Ngày 18-8, tại thành phố Đà Nẵng đã diễn ra Hội thảo Khoa học quốc gia về dạy học Lịch sử ở trường phổ thông, do Bộ GD-ĐT phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức. Hội thảo đã thu hút hơn 430 nhà giáo, nhà sử học, cán bộ quản lý, đội ngũ giáo viên phổ thông của 63 tỉnh, thành phố trong cả nước tham dự.
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển, thực tiễn phát triển giáo dục trong 10 năm qua cho thấy, việc giáo dục Lịch sử đã có những phát triển nhất định. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, hiệu quả giáo dục Lịch sử còn có nhiều bất cập, hạn chế, làm cho xã hội lo lắng.
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh, về định hướng đổi mới dạy học Lịch sử cần tập trung phân tích một số vấn đề như: Dạy học Lịch sử đóng vai trò như thế nào trong việc thực hiện mục tiêu giữa “dạy chữ”, “dạy người” và định hướng nghề nghiệp ở nhà trường phổ thông; sự cần thiết của việc thay đổi từ chương trình tập trung vào nội dung hiện nay sang chương trình hướng đến hình thành và phát triển năng lực của học sinh; đề xuất việc chọn lựa và cấu trúc nội dung để thiết kế chương trình sách giáo khoa theo định hướng cơ bản, hiện đại; đề xuất các biện pháp đẩy mạnh đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức dạy học, nội dung và hình thức đánh giá, nhằm bảo đảm đổi mới đồng bộ giữa các yếu tố của quá trình dạy học; đề xuất các điều kiện nhằm bảo đảm việc thực hiện chương trình mới, đặc biệt là yếu tố giáo viên.
Các đại biểu đã trình bày các tham luận nêu những ưu điểm, cũng như hạn chế về chương trình môn Lịch sử trong sách giáo khoa, phương pháp dạy và học, điều kiện giảng dạy và học tập; công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên môn Lịch sử trong giai đoạn hiện nay… Phát biểu tại Hội thảo, GS - Nhà giáo nhân dân Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho biết, ngày nay, nhiệm vụ xây dựng đất nước vẫn gắn chặt với nhiệm vụ bảo vệ đất nước, giữ gìn chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc. Thế hệ trẻ lớn lên qua nền giáo dục phổ thông mà không yêu mến lịch sử dân tộc, không có vốn hiểu biết cần thiết về lịch sử, văn hóa dân tộc và nhân loại, không có niềm tin dân tộc, không kế thừa các giá trị truyền thống dân tộc, thì làm sao có thể hoàn chỉnh được phẩm chất của người công dân Việt Nam. Từ đặc điểm đó, môn Lịch sử càng phải đặt đúng vị thế và chức năng của nó trong hệ thống giáo dục phổ thông.
NGỌC ĐOAN