.

Yêu nghề thì khó khăn mấy cũng vượt qua

.

Đến với nghề giáo một cách tình cờ, bởi định hướng nghề nghiệp ban đầu là gắn bó với nghề y nhưng với cô Vũ Thị Thanh Vinh, giáo viên Trường mầm non Bạch Dương (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) sự tình cờ đó mang lại nhiều niềm vui, quên đi những nhọc nhằn trong công việc nuôi dạy trẻ. Trong công việc, cô Vinh luôn trăn trở làm thế nào để khi các cháu nhỏ lần đầu tiên chập chững tới trường cần phải được bảo bọc, dìu dắt từ cách ăn nói lễ phép đến chịu khó tập cho các em những thói quen tốt trong sinh hoạt, học tập. Từ nhận thức đó, cùng với sự tận tâm, yêu nghề mà cô Vinh đã để lại hình ảnh gần gũi, giản dị, hết mình vì tương lai của trẻ em.

Cô giáo Vũ Thị Thanh Vinh và các em Trường mầm non Bạch Dương.
Cô giáo Vũ Thị Thanh Vinh và các em Trường mầm non Bạch Dương.

Cô tâm sự, cầm trên tay tấm bằng Trung cấp Dược nhưng lại không gắn bó mà vì yêu trẻ nên tôi tiếp tục theo học lớp Trung cấp mầm non. Lòng yêu trẻ là động lực lớn để giúp cô vượt qua những khó khăn trong cuộc sống vì phải xa gia đình để tiếp tục việc học tập do thay đổi nghề. Ra trường, ban đầu cô Vinh công tác tại một trường mầm non tư thục ở quận Sơn Trà, đến năm 2005 cô chuyển về Trường mầm non Bạch Dương và được giao phụ trách lớp nhỡ. Đây là công việc vất vả vì khác với trẻ em lớp lớn, các em lớp nhỡ chưa tự lo cho mình được. Do vậy, thay vì làm cho hết việc, cô Vinh luôn chu đáo, ân cần và từ tốn, nhẹ nhàng trong cách giao tiếp với trẻ em. Cô lo từ bữa ăn đến khi cùng vui chơi, dỗ dành các em ngủ với tất cả sự yêu thương thật lòng.

Khi các dịch bệnh nguy hiểm như cúm A/H1N1, tay-chân-miệng xuất hiện và rất dễ lây lan trong các trường mầm non thì nhiệm vụ phòng bệnh của ngành giáo dục, đặc biệt là các trường học cũng vất vả hơn. Bởi một khi dịch bệnh xuất hiện, lây lan buộc các trường học phải đóng cửa theo quy định. Những thời điểm như vậy, tập thể Trường mầm non Bạch Dương luôn ý thức công tác phòng ngừa dịch bệnh. Riêng với cô Vinh, không chỉ nhắc nhở từng em phải ý thức giữ gìn vệ sinh cá nhân, mà với kiến thức từ nghề y, cô trực tiếp vệ sinh, sát khuẩn dụng cụ học tập, đồ chơi cho trẻ. Khi đón trẻ, cô dặn dò phụ huynh học sinh nâng cao ý thức phòng bệnh ở gia đình. Ngay việc đơn giản nhất như trả, đón trẻ cũng phải cố gắng rèn luyện sự nhanh nhạy, tinh tế trong việc quan sát tâm lý, thể trạng, sức khỏe của các em để phối hợp với phụ huynh có sự quan tâm, theo dõi và điều chỉnh kịp thời.  

Không tự bằng lòng với những kiến thức đã học, cô Vinh dành thời gian để cập nhật, tìm hiểu những phương pháp dạy học trẻ mầm non tiên tiến và khoa học, từ đó áp dụng trong công tác chuyên môn. Cô cùng các cô giáo Trường Bạch Dương tranh thủ thời gian tự làm đồ chơi để các em có điều kiện vui chơi, khám phá những điều mới lạ.

Với những trẻ chập chững tới trường thì việc hỗ trợ, giúp đỡ và yêu thương của cô giáo mầm non rất quan trọng, giúp cho trẻ tự tin hòa nhập với bạn bè, từ đó hình thành nhân cách, đạo đức, tác phong sau này. Ở cô Vinh, sự giúp đỡ đó rất tự nhiên giống như người mẹ hiền thứ hai của các cháu. Suốt 12 năm gắn bó với nghề, cô Vinh dành cả tình yêu thương cho trẻ nhỏ. Nhiều em sau này lớn lên đã trở thành những học trò ngoan, giành những thành tích xuất sắc trong học tập. Cô cho biết, nếu ai không yêu nghề, gắn bó với nghề thật sự thì rất khó tìm được niềm vui trong công việc nuôi dạy trẻ mầm non. Cũng nhờ yêu nghề, mến trẻ mà cô Vinh cùng nhiều cô giáo Trường mầm non Bạch Dương đã xây dựng hình ảnh thân thiện, gần gũi với học sinh.

Học Bác Hồ ở tấm lòng yêu trẻ, cô Vinh cũng nhận được nhiều niềm vui từ sự hồn nhiên, vô tư của trẻ thơ. Đó chính là động lực để mỗi ngày, cô phấn đấu hơn trong công việc. Chính vì yêu nghề, hy sinh vì công việc, có lối sống giản dị, gần gũi với đồng nghiệp và gia đình nên cô Vinh không chỉ nhận được tình cảm của các cháu mà còn từ đồng nghiệp, từ phụ huynh học sinh. Cô Vinh được xem là “cánh chim đầu đàn”, mẫu mực yêu thương trẻ, phấn đấu vì sự nghiệp trồng người của địa phương.  

Bài và ảnh: LÊ DŨNG

;
.
.
.
.
.