Hằng năm, hơn 10.000 sinh viên các khối ngành tự nhiên, xã hội các trường ĐH, CĐ, TCCN trên địa bàn thành phố Đà Nẵng tốt nghiệp nhưng chỉ một tỷ lệ khá nhỏ tìm được việc làm theo đúng chuyên môn. Những trường hợp còn lại thất nghiệp hoặc phải làm việc trái với ngành nghề đào tạo. Đây là nghịch lý đang tồn tại khi công tác đào tạo “vênh” với nhu cầu thị trường lao động.
Sinh viên đăng ký tìm kiếm cơ hội việc làm ở Trường ĐH Đông Á. Ảnh: NGỌC ĐOAN |
“Dài cổ” tìm việc
Tốt nghiệp ngành Kế toán Trường ĐH Đông Á năm học 2011-2012, T. (trú quận Hải Châu) gõ cửa ở các cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân cả tháng để xin việc, nhưng nơi nào cũng hứa hẹn rồi… im luôn. Nản lòng, T. xin phụ bán quán nhậu. “Nhiều lúc ngồi nghĩ mà tôi ứa nước mắt, thấy thương ba mẹ vất vả lo cho tôi ăn học, nay đi xin việc chẳng nơi nào nhận”, T. tâm sự.
Cũng rơi vào hoàn cảnh thất nghiệp, N. (trú quận Sơn Trà), tốt nghiệp ngành tiếng Anh Trường ĐH Duy Tân than thở: “Cầm tấm bằng tốt nghiệp Cử nhân tiếng Anh, mấy năm nay, tôi đi xin việc nhiều nơi nhưng chỉ nhận được những lời hứa hẹn từ nhà tuyển dụng mà thôi”. Nản lòng, N. ở nhà chăm con, thỉnh thoảng có ai nhờ dạy kèm tiếng Anh cho con em họ thì N. nhận.
Không chỉ sinh viên các trường ngoài công lập không có việc làm, mà nhiều sinh viên tốt nghiệp loại khá hệ ĐH chính quy ở các trường công lập cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Tốt nghiệp loại khá ĐH Sư phạm, ngành Lịch sử, 2 năm nay, T. (trú quận Thanh Khê) đã nộp hàng chục bộ hồ sơ vào Sở GD-ĐT thành phố Đà Nẵng, Phòng GD-ĐT các quận, huyện xin đi dạy. Mỗi lần được tiếp nhận hồ sơ cũng là mỗi lần T. khấp khởi hy vọng. Nhưng rồi T. đều trượt trong các đợt xét tuyển. “Cứ nghĩ sau khi ra trường, ước mơ trở thành giáo viên của tôi sẽ trở thành hiện thực. Nhưng khổ nỗi, chỉ tiêu tuyển giáo viên ít, nhưng số sinh viên dự tuyển khá nhiều, nên với tấm bằng loại khá, tôi cũng không có cơ hội chen chân. Để ba mẹ đỡ buồn, hiện nay tôi đăng ký đi dạy kèm ở các trung tâm gia sư kiếm tiền tự lo trang trải cuộc sống của mình”, T. buồn bã nói.
Nhiều sinh viên ngành Sư phạm sau khi tốt nghiệp chưa hẳn đã trở thành giáo viên như mong muốn. TRONG ẢNH: Lễ trao bằng tốt nghiệp cho sinh viên của Trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng năm 2012. |
Cung vượt cầu?
Theo ước tính, hằng năm, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, có hơn 10.000 sinh viên, học sinh ở các trường ĐH, CĐ, TCCN tốt nghiệp. Chẳng hạn, năm 2012, Trường ĐH Sư phạm có hơn 1.100 sinh viên các hệ Sư phạm, cử nhân tốt nghiệp. Trong khi đó, nhu cầu tuyển dụng giáo viên hiện nay ở các địa phương khá ít. Để bổ sung nguồn giáo viên cho năm học 2012-2013, Sở GD-ĐT thành phố Đà Nẵng tuyển 19 giáo viên THPT, trong đó tuyển 2 giáo viên Văn, 2 giáo viên Toán, 1 giáo viên Vật lý, 1 giáo viên Hóa, 2 giáo viên Sinh, 1 giáo viên Sử, 1 giáo viên Địa, 1 giáo viên Công nghệ, 1 giáo viên Thể dục, 1 giáo viên Tin học, 1 giáo viên tiếng Anh, 2 giáo viên Giáo dục công dân, 3 giáo viên Giáo dục quốc phòng. Với chỉ tiêu hạn hẹp như trên, nhiều sinh viên có hộ khẩu thường trú tại Đà Nẵng tốt nghiệp loại khá cũng khó có thể có cơ hội chen chân.
Ông Đặng Thanh, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ Sở GD-ĐT thành phố Đà Nẵng, cho biết những năm gần đây, nhu cầu tuyển dụng bổ sung giáo viên rất ít. Và trong những đợt tuyển dụng, ngành GD-ĐT thành phố ưu tiên xét tuyển những người tốt nghiệp tiến sĩ, thạc sĩ, ĐH loại xuất sắc, loại giỏi, nên cơ hội tìm kiếm việc làm của sinh viên ngành Sư phạm tốt nghiệp loại khá, trung bình rất khó.
Còn theo một số trung tâm giới thiệu việc làm, tình trạng đào tạo ào ạt như hiện nay khiến cung vượt cầu, nên dẫn đến hiện tượng sinh viên sau khi ra trường rơi vào cảnh thất nghiệp hoặc làm các công việc mang tính chất tạm bợ, không đúng với chuyên môn đã được học là điều dĩ nhiên.
Bài và ảnh: HÒA KHÁNH