.
Hướng tới Ngày Quốc tế Bảo tàng (18-5)

Đến bảo tàng học lịch sử

.

Đến Bảo tàng, qua các hiện vật sống động, học sinh có thể quan sát, tưởng tượng, ngẫm nghĩ, giải thích… và ghi nhớ những kiến thức lịch sử tưởng chừng “khó nuốt”.
 

Học sinh hứng thú với CLB “Em yêu lịch sử” tại Bảo tàng Đà Nẵng.
Học sinh hứng thú với CLB “Em yêu lịch sử” tại Bảo tàng Đà Nẵng.

Cầu nối quá khứ - hiện tại

Sinh ra ở Đà Nẵng, nhưng tháng 3 vừa qua, Văn Thị Quỳnh Anh, học sinh lớp 11/2, Trường THPT Phan Châu Trinh mới có điều kiện cùng các bạn trong lớp tham quan Bảo tàng Lịch sử Đà Nẵng (còn gọi là Bảo tàng Đà Nẵng). Chuyến tham quan gần 2 giờ đồng hồ đã để lại trong cô học trò yêu môn Lịch sử những ấn tượng sâu sắc. Quỳnh Anh bộc bạch: “Em đã nghe các thầy cô giảng về hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ nhưng đến Bảo tàng, nhìn các hiện vật, tranh ảnh mới thấu hiểu được người Đà Nẵng đã chiến đấu anh dũng như thế nào. Qua các bức ảnh ghi lại tội ác dã man của quân đội Mỹ, em hình dung những khó khăn, gian khổ mà ông cha ta đã trải qua để có được độc lập, hòa bình hôm nay. Em nhận ra trách nhiệm của mình để trân trọng, tri ân những hy sinh của những thế hệ trước. Cảm xúc thật khó tả lắm!”.

Còn với Trần Thanh Tùng, cũng là học sinh Trường THPT Phan Châu Trinh, lần đến Bảo tàng tìm hiểu lịch sử địa phương đã khiến em “ngộ” ra rằng, môn Lịch sử thật ra không hề khó như em nghĩ. Các hướng dẫn viên tận tình giải thích cùng với hiện vật tranh ảnh cụ thể và sinh động khiến em nghe, nhìn đến đâu nhớ đến đó, không phải nhọc công ghi chép hay đọc thuộc lòng một cách khổ sở như cách em vẫn học.

Cô Lê Thị Thanh Thủy, giáo viên dạy Sử Trường THPT Phan Châu Trinh, người đã 7 lần đưa học sinh tham quan, viết thu hoạch lịch sử địa phương tại Bảo tàng Đà Nẵng cho biết: “Học sinh khi đến Bảo tàng đều rất phấn chấn, xông xáo, khác hẳn so với tiết học trên lớp. Bài thu hoạch được viết tự nhiên, trôi chảy, giàu cảm xúc và có chiều sâu hơn”. Theo lý giải của cô Thủy, khi học trên lớp, học sinh chủ yếu chỉ nghe, ghi chép, suy nghĩ rồi trả lời. Còn đến Bảo tàng, các em vừa nghe, vừa tận mắt thấy hình ảnh, hiện vật, rồi cùng nhau tranh luận, đối chiếu với thực tế. Qua đó, kiến thức được củng cố nhiều lần, nhiều thao tác tư duy phải vận động cùng một lúc, nhất là tư duy trực quan nên buổi học giàu hứng thú và hiệu quả.

“Các hiện vật cụ thể được trưng bày tại Bảo tàng đã rút ngắn khoảng cách giữa quá khứ và hiện tại, khiến những điều các em học tập trong sách vở không trừu tượng, mà hiện hữu gần gũi trước mắt. Đó là lý do khiến các em tiếp thu nhanh và đầy hứng thú”, thầy Đặng Công Thành, Tổ trưởng tổ Lịch sử, Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn, chia sẻ với chúng tôi. Thầy Thành cũng cho rằng, bên cạnh tác dụng bổ trợ hữu hiệu đối với môn Lịch sử, việc tổ chức các chuyến tham quan, thực tế nói chung, đến Bảo tàng nói riêng, sẽ rèn luyện cho học sinh nhiều kỹ năng sống…

“Bảo tàng sống” cho mai sau

Ông Hà Phước Mai, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng cho biết, từ khi chuyển về địa chỉ mới đến nay, Bảo tàng luôn đón những vị khách đặc biệt là học sinh, sinh viên. Việc liên kết, tổ chức cho học sinh, sinh viên các trường trên địa bàn thành phố tham quan Bảo tàng kết hợp học tập môn Lịch sử luôn được xem là một trong những hoạt động chính, được các trường THPT đặc biệt hưởng ứng. Theo thống kê, năm vừa qua, Bảo tàng Đà Nẵng đã đón tiếp 7.649 khách tham quan là học sinh (từ các cấp học) và sinh viên từ 62 trường học trên địa bàn thành phố. “Hiện vật, tranh ảnh có thể phai nhạt, sờn mòn theo thời gian, năm tháng, chi bằng chúng ta hãy lưu giữ trong trí óc, tâm hồn của thế hệ trẻ, để rồi đây chính các em sẽ là những “bảo tàng sống” cho thế hệ tiếp theo”, ông Mai chia sẻ.

Chương trình sinh hoạt CLB “Em yêu lịch sử” (phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia) cũng đã mang lại những hiệu ứng tích cực. Ông Hà Phước Mai khẳng định: Sắp tới, Bảo tàng Đà Nẵng sẽ nhân rộng sân chơi bằng việc tổ chức sinh hoạt định kỳ hằng tháng, với những câu hỏi, trò chơi kiểm tra kiến thức gần hơn, sát hơn về lịch sử địa phương, cho nhiều đối tượng học sinh.

Bài và ảnh: NGỌC DUNG

;
.
.
.
.
.