Phòng GD-ĐT quận Liên Chiểu vừa tham mưu với các cấp chính quyền có kế hoạch đầu tư để đến năm học 2015-2016 sẽ công nhận 100% trường THCS trên địa bàn quận đạt chuẩn quốc gia. Đến thời điểm này, Liên Chiểu vẫn chưa có trường THCS nào được công nhận đạt trường chuẩn quốc gia. Dù các yêu cầu về đội ngũ, chất lượng dạy - học gần như đáp ứng được yêu cầu của trường chuẩn, nhưng phòng chức năng của các trường THCS ở Liên Chiểu còn thiếu hoặc chưa đồng bộ: hoặc thiếu nhà thi đấu, hoặc phòng học bộ môn hay thư viện chưa đạt chuẩn... Thế nên, trong giai đoạn này, ngành GD-ĐT quận đang huy động các nguồn vốn, dồn lực để đầu tư phòng học bộ môn và thư viện cho các trường để bảo đảm dạy - học theo hướng dạy đi đôi với thực hành. Đã có hai trường THCS được đầu tư xây dựng phòng học bộ môn theo hướng hiện đại hóa - đồng bộ hóa, đúng yêu cầu an toàn, kỹ thuật. Phòng học bộ môn Vật lý được trang bị tủ điện trung tâm để điều chỉnh toàn bộ nguồn cấp điện cho bàn học sinh. Phòng học bộ môn Hóa - Sinh còn được trang bị thêm hệ thống chậu rửa, vòi nước, đường thoát nước gắn với bàn học phục vụ việc tiến hành các thí nghiệm; tủ thoát khí độc tại bàn giáo viên nên không làm ảnh hưởng đến môi trường học tập của học sinh tại phòng học bộ môn... Mặt bàn học sinh tại phòng Hóa - Sinh còn chống chịu được axit sunfuric loãng, riêng bàn giáo viên có thể chịu được axit sunfuric đậm đặc. Có thể thấy hiệu quả rõ rệt của gói đầu tư phòng bộ môn tại hai trường THCS Lương Thế Vinh và THCS Lê Anh Xuân.
Ngoài việc rèn luyện được kỹ năng thực hành cùng một số kỹ năng mềm khác, ở một mức độ nào đó, học sinh còn chủ động trong việc tiếp nhận và vận dụng kiến thức. Dạy - học ở phòng bộ môn cũng là phương án tối ưu để khai thác hết hiệu quả của thiết bị dạy học, bảo quản tốt đồ dùng dạy học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trong nhà trường.
Ngành GD-ĐT Liên Chiểu đã không dồn lực đầu tư dứt điểm cho một trường THCS nào đấy để quận có “điểm sáng” trong báo cáo thành tích, cũng không đầu tư theo kiểu “cuốn chiếu”, mà ngầm đưa ra thông điệp về công bằng trong hưởng thụ giáo dục: mọi học sinh đều có quyền bình đẳng về điều kiện và cơ hội học tập. Đương nhiên là không nên và không thể đòi hỏi công bằng tuyệt đối, nhưng cũng bảo đảm cho các em đều được học tập trong những ngôi trường khang trang như nhau, ít nhất là về hệ quy chiếu của trường chuẩn quốc gia.
Công bằng trong hưởng thụ giáo dục một lần nữa lại được đặt ra khi Đà Nẵng chọn mốc đến năm 2014 sẽ hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, cho dù tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi ra lớp của địa phương rất cao và thành phố có truyền thống “về đích sớm” trong công tác phổ cập ở các bậc học khác. Chọn năm 2014 để về đích, Đà Nẵng chủ trương thực hiện phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi cũng đồng nghĩa với quá trình đầu tư tốt về mặt chất lượng nuôi dạy, bảo đảm sĩ số học sinh/lớp đúng như điều lệ trường mầm non của Bộ GD-ĐT chứ không chạy theo tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi ra lớp; duy trì tỷ lệ trẻ 3-4 tuổi và 4-5 tuổi ra lớp đạt 80% chứ không vì phổ cập mà để các độ tuổi dưới “nhường chỗ học” cho trẻ 5 tuổi. Cho đến năm 2014, Đà Nẵng cũng tập trung đầu tư mở rộng cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị, đồ dùng dạy học và chất lượng giáo viên để đến năm 2014, tất cả trẻ 5 tuổi theo học ở các nhóm lớp tư thục không đủ điều kiện dạy học phải được học ở các trường công lập nhằm chuẩn bị tốt các kỹ năng tiền học đường cho trẻ.
ÁNH NGỌC