.
Dự án Làng Đại học Đà Nẵng

Treo... qua tuổi 15 - Kỳ cuối: Những kiến nghị từ thực tế

.

Chúng tôi mang những bức xúc của người dân vùng quy hoạch treo ở Làng ĐHĐN trao đổi với ông Huỳnh Nghĩa, Phó trưởng đoàn ĐBQH, Phó Chủ tịch HĐND thành phố. Ông Nghĩa cho biết, vấn đề treo Làng ĐHĐN đã được ông chất vấn Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân vào tháng 11-2007 (Quốc hội khóa XII).

Lúc đó, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo có nhấn mạnh rằng sẽ cương quyết “tập trung vốn cho Làng ĐHĐN, bởi đây là công trình phục vụ sự nghiệp giáo dục không chỉ cho Đà Nẵng mà cả miền Trung – Tây Nguyên”. Tuy nhiên, cùng vào thời điểm này, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh và 2 Đại học vùng: Thái Nguyên, Huế đều lập dự án với tổng mức đầu tư rất lớn. Với khả năng nguồn vốn đầu tư của Nhà nước còn khó khăn, nên việc đầu tư cho Làng ĐHĐN không thể tập trung được. Đồng thời theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư “trong những năm trước mắt (sau năm 2007 - khi dự án đã treo được hơn 10 năm (PV)) chỉ đầu tư cho các trường đại học cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới (nếu có đất) các công trình tại địa điểm hiện nay của các trường”.

Công tác giải tỏa, đền bù, xây dựng... dở dang do thiếu vốn đầu tư.
Công tác giải tỏa, đền bù, xây dựng... dở dang do thiếu vốn đầu tư.

Ông Huỳnh Nghĩa khẳng định, những bức xúc do quy hoạch treo quá lâu mà người dân quận Ngũ Hành Sơn nêu lên trong các cuộc tiếp xúc cử tri sẽ được ông tiếp tục chất vấn tại các kỳ họp Quốc hội khóa XIII. Ông chia sẻ: “Vẫn biết là trong tình hình lạm phát cao, nền kinh tế đang có nhiều khó khăn, Chính phủ phải ưu tiên tập trung tháo gỡ khó khăn, tái cấu trúc nền kinh tế... Nhưng đối với những dự án đã được phê duyệt như Làng ĐHĐN thì Chính phủ cần tiếp tục quan tâm, trước hết cần công bố chính xác lộ trình quy hoạch và xây dựng để người dân không phải tiếp tục sống trong tình trạng mờ mịt hiện nay”.

PGS, TS Trần Văn Nam, Giám đốc ĐHĐN cho biết, vì chiến lược phát triển lâu dài, vì nhiệm vụ chung trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo, vì sự gắn kết giữa nhà trường và địa phương, góp phần cùng với địa phương phát triển kinh tế - xã hội, ĐHĐN sẽ quyết tâm và chủ động hơn nữa trong việc phối hợp với lãnh đạo thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam, cùng kiến nghị các giải pháp cụ thể trình Thủ tướng Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo để dự án được sớm hoàn thành. Trước hết, Chính phủ cần thể hiện rõ quyết tâm, dành kinh phí thích đáng và tập trung cho việc đầu tư xây dựng Làng ĐHĐN. Chính quyền thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu rõ mục tiêu, ý nghĩa lâu dài của dự án và có những biện pháp quyết liệt hơn nữa trong việc ngăn chặn tình trạng lấn chiếm đất, xây dựng trái phép trong khu vực dự án, gây lãng phí và tốn kém trong đền bù, phức tạp thêm tình hình giải phóng mặt bằng. Lãnh đạo ĐHĐN và các trường thành viên quyết tâm hơn nữa trong công tác tham mưu với Bộ Giáo dục và Đào tạo, rà soát lại quy hoạch, khai thác tối đa các nguồn lực hiện có và huy động từ nhiều nguồn khác để đầu tư dứt điểm các hạng mục quan trọng, từng bước đưa các trường thành viên vào Làng ĐHĐN.

Bức xúc của gần 1.000 hộ dân vùng dự án Làng ĐHĐN hiện nay là họ không biết chắc khi nào dự án sẽ được triển khai. Trong khi đó theo chủ trương của thành phố là đến năm 2014 sẽ chấm dứt việc giải tỏa, di dời lớn. Nguyện vọng của bà con cử tri ở đây là đề nghị Chính phủ khẳng định thời điểm sẽ triển khai dự án, công bố lộ trình đầu tư và kiểm soát quy hoạch. Mặt khác mong muốn thành phố có thể cho phép một số hình thức bảo đảm về an sinh như cho phép tách thửa, cải tạo nhà ở đủ sức chống bão..., tạo điều kiện về đường sá, điện nước...

Ông Nguyễn Hòa, Chủ tịch UBND phường Hòa Quý kiến nghị các cấp có thẩm quyền xem xét lại việc quy hoạch đối với dự án này. Nếu không tiếp tục triển khai thực hiện thì xóa quy hoạch nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc sử dụng đất.

Đại diện cho người dân vùng quy hoạch, ông Lê Trung Phụng (tổ dân phố 36, Hải An 1) bày tỏ hy vọng lớn nhất của mình là từ nay đến năm 2014 sẽ được giải tỏa, đền bù để gia đình có thể ổn định cuộc sống. Ông chia sẻ: “Một là đi, đi hẳn, tôi sẵn sàng giao đất, giải phóng mặt bằng, còn không thì cho tôi ở, để tôi còn tập trung làm ăn, kiếm tiền nuôi con ăn học và sống cho xứng đáng là công dân đô thị loại 1 cấp Quốc gia”...

Bài và ảnh: MAI TRANG

 

;
.
.
.
.
.