.

Chuẩn bị cho trẻ vào lớp 1

.

Sợ con mình thua kém bạn bè, ngay từ khi trẻ còn học mầm non, nhiều phụ huynh đã cho các cháu học viết chữ, làm toán... Nhưng có khi điều này lại làm trẻ có tính ỷ lại, thụ động trong việc tiếp thu bài vở lúc vào lớp 1.

Ở lứa tuổi mầm non, phụ huynh không nên cho con em mình học trước chương trình lớp 1.
Ở lứa tuổi mầm non, phụ huynh không nên cho con em mình học trước chương trình lớp 1.

Sợ con thua kém bạn bè

Để chuẩn bị cho con gái vào học lớp 1 năm học 2012-2013, từ đầu năm học trước đó, anh N.V.B (trú phường Xuân Hà, quận Thanh Khê) đã cho bé Hoa rèn luyện viết chữ, làm toán. Ban ngày, anh cho cháu học mẫu giáo ở trường, buổi tối và các ngày cuối tuần thì cho cháu “học thêm” lớp 1 ở nhà một cô giáo. Nhờ sự tích cực của anh B., đến nay, bé Hoa đã biết viết chữ, biết tính toán thành thạo. “Thấy ai cũng cho con học trước chương trình lớp 1 nên vợ chồng tôi cũng tạo điều kiện để con học như thế cho chắc”, anh B. giải thích.

Không có điều kiện cho con đến nhà cô giáo học, chị P.T.H (ở phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) đã mời giáo viên tiểu học về nhà dạy trước chương trình lớp 1 cho con. Kể từ đó, con của chị H. nhanh nhạy hơn hẳn và làm được phép tính đến 10. Chị H. tỏ vẻ tâm đắc: “Tốn tiền một tí, nhưng cho con học trước cho chắc, chứ sau này vào lớp 1 rồi, con tiếp thu bài chậm so với bạn bè thì tội cháu! Không học thêm trước thì sau này cũng phải học thêm, nên tôi cứ cho con đi học trước cho yên tâm!”.

Nhiều hiệu trưởng các trường tiểu học cho biết, tình trạng trẻ mầm non học trước chương trình lớp 1 khá nhiều. Trong những năm gần đây, nhiều học sinh vào lớp 1 đã biết đọc, biết viết, biết làm toán, nhiều lúc giáo viên lên lớp giảng bài, học sinh ở dưới không tập trung, bởi các em đã học những bài học cô giáo đang dạy từ khi còn ở bậc mầm non.

Hành trang cần thiết để trẻ vào lớp một

Theo một khảo sát nhỏ của nhóm chuyên gia Viện Tâm lý giáo dục vừa công bố, trong số 129 học sinh lớp 1 tại quận Liên Chiểu năm học 2011-2012, chỉ có 15,8% học sinh được hỏi cho biết gặp ít khó khăn, 10% gặp rất nhiều khó khăn và 74,2% còn lại đều gặp khó khăn trong môi trường lớp 1. Tiến sĩ Nguyễn Thị Hoa, Trung tâm ứng dụng, Viện Tâm lý giáo dục, cho biết những khó khăn mà các em gặp phải chủ yếu tập trung vào việc thực hiện kỹ năng học như khó tập trung, khó nhớ, khó chấp hành nội quy của lớp học, khó diễn đạt được mong muốn của mình.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hoa phân tích thêm: Ngay cả việc tưởng chừng như bản năng nhất là ăn, nhưng có phải trẻ làm được ngay đâu, cũng phải ăn từ bột, cháo rồi mới đến cơm nát. Thế nên, có thể những ngày đầu đi học, với những bé không học trước chương trình lớp 1, điểm số sẽ không cao như kỳ vọng của bố mẹ. Nhưng nếu bố mẹ hỗ trợ cho con, chịu khó dành thời gian học bài cùng con thì sẽ tốt hơn việc buộc con phải học lại những kiến thức mà trước đó con đã biết. Bởi vậy, phụ huynh cần phân biệt việc cho trẻ học trước chương trình lớp 1 và việc cho trẻ làm quen để chuẩn bị vào lớp 1. Chẳng hạn như, cho trẻ tập tô màu, làm quen với chữ cái, tập đếm... bằng các trò chơi là điều phù hợp. Thế nhưng, sẽ là lợi bất cập hại nếu cho con học ghép vần, luyện viết chữ đẹp, làm toán... khi vẫn đang ở tuổi mẫu giáo lớn.

Bà Hồ Thị Cẩm Bình, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học Sở GD-ĐT thành phố cho rằng, tình trạng phụ huynh cho con học chữ, làm toán trong khi còn học mầm non là có thật. Đây là việc làm lợi bất cập hại. Bởi lẽ, qua kiểm tra, khảo sát, nhiều em khi ở độ tuổi mầm non học trước chương trình lớp 1 thì đến khi vào lớp 1 lại có tâm lý nhàm chán, ỷ lại. Trong khi đó, theo quy định, trẻ vào lớp 1 mới bắt đầu học âm, vần, tập viết chữ... Với tất cả các đối tượng học sinh lớp 1, giáo viên lên lớp đều phải dạy đúng như chương trình theo quy định của Bộ GD-ĐT. Theo bà Bình, để các cháu vào lớp 1 học tập tốt và hứng thú, phụ huynh nên chuẩn bị tốt tâm thế cho trẻ, bằng cách cho học sinh mầm non tiếp xúc, làm quen với môi trường lớp 1, tập cho các cháu nhận biết các chữ cái, làm quen với mặt chữ mà thôi.

Bài và ảnh: HÒA KHÁNH

;
.
.
.
.
.