Bắc) được xem là trường đầu tiên ở địa bàn quận Liên Chiểu có cách làm sáng tạo, hiệu quả trong việc dạy học môn Lịch sử, nhằm giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc của học sinh.

Hứng thú, dễ nhớ

Trong những ngày tháng 3 vừa qua, ở sân Trường tiểu học Hải Vân, Ban giám hiệu nhà trường treo nhiều pa-nô, áp-phích in hình ảnh, các dòng chữ chú giải tiểu sử, công trạng của những anh hùng dân tộc, hình ảnh về các trận đánh giải phóng thành phố Đà Nẵng năm 1975... Bên cạnh những hình ảnh này là bảng tóm tắt tiểu sử các danh nhân, các trận đánh của quân và dân thành phố Đà Nẵng được viết ngắn gọn, súc tích, giúp học sinh dễ nhớ các sự kiện lịch sử.

Vào đầu giờ học hay giờ ra chơi, học sinh đứng xem, trao đổi với nhau về những sự kiện lịch sử được minh họa sinh động. Nguyễn Thị Bích Phương, học sinh lớp 5/1 chia sẻ: Sau khi nghe thầy cô giáo giảng bài môn Lịch sử và được xem hình ảnh, sự kiện lịch sử trên các bức tranh treo trong sân trường, Phương cảm thấy dễ hiểu, nắm vững kiến thức, nhớ bài nhanh và lâu hơn. Theo các thầy cô dạy bộ Lịch sử, trước đây, mỗi lần học môn này, học sinh cảm thấy nhàm chán vì số liệu, sự kiện nhiều quá nên khó nhớ; muốn tìm kiếm tư liệu về các anh hùng dân tộc, sự kiện lịch sử cũng khó khăn. Việc nhà trường treo hình ảnh, tóm tắt tiểu sử, sự kiện giúp học sinh thấy thuận tiện hơn khi học môn này. Ngoài ra, Ban giám hiệu Trường tiểu học Hải Vân còn trang bị 8 tủ sách mini với hơn 400 đầu sách ở sân trường phục vụ cho học sinh đọc vào đầu giờ học hoặc giờ ra chơi.

Cô Trương Thị Diệu Huyền, giáo viên môn Lịch sử lớp 5/1 Trường tiểu học Hải Vân đánh giá: Những năm trước đây, việc dạy học Lịch sử cho học sinh chủ yếu là giáo viên diễn giải, đọc cho học sinh chép, nên việc truyền đạt kiến thức rất khô khan, học sinh thụ động tiếp thu bài. Trong 4 năm qua, Ban giám hiệu đã có cách làm sinh động, sáng tạo để giúp học sinh yêu thích môn Lịch sử. Ngoài việc lồng ghép các hình ảnh, đoạn băng trong giờ dạy, nhà trường còn tổ chức treo hình ảnh, sự kiện ở sân trường theo chủ đề, chủ điểm từng tháng, nên học sinh dễ nhớ, dễ thuộc và có hứng thú hơn khi học bộ môn vốn được xem là khô khan này.

Hiệu quả giáo dục rõ rệt

Cách làm sáng tạo để giúp học sinh yêu thích môn Lịch sử cũng được triển khai ở Trường tiểu học Trần Bình Trọng (phường Hòa Hiệp Bắc) trong thời gian qua. Ông Nguyễn Hỷ, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, nguyên nhân khiến môn Lịch sử khó học đối với học sinh chính là số liệu khô khan, nhiều mốc thời gian, sự kiện... Ban giám hiệu đã tìm tòi, nghiên cứu, ghi lại những đoạn Sử ngắn gọn, súc tích nhất theo từng chủ đề, chủ điểm của từng tháng, từng sự kiện để trình bày thông qua các hình ảnh sinh động trực quan, giúp học sinh dễ nhớ, dễ thuộc. Qua đó, khơi dậy tinh thần tự hào, thêm yêu lịch sử dân tộc trong lòng các em. Nhờ vậy, hiệu quả giáo dục môn Lịch sử có sự chuyển biến rõ rệt.

Còn ông Nguyễn Thanh Tuấn, Hiệu trưởng Trường tiểu học Hải Vân cho biết thêm, ngoài việc tổ chức trưng bày hình ảnh trực quan về các sự kiện lịch sử, hình ảnh anh hùng, danh nhân..., nhà trường còn tổ chức cho học sinh tham quan và các hoạt động ngoại khóa về những điểm di tích lịch sử ở thành phố hoặc các tỉnh lân cận, giúp các em tận mắt chứng kiến những hình ảnh, sự kiện chân thật nhất.

Theo ông Lê Văn Nghĩa, Trưởng phòng GD-ĐT quận Liên Chiểu, nhằm khuyến khích 12 trường tiểu học trên địa bàn có cách cách làm sáng tạo trong việc truyền đạt kiến thức cho học sinh, nhất là với môn Lịch sử, Phòng GD-ĐT yêu cầu các trường năng động, triển khai thực hiện những cách làm mới, hiệu quả; đồng thời, đưa yêu cầu này vào chỉ tiêu thi đua hằng năm của các trường. Ông Nghĩa nhìn nhận: Qua kiểm tra cho thấy, hiệu quả của các mô hình dạy học này tại các trường đã có những chuyển biến tích cực, bước đầu tạo ra sự hứng thú trong trong học tập đối với học sinh.

Bài và ảnh: ANH THY

;
.
.
.
.
.