.
Dự án Làng Đại học Đà Nẵng

Treo... qua tuổi 15 - Kỳ 2: Dài cổ chờ giải tỏa...

.

Phần diện tích của thành phố Đà Nẵng trong dự án Làng ĐHĐN là 260ha (trong đó diện tích của Làng ĐH 108ha, khu tái định cư Làng ĐH 152ha), có 11 tổ dân phố với gần 900 hộ dân nằm trong vùng quy hoạch.

Theo ông Nguyễn Nho Trung, Bí thư Quận ủy Ngũ Hành Sơn thì việc quy hoạch treo kéo dài quá lâu đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống nhân dân. Người dân rất bức xúc bởi dự án treo không phải chỉ một, hai năm mà đã 15 năm, cuộc sống ngày càng thêm bức bí, như bị một vòng kim cô trói chặt: giải tỏa nhưng không biết đến bao giờ được đến nơi ở mới.

Đường sá, nhà cửa không những không được xây mới mà ngày càng trở nên tiêu điều. Có đến nơi đây mới thấy hết nỗi cơ cực của người dân khi nhiều hộ buộc phải chen chúc nhau “tứ đại đồng đường” trong những căn nhà tôn hấp nóng. Do vướng quy hoạch nên 15 năm qua dân không được làm nhà kiên cố, không được cơi nới, không được tách hộ khẩu...

Lại thêm việc canh tác ngày càng trở nên khó khăn khi nguồn nước - mùa nắng thì thiếu, mùa mưa thì quá thừa vì không có hệ thống tiêu nước, việc trồng rau màu theo đó cũng bấp bênh. Tất cả cùng một nỗi lo: Cuộc sống treo theo dự án Làng ĐHĐN.

Tình trạng nhà cấp 4 đang mọc lên như “nấm sau mưa” tại vùng quy hoạch. Trong ảnh: Nhà cấp 4 “dày đặc” trước cổng trường Cao đẳng Công nghệ thông tin.
Tình trạng nhà cấp 4 đang mọc lên như “nấm sau mưa” tại vùng quy hoạch. Trong ảnh: Nhà cấp 4 “dày đặc” trước cổng trường Cao đẳng Công nghệ thông tin.

Bà Huỳnh Thị Chọn (tổ dân phố 36,  Hải An 1) bức xúc chỉ lớp bụi bám dày trên đồ đạc, nền nhà... mặc dù đã đóng chặt cửa kính, cho biết: “Bụi mù mịt từ những chiếc xe ben chở đất, cát “diễu hành” qua nhà là ác mộng không chỉ cho các cháu nhỏ mà với cả người lớn, tất cả thường xuyên bị khô cổ, ho khan, đỏ mắt”. Đây là cái khổ của mùa nắng, còn đến mùa mưa, nhất là khi lụt bão, cả gia đình bà Chọn lại bồng bế, dắt díu nhau sang nhà họ hàng để tránh bão. Bà rất muốn đổ mê chống bão, chống nóng nhưng không được phép vì nhà nằm trong diện quy hoạch.

Ông Phạm Tửu, tổ trưởng tổ dân phố 34, Hải An 1 tâm sự, môi trường bụi bặm vào mùa hè và tình trạng ngập úng vào mùa mưa ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân, đặc biệt là các em học sinh trong việc đi lại. Trong các cuộc họp tổ dân phố, người dân thường xuyên phản ánh tình trạng khó khăn, đặc biệt là về kinh tế khi không có điều kiện ổn định sản xuất; bức xúc, âu lo khi không biết đến bao giờ mới được giải tỏa đền bù, tái định cư để an cư lạc nghiệp. Ông Tửu mong rằng, thông qua các đại biểu QH, đại biểu HĐND thành phố, tiếng kêu thống thiết của người dân vùng quy hoạch treo của dự án Làng ĐHĐN sẽ thấu đến các cơ quan Trung ương và các ngành chức năng.

Nhức nhối nhà trái phép

Do dự án bị treo kéo dài nên trong khu vực quy hoạch xây dựng Làng ĐHĐN, tình trạng sang nhượng đất, xây dựng nhà trái phép đang diễn ra khá “nhộn nhịp”. Khi đã có cầu thì ắt sẽ có cung: Chỉ riêng 2 bên đường dẫn vào Trường CĐCNTT đã có gần 500 ngôi nhà cấp 4 mọc lên với các dịch vụ phục vụ sinh viên phong phú như: cà-phê, karaoke, bi-da, tạp hóa, nhà trọ...

Chị Thu, bán bánh canh (thôn Tứ Hà, Điện Ngọc, Điện Bàn, Quảng Nam) tâm sự, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, không đủ tiền mua đất ở nơi khác nên cảm thấy rất “may mắn” khi mua được lô đất ở đây với giá 110 triệu đồng, diện tích 80m2 mà không biết gì đến quy hoạch dự án Làng ĐH. Mãi đến khi chính quyền xuống đập 17 căn nhà xây dựng trái phép chung quanh, thì chị mới sững người biết đất mình nằm trong diện quy hoạch, có nguy cơ mất trắng. Nhìn đống vôi vữa đổ nát còn sót lại của nhà bên cạnh, chị đau buồn, lo lắng với nỗi lòng cam chịu: “Không hiểu sao nhà mình chưa bị đập, thôi thì cứ sống trong cái nhà này được ngày nào hay ngày ấy”.

Trong 17 căn nhà bị tháo dỡ trong thời gian qua có nhà của ông Nguyễn Văn Đá (thôn Tứ Hà, Điện Ngọc, Điện Bàn, Quảng Nam), diện tích đất 1.260m2, được chuyển nhượng từ ông Huỳnh Văn Minh với giá hơn 600 triệu đồng. Ông Đá sống với niềm tin mong manh “Đã 15 năm trôi qua thì nơi đây chắc không còn quy hoạch, xây dựng gì nữa” nên vay tiền xây nhà cho 3 thế hệ cùng ở. Thế nhưng, trước Tết Nhâm Thìn 2012, lực lượng chức năng đã kiên quyết đập nhà trái phép của ông. Ngay sau khi nhà bị đập, ông lại tiếp tục dựng một căn nhà khác bằng tôn để ở và bán cà-phê với mong muốn: “Kiếm được đồng nào hay đồng đấy”.

Anh Trần Viết Kiên (thôn Cầu Hà, Điện Ngọc, Điện Bàn, Quảng Nam) mặc dù biết mảnh đất có diện tích 600m2 của mình đang nằm trong diện quy hoạch nhưng vẫn “quyết tâm” xây nhà cho sinh viên trọ. Khi chúng tôi tỏ ra lo lắng vì anh đang xây trái phép, anh trấn an với lý sự: “Người ta xây ào ào mà có làm sao đâu, nói thế thôi chứ không bao giờ có chuyện một dự án mà nằm vắt qua hai địa phương, không ai dại mà quy hoạch kiểu đó nên cứ yên tâm”. Khi đưa ra vấn đề 17 nhà đã bị chính quyền buộc tháo dỡ vì xây dựng trái phép, anh Kiên “hiến kế”: “Trước khi xây phải làm cái cổng, tạm bợ cũng được, nửa kín, nửa hở, che được bao nhiêu thì che, đến lúc xong rồi, nhà mình kiên cố, đàng hoàng thì họ... không nỡ đập đâu”.

(Còn nữa)

Bài và ảnh: MAI TRANG

;
.
.
.
.
.