.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh: "Duy Tân là phải đổi mới"

.

(ĐNĐT) - "Nguyên tắc bất di bất dịch trong giáo dục là phải có thầy giỏi mới có trò giỏi. Thầy đọc trò chép, bắt học sinh học thuộc lòng là không nên. Cần phải có phương pháp hướng cho học sinh tự sáng tạo, tìm tòi cái mới. Duy Tân là phải đổi mới".

Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh nhấn mạnh như vậy tại buổi nói chuyện với 400 cán bộ, giảng viên trường ĐH Duy Tân Đà Nẵng sáng ngày 19-9.

....
nghe
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh nói chuyện với các cán bộ, giảng viên trường ĐH Duy Tân.

Tại buổi nói chuyện, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đánh giá cao sự phát triển của ĐH Duy Tân trong hơn 18 năm qua với những thành tựu nhà trường đạt được để dần khẳng định vị thế của mình trong hệ thống các trường ĐH trong cả nước.

"Khu du lịch Nam Hải vừa rồi cũng “đặt hàng” nhà trường mấy chục người. Ngành CNTT cũng đào tạo có chất lượng nên được doanh nghiệp tuyển dụng đánh giá cao. Đó là những thành công, uy tín ban đầu. Tuy nhiên, phải tính xem tương lai của Duy Tân sẽ như thế nào", ông Thanh nói.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nói tiếp: “Tôi muốn hình thành ĐH Duy Tân trước hết phải là đầu tư cơ sở vật chất nhà trường sao cho rộng rãi hơn, khang trang hơn chứ không thể chật chội như thế này. Cần hình thành trường ĐH Duy Tân hoành tráng, có khu vực giảng đường, sân thể dục thể thao, nhà ở cho giáo viên……rộng rãi, thoáng đãng.

Với vị trí đã “chấm” để xây dựng trường ĐH Duy Tân dự định ở Hòa Phước (Hòa Vang) hiện tại thì khá xa trung tâm, và xây dựng sẽ tốn kém. Tôi cũng không ưng chỗ này nên đang âm thầm tìm một nơi khác sao cho thuận lợi hơn để bố trí cho trường xây dựng. Tôi tin là tôi sẽ làm được, nhưng cần phải có thời gian vì cái này liên quan cả ngoài Trung ương”.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh đặc biệt lưu ý, lãnh đạo nhà trường phải thực sự quan tâm, chú trọng tới chất lượng đào tạo. Cần rà soát lại những hệ đào tạo, đồng thời tiếp tục tập trung vào hai ngành thế mạnh hiện nay của trường là CNTT và ngành du lịch.

“Nếu đào tạo không đến nơi đến chốn, trường Duy Tân sẽ bị mang tiếng,  điểm tốt của nhà trường sẽ bị ảnh hưởng. Nên anh đừng ham làm nhiều, đừng làm ra như một bách hóa tổng hợp. Câu chuyện chính là ở việc quan tâm tới chất lượng đào tạo. Cần tập trung vào các ngành mũi nhọn. Chú trọng chất lượng đào tạo tốt thì mới xây dựng được thương hiệu bền lâu”, ông Thanh nhấn mạnh.

Nguyên tắc bất di bất dịch trong giáo dục là phải có thầy giỏi mới có trò giỏi. Bí thư Thành ủy Đà Nẵng ví von việc này như việc tổ chức phải đi tìm cán bộ chứ không thể làm ngược lại quy trình. “Không thể có chuyện có trò giỏi mới có thầy giỏi”.

Vì vậy, Bí thư Thành ủy lưu ý, nhà trường làm sao bằng mọi cách săn tìm cho ra các thầy giỏi trong và ngoài nước, có chế độ chính sách ưu tiên, nếu có khó khăn cần thì báo cáo, thành phố sẽ tạo điều kiện giúp đỡ.

Thầy giỏi rồi thì cần phải có năng lực truyền đạt kiến thức là quan trọng, vì nhiều người thầy giỏi nhưng truyền đạt không tốt, học sinh sẽ không có ấn tượng. Thầy đọc trò chép, bắt học sinh học thuộc lòng là không nên. Cần phải có phương pháp hướng cho học sinh tự sáng tạo, tìm tòi cái mới. Duy Tân là phải đổi mới.

Ông Nguyễn Bá Thanh cũng nhắc tới việc ở Đà Nẵng đang hình thành khu công nghệ cao và đang hướng tới công nghệ cao, công nghệ tập trung.

"FPT họ đang hút về Đà Nẵng và đang phát triển lĩnh vực này. Vậy thì ĐH Duy Tân đóng góp vào lĩnh vực này như thế nào? Hoặc ngành du lịch, hiện đang thiếu trầm trọng người phục vụ chuyên nghiệp. Vậy ĐH Duy Tân có tính toán, có thể kết hợp với một số nước có tên tuổi để học hỏi rồi huấn luyện đội ngũ chuyên nghiệp như vậy không? Ví dụ như đào tạo đầu bếp, anh cứ đào tạo cho giỏi, thì chưa học xong họ đã tới “đặt hàng” rồi. Bao giờ ĐH Duy Tân đào tạo được số sinh viên mà mới chỉ học năm nhất mà đã có đơn vị tới “đặt hàng” rồi mới là đạt yêu cầu", ông Nguyễn Bá Thanh đặt vấn đề.

Theo báo cáo tổng quan của trường ĐH Duy Tân, từ khi thành lập vào ngày 11-11-1994 tới nay, nhà trường luôn huy động tối đa nội lực, hợp tác chặt chẽ với các trường ĐH, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước, phấn đấu trở thành ĐH đa ngành, đa cấp, nhằm đào tạo nguồn nhân lực đạt đẳng cấp quốc tế trong các lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật và kinh tế.

Mô hình đào tạo của nhà trường là “đào tạo gắn liền với nghiên cứu thực nghiệm trên nền nhân văn hiện đại” với các loại hình và ngành/chuyên ngành đào tạo gồm: hệ chính quy (sau đại học 3 ngành; ĐH 17 ngành, 27 chuyên ngành; CĐ 11 ngành); liên thông; văn bằng thứ 2; đào tạo từ xa và đào tạo nghề. Phương thức đào tạo theo học chế tín chỉ và ban hành chuẩn đầu ra cho 62 lượt chuyên ngành.

Đến nay đã có 80 thạc sĩ; 26.807 kiến trúc sư, kỹ sư, cử nhân và hơn 6.000 học sinh tốt nghiệp và có trên 85% sinh viên, học sinh tốt nghiệp có việc làm.

Bên cạnh đó, nhà trường thường xuyên quan tâm tới công tác hợp tác quốc tế về đào tạo; công tác nghiên cứu khoa học…và đạt nhiều thành công đáng kể.

Đắc Mạnh

;
.
.
.
.
.