.

Ngành GD-ĐT cần thẳng thắn nhìn nhận hạn chế

Hội nghị giao ban lần thứ 3 năm học 2011-2012 khối thi đua vùng 7, gồm Sở GD-ĐT 5 thành phố trực thuộc Trung ương: Hải Phòng, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ và thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra tại Đà Nẵng vào ngày 26-6 đặt ra yêu cầu cần thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế và có những giải pháp thực chất để tạo sự đột phá trong ngành Giáo dục. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận chủ trì hội nghị. Đồng chí Nguyễn Xuân Anh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng đã đến dự và phát biểu chào mừng hội nghị.

Theo ông Nguyễn Hữu Độ, Giám đốc Sở GD-ĐT thành phố Hà Nội, Cụm trưởng Cụm thi đua vùng 7, năm học 2011-2012, kết quả công tác thi đua của từng đơn vị trong cụm thi đua vùng 7 đã có nhiều chuyển biến tích cực, hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học. Cụ thể, trẻ 6 tuổi ra lớp ở các thành phố chiếm tỷ lệ gần như tuyệt đối; các thành phố Hải Phòng, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh đạt tỷ lệ 100%; Hà Nội 99,98%. Cơ sở vật chất được tăng cường đầu tư, tiếp tục tăng nhanh tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày, Đà Nẵng có 86,8%; thành phố Hồ Chí Minh: 81,78%; Hà Nội: 80%; Hải Phòng: 69,7%; Cần Thơ: 43,14%.  

Chất lượng giáo dục trung học các thành phố tiếp tục được giữ vững và nâng cao. Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, Hà Nội dẫn đầu cả nước với tổng số 125 giải; Hải Phòng: 78 giải; Đà Nẵng: 63 giải; thành phố Hồ Chí Minh: 58 giải và Cần Thơ: 18 giải. Kết quả tốt nghiệp THPT năm 2012 của các thành phố tiếp tục có chuyển biến tốt, Hải Phòng đạt tỷ lệ tốt nghiệp 99,82%; Cần Thơ: 99,68%; Đà Nẵng: 99,53%...

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận ghi nhận sự ủng hộ mạnh mẽ của chính quyền 5 thành phố lớn đối với những chủ trương của ngành Giáo dục. Bộ trưởng cho rằng, nếu không có sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương thì một mình Bộ GD-ĐT không làm được. Ngành GD-ĐT 5 thành phố trực thuộc Trung ương có nhiều thành tựu, có sự cân đối giữa tăng trưởng về số lượng và bảo đảm chất lượng giáo dục, có nhiều điển hình, nhiều bài học có thể nhân rộng trong toàn ngành.

Theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, ngành GD-ĐT cũng nên thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế như: Tuy làm được nhiều việc, có chiều rộng nhưng chưa có chiều sâu, chưa bền vững nên hiệu quả thấp. Bộ trưởng nhấn mạnh: Giải pháp nhiều nhưng nặng về phong trào, có cảm giác làm cho đủ nên chưa phát huy được hiệu quả. Những đòi hỏi của nhân dân, công luận đối với ngành Giáo dục là so với yêu cầu của thực tế cuộc sống. Nếu ý thức được đều này thì mới có thể có những giải pháp thực chất để tạo được sự đột phá.

PHƯƠNG CHI

;
.
.
.
.
.