.

Lao đao hệ trung cấp nghề - Kỳ cuối: Lỗi tại chữ “nghề”?

.

Chuột chạy cùng sào mới vào... trường trung cấp nghề đang là một thực tế. Lỗi do người học, do chính trường nghề hay do đãi ngộ quá thấp sau khi ra trường nên hệ này không còn được thí sinh lựa chọn nữa?

Lớp học nghề tại Trường trung cấp nghề Giao thông vận tải Đường bộ đóng tại Đà Nẵng có rất ít học viên.
Lớp học nghề tại Trường trung cấp nghề Giao thông vận tải Đường bộ đóng tại Đà Nẵng có rất ít học viên.

Xin bỏ giúp em chữ “nghề”!

Một giáo viên trường nghề tâm sự: “Có học viên học nghề đã tâm sự với tôi: Giá mà trường mình bỏ chữ “nghề” đi thì hay biết mấy. Nghe mà thấy buồn!”. Một thực tế phải thừa nhận rằng, nhiều bậc phụ huynh và học sinh vẫn chọn con đường học ĐH hoặc CĐ để tiến thân, lập nghiệp, trong khi trình độ văn hóa của các em và khả năng tài chính của gia đình không đáp ứng được. Bởi lẽ, “đã mất công đi học thì tội gì không học ĐH, CĐ, có trường chỉ xét tuyển, sao lại phải học nghề”, N.T.H (21 tuổi, ở quận Hải Châu) nói.

Ông Nguyễn Thành Bộ, Hiệu phó Trường Trung cấp nghề Giao thông vận tải đường bộ, thừa nhận: “Các trường ĐH, CĐ, TCCN... ra “chiêu” liên thông đã đánh trúng tâm lý muốn được liên thông ở bậc học cao hơn của học viên nên hút được số lượng học sinh không nhỏ. Hệ thống nghề cũng liên thông được nhưng rất khó khăn, thủ tục nhiêu khê, phải qua nhiều quyết định của Bộ, của trường nọ, trường kia...”. Ông Bộ cũng cho biết, nhiều học viên tâm sự rằng, chỉ cần học lái xe 3 tháng là xong, chạy vù vù kiếm khá tiền, học lái máy ủi tại trường mất cả năm mà lương chẳng là bao. Mà một công trình thì dùng có bao nhiêu máy ủi, máy xúc đâu, thậm chí 1 thợ lái 3-4 máy thì việc đâu có nhiều mà làm. Một thực tế là các nhà thầu hiện nay ít mướn công nhân kỹ thuật mà thích lao động phổ thông vì ký hợp đồng dưới 3 tháng để tránh đóng bảo hiểm, lách luật và trả lương bèo.

Chưa có mức lương hấp dẫn

“Nhà nước đang khuyến khích phát triển dạy nghề, học nghề trong khi chưa có cơ chế ưu đãi cho người dạy và học. Thậm chí đến nay, vẫn chưa có thang bảng lương dành cho hệ trung cấp nghề. Thu nhập giữa người có nghề và không nghề không chênh lệch bao nhiêu. Bên cạnh đó, chất lượng đào tạo, cũng như trang thiết bị dạy học của các trường nghề cũng cần phải xem lại để có thể thu hút học sinh”, bà Kiều Thị Thanh Trang, Trưởng Phòng Dạy nghề thuộc Sở LĐ-TB&XH-nói.

Thực trạng đó tất yếu dẫn đến việc các trường nghề, nhất là trường trung cấp nghề “đỏ mắt” tìm học sinh là điều dễ hiểu. Tuyển được đã khó, các trường còn phải ra sức giữ chân các em. Một giáo viên nghề từng thốt lên: “Dạy học viên học nghề mà như dạy các em mẫu giáo, vừa dạy phải vừa “dỗ” thì các em mới chịu đi học tiếp. Chỉ cần các em nghỉ 2-3 ngày thì giáo viên phải liên tục đến nhà vận động (nếu cùng trên địa bàn) hoặc liên lạc qua điện thoại để động viên”.

Thầy Hoàng Thanh Xuân, Trưởng phòng Đào tạo Trường Trung cấp nghề Giao thông vận tải đường bộ, cho biết, vừa ký quyết định cho một học viên nữ nghỉ học vì bỏ học cả tháng để đi bụi dù lớp học còn lơ thơ vài em. Rất nhiều nguyên do để học viên đến lớp học nghề như: do bố mẹ ép buộc, trốn nghĩa vụ quân sự... Còn số em đi học xuất phát từ niềm đam mê, lòng yêu nghề có lẽ hơi hiếm. Bởi vậy, không ít trường hợp vào học nghề để trốn nghĩa vụ quân sự, được thời gian thì bỏ rồi sang năm lại đăng ký học tiếp.

Không chỉ lo giữ học sinh, các trường trung cấp nghề còn rất khó tuyển giáo viên. Có nơi, giáo viên mới ra trường vào làm chưa hết thời gian thử việc đã nghỉ, chỉ còn lại những người lớn tuổi hoặc thật sự tâm huyết với nghề.

Bà Kiều Thị Thanh Trang, Trưởng Phòng Dạy nghề thuộc Sở LĐ-TB&XH, cho rằng: “Để giải bài toán học nghề, cần sự phân luồng hiệu quả. Học sinh cần được tư vấn chọn ngành nghề phù hợp với năng lực và sở thích ngay từ bậc THCS, THPT. Bên cạnh chú trọng phân luồng, việc đầu tư cho trường nghề cũng không kém phần quan trọng để thật sự thu hút học sinh”.

Ngoài ra, cũng theo bà Trang, chế độ đãi ngộ, lương bổng cho người có tay nghề phải ngang bằng với các trình độ khác. Thu nhập phải được trả theo công việc, trình độ và kỹ năng của người lao động, khắc phục tình trạng người học đại học, không cần biết công việc thế nào, đương nhiên có lương cao hơn người học nghề. Bên cạnh đó, chương trình đào tạo nghề hiện nay còn dàn trải, lý thuyết nhiều, chưa thật sự hấp dẫn học sinh nên cần có sự đổi mới. Hơn nữa, các trường nghề công lập cũng cần nhìn nhận lại mình, năng động hơn nữa để có thể đứng vững trong lúc khó khăn.

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ

;
.
.
.
.
.