.

“Tiếng kẻng khuyến học” ở Hòa Khánh Bắc

.

19 giờ hằng ngày, tại tổ dân phố 23, 24, 25 thuộc Chi bộ 1 Quang Thành 4B, phường Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu) lại vang lên một hồi kẻng và kèm theo lời nhắc nhở trên 2 chiếc loa truyền thanh: “Đã đến giờ học bài, mời các cháu vào góc học tập”.

Ông Nguyễn Ngọc Niên, Bí thư Chi bộ 1 Quang Thành 4B, người đi đầu trong việc xây dựng mô hình “Tiếng kẻng khuyến học” đạt hiệu quả cao.
Ông Nguyễn Ngọc Niên, Bí thư Chi bộ 1 Quang Thành 4B, người đi đầu trong việc xây dựng mô hình “Tiếng kẻng khuyến học” đạt hiệu quả cao.

Sáng kiến của Bí thư Chi bộ

Ông Nguyễn Ngọc Niên, Bí thư Chi bộ 1 Quang Thành 4B, cho biết tiền thân của mô hình “Tiếng kẻng khuyến học” ngày nay là mô hình “Tiếng kẻng an ninh”. Trước đây, khi hưởng ứng việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Chi bộ đã triển khai mô hình “Tiếng kẻng an ninh” ở tổ dân phố 24. Nếu ai phát hiện kẻ trộm đột nhập nhà dân, thì đánh kẻng, truy hô cho mọi người trong tổ chốt chặn các ngả đường vây bắt trộm.

Sau thời gian hoạt động, khu vực này hầu như không còn xảy ra trộm cắp và “Tiếng kẻng an ninh” cũng im ắng theo. Qua các cuộc họp Chi bộ, ông Nguyễn Ngọc Niên đã đề xuất sáng kiến biến “Tiếng kẻng an ninh” thành “Tiếng kẻng khuyến học” và được hầu hết các đảng viên trong Chi bộ 1 Quang Thành 4B hưởng ứng. “Thay vì bắt trộm thì dùng tiếng kẻng làm phương tiện nhắc nhở học sinh hình thành nề nếp, thói quen học tập”, ông Niên cho hay.

“Tiếng kẻng khuyến học” chính thức vang lên vào 19 giờ hằng ngày. Lúc đầu, chỉ có một số học sinh được cha mẹ nhắc nhở ngồi vào bàn học sau khi có tiếng kẻng báo hiệu, số còn lại vẫn làm việc riêng hoặc chơi game ở các quán Internet. Vì vậy, Chi bộ đã thành lập một tổ tự quản đi kiểm tra, nhắc nhở các em chưa ngoan cũng như động viên cha mẹ quan tâm hơn nữa đến việc học của con mình thông qua việc giảm âm thanh ti-vi, không tổ chức hát karaoke từ 19 giờ.  

Nhờ vậy, sau thời gian ngắn, nhiều học sinh trên địa bàn phường đã hình thành thói quen tự giác học tập. Lê Bá Cường (học sinh lớp 6 Trường THCS Lương Thế Vinh) cho biết: “Tối nào con cũng đi chơi, nhưng khi nghe tiếng loa thì con ngồi vào bàn học”.

Những chuyển biến tích cực

Cùng với việc thực hiện mô hình “Tiếng kẻng khuyến học”, Chi bộ 1 Quang Thành 4B phối hợp chặt chẽ với Chi hội khuyến học khu vực Quang Thành 4B lập sổ theo dõi tình hình học tập của học sinh phổ thông, nắm bắt số lượng học sinh đến lớp, học sinh bỏ học, học sinh lưu ban để có biện pháp vận động, giúp đỡ. Đặc biệt, Chi hội khuyến học đã đề ra bảng chỉ tiêu xét duyệt gia đình hiếu học cho các hội viên trong chi hội nhằm thúc đẩy phong trào hiếu học trong toàn khu dân cư.

Sau gần 5 năm thực hiện “Tiếng kẻng khuyến học”, đến nay ở 3 tổ dân phố 23, 24, 25 không còn tình trạng học sinh bỏ học, tỷ lệ học sinh khá, giỏi ngày càng tăng, nhất là không có tình trạng học sinh chơi game, tụ tập ngoài đường từ 19 giờ trở đi. “Hằng năm số lượng học sinh khá, giỏi 3 cấp, học sinh đậu đại học đều tăng rõ rệt. Gần 5 năm nay, kể từ năm học 2007-2008, trên địa bàn có hơn 200 học sinh phổ thông có học lực khá, giỏi và gần 20 học sinh trúng tuyển vào đại học.

Anh Lê Bá Tín (ở tổ 25, khu vực Quang Thành 4B, phường Hòa Khánh Bắc), một trong những phụ huynh có con đạt thành tích học tập tốt, chia sẻ rằng, mỗi lần “Tiếng kẻng khuyến học” vang lên, vợ chồng anh lại nhắc nhở con học đúng giờ, điều chỉnh nhỏ âm lượng ti-vi... “Năm học vừa qua cháu học tốt,  đứng nhất lớp và thứ nhì toàn trường”, anh Tín cho biết.

Ông Đặng Ngọc Nhân, Chủ tịch UBND phường Hòa Khánh Bắc, cũng nhìn nhận: Trong những năm qua, mô hình “Tiếng kẻng khuyến học” ở Chi bộ 1 Quang Thành 4B đã có những tác dụng thiết thực đối với học sinh, giúp các em ngày càng tiến bộ hơn trong học tập, đồng thời góp phần tích cực vào việc ngăn chặn hiệu quả tình trạng học sinh bỏ học. UBND phường Hòa Khánh Bắc rất khuyến khích các Chi bộ, tổ dân phố trên địa bàn triển khai, nhân rộng môn hình học tập này.

Bài và ảnh: NGỌC ĐOAN

;
.
.
.
.
.