.

Bộ GDĐT giải đáp thắc mắc về đề thi đại học, cao đẳng

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, đề thi tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) phải đạt được các yêu cầu kiểm tra kiến thức cơ bản, khả năng vận dụng và kỹ năng thực hành của thí sinh trong phạm vi chương trình trung học hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12 và phải đạt yêu cầu phân loại được trình độ học lực của thí sinh.

Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục giải đáp một số thắc mắc của bạn đọc liên quan đến kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ như sau:

Một học sinh ở Bình Phước (hooh1812@...): Năm nay tôi thi đại học, theo khối D1. Theo tôi thấy càng ngày đề thi tiếng Anh càng khó và đòi hỏi phải có kiến thức thật vững, trình độ gần như là chuyên nghiệp, từ vựng rất nhiều... Với mức đòi hỏi cao như vậy thì học sinh ở những vùng khó khăn sẽ rất khó có cơ hội để làm được tốt bài thi trong khi những bạn ở các thành phố thì có cơ hội học tập tiếng Anh nhiều hơn. Tôi nghĩ đề thi tiếng Anh chỉ nên dừng ở mức độ vừa phải, đủ cho học sinh tự tin để làm,... sau này lên đại học, học sinh có thể đi học thêm để bổ sung kiến thức.

Bộ Giáo dục và Đào tạo: Do yêu cầu về chất lượng đào tạo đại học, Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2012 quy định: Đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ phải đạt được các yêu cầu kiểm tra kiến thức cơ bản, khả năng vận dụng và kỹ năng thực hành của thí sinh trong phạm vi chương trình trung học hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12, phù hợp với quy định về điều chỉnh nội dung học tập cấp trung học. Đề thi phải đạt yêu cầu phân loại được trình độ học lực của thí sinh.

Do đó, cũng như đề thi các môn khác của kỳ thi, đề thi môn tiếng Anh cũng phải đáp ứng được các yêu cầu trên. Tuy nhiên, để đảm bảo công bằng về cơ hội học tập cho những thí sinh ở những vùng khó khăn, trong quy chế thi và tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo từ trước đến nay đều quy định cụ thể chính sách ưu tiên đối với vùng miền.

Ông Trọng Dương Hùng (duongtronghung.ldb@...): Hiện nay Bộ Giáo dục và Đào tạo đang thực hiện việc thi trắc nghiệm đối với các môn Vật lý, Hoá, Sinh. Tôi thấy hình thức thi này cũng có thế mạnh, nhưng bên cạnh đó cũng có nhiều hạn chế nhất là việc rèn kỹ năng trình bày, kỹ năng tư duy cho học sinh. Liệu trong thời gian tới Bộ Giáo dục và Đào tạo có thay đổi chuyển các môn thi này sang hình thức tự luận không?

Bộ Giáo dục và Đào tạo: Mỗi hình thức kiểm tra, đánh giá đều có những ưu điểm và những hạn chế riêng. Trong các kỳ thi có nhiều thí sinh thì trắc nhiệm là phương pháp ưu việt về tính khách quan, công bằng, bao quát nội dung học tập.

Việc triển khai thi trắc nghiệm các môn Vật lý, Hoá học, Sinh học, Ngoại ngữ đã góp phần hạn chế tiêu cực trong thi cử, nhận được sự đồng thuận của xã hội. Tuy nhiên, nhiều nhà trường, nhiều giáo viên chỉ chú trọng, thậm chí đơn thuần áp dụng phương pháp trắc nghiệm trong kiểm tra đánh giá thường xuyên, định kỳ suốt cả quá trình dạy học; học sinh tập trung học và luyện tập theo kiểu trắc nghiệm, coi nhẹ rèn luyện tư duy logic và bỏ qua nhiều kỹ năng quan trọng khác mà quá trình dạy học đòi hỏi phải đáp ứng. Hệ quả tất yếu của điều này là gây ra những dư luận trái chiều, ảnh hưởng không tích cực tới việc áp dụng thi trắc nghiệm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, bổ túc THPT và tuyển sinh ĐG, CĐ.

Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục hoàn thiện cách thức ra đề thi trắc nghiệm để nâng cao chất lượng của đề thi và đảm bảo phối hợp hợp lý tất cả các hình thức như vấn đáp, tự luận, thực hành, trắc nghiệm trong kiểm tra, thi, đánh giá ở các trường THPT.

Theo Cổng TTĐT Chính phủ

;
.
.
.
.
.