.
Lao đao hệ trung cấp nghề

Kỳ 1: Trường nghề tuyển sinh: Đìu hiu chợ chiều

.

Các trường nghề hệ trung cấp đang gặp khó khăn khi qua mỗi mùa tuyển sinh, số lượng các trường loại hình này trên địa bàn Đà Nẵng cứ dần teo tóp, nơi giải thể, nơi sang nhượng cho đơn vị khác.

Trường Trung cấp nghề Kỹ thuật Công nghiệp tàu thủy 3 (396 Điện Biên Phủ) đang chờ giải thể.
Trường Trung cấp nghề Kỹ thuật Công nghiệp tàu thủy 3 (396 Điện Biên Phủ) đang chờ giải thể.

6 học sinh cũng thành... lớp

Lớp Công nghệ ô-tô tại Trường Trung cấp nghề Giao thông vận tải (GTVT) đường bộ ở quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng chỉ có 6 học viên. Bàn trống vẫn còn nhiều khiến giọng giảng bài của thầy lạc vào khoảng không. Có trò ngồi... ngáp. Có trò thì thầm kể lại cho nhau về bộ phim hay tối qua. Cả lớp trông như một cái chợ... đã vãn người mua, gương mặt ai cũng lộ vẻ mỏi mệt dù giờ học chỉ mới bắt đầu.

Thầy Hoàng Thanh Xuân, Trưởng Phòng Đào tạo của nhà trường, thở dài: “Lớp Công nghệ ô-tô lúc đầu có 18 học sinh đăng ký, nay rơi rớt chỉ còn 6 em. Những lớp khác thì tình hình “khả quan” hơn cũng được từ 8 đến vài chục em. Dù có lớp cùng ngành nghề nhưng không thể ghép chung vì chênh lệch về thời gian học”.

Hiện Trường Trung cấp nghề GTVT đường bộ đào tạo 6 lớp ở 5 ngành: Xây dựng cầu đường, Công nghệ ô-tô, Vận hành máy và Kinh tế với tổng số học viên hơn 90 người. Năm nào cũng vậy, chỉ mới tháng 3, tháng 4, nhà trường đã chuẩn bị tuyển sinh. Hội đồng tuyển sinh, rồi ban giúp việc cho Hội đồng được thành lập, phân công lực lượng đi tất cả các Trường THPT, Trung tâm Giáo dục thường xuyên ở các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên đặt hồ sơ hợp đồng, có bồi dưỡng hẳn hoi nhưng số hồ sơ thu được vẫn... như lá mùa thu. Năm 2010, trường mở một lớp dạy nghề ở huyện Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi), thế rồi sau đó không có thêm lớp nào ở tỉnh, thành phố khác nữa. Hiện nay, hầu hết các địa phương đều có trường trung cấp nghề với lợi thế “sân nhà” nên thu hút học sinh khiến các trường nghề Trung ương đóng trên địa bàn gần như... ngắc ngoải, vì không thể cạnh tranh lại. Vì vậy, từ 2-3 năm nay, Trường Trung cấp nghề GTVT đường bộ thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam đóng trên địa bàn Đà Nẵng đều không hoàn thành chỉ tiêu là tuyển sinh khoảng từ 900 - 1.000 học viên/khóa học. “Năm nay, trường được giao kế hoạch đào tạo 400 chỉ tiêu dài hạn (trung cấp), 600 chỉ tiêu ngắn hạn (từ 3 tháng trở xuống) nhưng rất khó hoàn thành. Bộ GD-ĐT cho các trường ĐH nhận hồ sơ đến cuối tháng 11, vét sạch thí sinh nên tình hình tuyển sinh học nghề rất căng. Không hoàn thành chỉ tiêu thì đành báo cáo không hoàn thành chứ biết sao giờ”, Hiệu phó Nguyễn Thành Bộ nói.

Lãng phí

Bế tắc, Trường Trung cấp nghề GTVT đường bộ đề nghị được chuyển đổi thành trường TCCN, nhưng Bộ GTVT đã có chủ trương sáp nhập trường này vào Trường CĐ chuyên nghiệp. Hiện nhà trường có 30 cán bộ, công nhân viên, trong đó giáo viên cơ hữu là 22 người kiêm nhiệm đủ vai trò. Trường có 8 phòng thực hành, 18 phòng lý thuyết cùng khu ký túc xá sắp hoàn thành, phủ sóng wifi toàn trường. Nếu không tận dụng hết công năng thì đây thật sự là lãng phí lớn.

Cùng chung “cảnh ngộ” với trường này là Trường Trung cấp nghề Kỹ thuật Công nghiệp tàu thủy 3 (số 396 Điện Biên Phủ). Bước vào khuôn viên trường, chúng tôi cứ ngỡ mình đi lạc đường bởi bảng hiệu Trường ĐH Duy Tân to đùng được treo trước trường. Đi qua dãy hành lang vắng lặng, chúng tôi vừa bước vào phòng đào tạo biết trường này sắp giải thể.

Trường Trung cấp nghề Kỹ thuật Công nghiệp tàu thủy 3 thuộc Tập đoàn Tàu thủy Việt Nam đã ngừng tuyển sinh vài năm nay. Năm 2010, việc tuyển sinh thật sự bế tắc khi chỉ có khoảng 70 học sinh với các ngành: Điện, Điện công nghiệp, Công nghệ chế tạo, Hàn vỏ tàu thủy..., tức chưa tới 10% chỉ tiêu trường được giao. Năm 2011, trường vẫn nhận hồ sơ nhưng chỉ có vài người tới nộp nên đành dừng tuyển. Trong lúc chờ giải thể, trường tạm thời cho ĐH Duy Tân thuê mặt bằng. Những phòng học khá rộng rãi, khang trang còn lại cũng tạm… đóng cửa. Điều lo lắng nhất lúc này của nhà trường là phải cấp xong bằng tốt nghiệp cho hơn 20 học viên còn lại ở các khóa trước.

Còn Trường Trung cấp nghề Công nghiệp tàu thủy Đà Nẵng thuộc Nhà máy Đóng tàu Đà Nẵng sau khi gặp khó khăn trong tuyển sinh đã được Công ty Lương thực miền Trung mua lại, đổi tên thành Trường Trung cấp nghề Việt Á.

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ


Thiếu lao động lành nghề, trong khi tình trạng thất nghiệp nhiều, tỷ lệ chưa qua đào tạo cao là thực trạng đáng lo. Phải chăng do các trường nghề thiếu năng động, học viên không mặn mà hay còn vì lý do nào khác?

Kỳ tới: Lỗi tại chữ “nghề”?

;
.
.
.
.
.