.
Dự án Làng Đại học Đà Nẵng

Từng bước xây dựng Làng Đại học Đà Nẵng

.

Sau khi Báo Đà Nẵng đăng tải loạt bài: Dự án Làng Đại học Đà Nẵng – treo… qua tuổi 15, có ý kiến cho rằng dự án Làng Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) sẽ không tiếp tục triển khai khi một số cơ sở của ĐHĐN vẫn được xây mới trong thời gian gần đây. Để giải tỏa hoài nghi này, phóng viên Báo Đà Nẵng đã có buổi trao đổi với PGS, TS Trần Văn Nam (ảnh), Giám đốc ĐHĐN - chủ đầu tư Làng ĐHĐN về nội dung này.



- P.V: Với trách nhiệm của mình, ông có suy nghĩ gì khi dự án Làng ĐHĐN treo quá lâu và sẽ có tác động như thế nào để dự án sớm được triển khai?

* Ông Trần Văn Nam: Việc dự án chậm được triển khai là nỗi trăn trở, băn khoăn rất lớn của lãnh đạo và các thầy cô giáo toàn ĐHĐN. ĐHĐN thấy rõ trách nhiệm của mình đối với nhân dân trong vùng dự án. Vì mục tiêu chung và lâu dài trong sự nghiệp xây dựng một làng ĐH quy mô lớn và hiện đại, phục vụ cho con em học tập, nghiên cứu, nâng cao trình độ chuyên môn, vì sự phát triển của cả khu vực, chúng tôi rất mong nhận được sự cảm thông sâu sắc.

Chúng tôi nhận thức rằng, xây dựng một làng ĐH hiện đại cho các thế hệ mai sau, trong hoàn cảnh đất nước và địa phương còn rất nhiều khó khăn, là điều khó có thể thực hiện trong một vài thập kỷ. Kinh nghiệm trong việc xây dựng các ĐH lớn trên thế giới cho thấy, để được như ngày nay, người ta có thể mất hàng trăm năm hoặc lâu hơn nữa. Vấn đề là phải có tầm nhìn chiến lược, phải có quy hoạch trước và đồng thuận ưu tiên dành đất đai cho các dự án giáo dục - đào tạo, cho sự phát triển của các thế hệ mai sau. Có như vậy, chúng ta mới xây dựng được những ĐH quy mô và hiện đại, sánh vai được với các đại học lớn của thế giới.

Chúng ta vui mừng vì Đảng và Chính phủ đã quy hoạch, sáng suốt chỉ ra và đặt nền móng cho tương lai phát triển của Làng Đại học Đà Nẵng - Một làng ĐH hiện đại, đa ngành, đa lĩnh vực, nơi đào tạo nguồn nhân lực bậc cao cho cả khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Tin rằng, dự án hoàn thành cũng sẽ góp phần to lớn trong việc cải thiện cuộc sống của bà con trong khu vực dự án.

Với trách nhiệm là chủ đầu tư Làng ĐHĐN, hiện nay, ĐHĐN đang tiếp tục triển khai các hạng mục và làm thủ tục đề nghị Chính phủ đẩy nhanh tiến độ đầu tư; phối hợp chặt chẽ với thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam trong công tác giải phóng mặt bằng cũng như xây dựng các giải pháp cụ thể trình Thủ tướng Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo để dự án sớm hoàn thành. Đặc biệt là giải pháp thành lập Ban quản lý Dự án Làng ĐHĐN với Trưởng ban là Thủ tướng hoặc Phó thủ tướng Chính phủ, các thành viên bao gồm lãnh đạo các bộ có liên quan, lãnh đạo chính quyền thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam và ĐHĐN. Lãnh đạo ĐHĐN và các trường thành viên sẽ quyết tâm hơn nữa trong công tác tham mưu với Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo, rà soát lại quy hoạch, khai thác tối đa các nguồn lực hiện có và huy động từ nhiều nguồn khác để đầu tư dứt điểm các hạng mục quan trọng, từng bước đưa các trường thành viên vào Làng ĐH.

- P.V: Hiện trường cao đẳng Công nghệ thông tin (thuộc ĐHĐN) đã được triển khai tại khu vực phường Hòa Quý, trong khi đó một số cơ sở của ĐHĐN vẫn được xây mới ngoài địa điểm Làng ĐH (ví dụ như trường ĐH Ngoại ngữ...). Phải chăng có sự mâu thuẫn trong chỉ đạo quy  hoạch?

Cơ sở mới của Trường ĐH Ngoại ngữ - 131 Lương Nhữ Hộc, quận Cẩm Lệ.                                                       Ảnh: M.TRANG
Cơ sở mới của Trường ĐH Ngoại ngữ - 131 Lương Nhữ Hộc, quận Cẩm Lệ. Ảnh: M.TRANG

* Ông Trần Văn Nam: Căn cứ quy hoạch phát triển tổng thể, ĐHĐN xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng giai đoạn. Trong quá trình triển khai thực hiện, phát sinh trường hợp Trường ĐH Ngoại ngữ, do thực hiện chủ trương quy hoạch của thành phố Đà Nẵng, bị giải tỏa cơ sở  tại số 100 Ngô Thì Nhậm - quận Liên Chiểu theo Dự án Khu đô thị mới Tây Bắc của thành phố.

Cơ sở này của Trường ĐH Ngoại ngữ được thành phố bố trí đến địa điểm mới tại Khu dân cư số 4 Nguyễn Tri Phương - nay là địa chỉ 131 Lương Nhữ Hộc, quận Cẩm Lệ. Trước tình hình đó, ĐHĐN đã xem xét chuyển Trường ĐH Ngoại ngữ vào Làng ĐHĐN. Tuy nhiên, tại thời điểm trên với nguồn vốn chỉ khoảng 35 tỷ đồng, thì việc đầu tư vào Làng ĐHĐN - nơi chưa giải phóng được mặt bằng, chưa có hạ tầng kỹ thuật, đường sá, điện nước và ở rất xa khu dân cư - là việc làm không khả thi.

Trước yêu cầu đòi hỏi phải nhanh chóng xây dựng cơ sở mới để kịp thời di chuyển cơ sở bị giải tỏa và với số vốn đầu tư ít ỏi chỉ vừa đủ để xây dựng các khu giảng đường và các hạng mục cần thiết khác phục vụ dạy và học, ĐHĐN đã được sự đồng ý của Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND thành phố Đà Nẵng xây dựng cơ sở mới tại Khu dân cư số 4 Nguyễn Tri Phương. Bên cạnh đó, với đặc thù của Trường ĐH Ngoại ngữ, đa số sinh viên và giáo viên là nữ, nhiều lớp học ban đêm, việc chuyển ngay cơ sở với hàng ngàn nữ sinh viên vào Làng ĐHĐN tại Hòa Quý khi chưa có sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, đã gây lo ngại về mặt an ninh cũng như tâm lý của giảng viên và sinh viên, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học cũng như kế hoạch đào tạo của trường.

Có thể nói rằng, việc xây dựng cơ sở Trường ĐH Ngoại ngữ tại Khu dân cư số 4 Nguyễn Tri Phương là giải pháp tình thế, giải quyết nhu cầu bức xúc trước mắt về chỗ học cho sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ tại thời điểm nêu trên, quy mô xây dựng không lớn, vốn đầu tư không nhiều. Về lâu dài Trường ĐH Ngoại ngữ sẽ chuyển vào Làng ĐHĐN theo quy hoạch chung.

MAI TRANG  thực hiện

;
.
.
.
.
.