.
Hợp tác giáo dục Việt Nam - Lào

Nâng cao chất lượng đào tạo

.

Ngày 7-9, tại Viện Anh ngữ (ĐH Đà Nẵng) đã diễn ra Hội nghị Hợp tác giáo dục Việt Nam - Lào năm 2012, do Bộ GD-ĐT Việt Nam cùng Bộ Giáo dục và Thể thao (GD-TT) Lào phối hợp tổ chức. Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Văn Hữu Chiến đã đến dự và phát biểu chào mừng hội nghị.

Các đại biểu tham dự hội nghị.        Ảnh: NGỌC ĐOAN
Các đại biểu tham dự hội nghị.                                                                                                  Ảnh: NGỌC ĐOAN

Báo cáo tại hội nghị cho biết, từ năm 1992 đến nay, trên cơ sở Hiệp định hợp tác kinh tế, văn hóa, giáo dục và khoa học kỹ thuật được ký kết giữa hai Chính phủ Việt Nam - Lào, tổng số cán bộ, học sinh Lào được đưa sang học tập tại các cơ sở GD-ĐT ở Việt Nam là 5.234 người, trong đó có 1.982 người thuộc diện được học bổng của hai Chính phủ, 2.099 người theo diện học bổng của các địa phương, 177 người theo diện học bổng tài trợ của các doanh nghiệp, 62 người theo diện học bổng của các tổ chức quốc tế, 914 người đi học tự túc... Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam đã chủ trương gửi đào tạo cán bộ tại Trường ĐH Quốc gia Lào, đến nay có 415 người sang học tập tại Lào bằng học bổng do nước bạn cấp và có 495 lưu học sinh Việt Nam đang học tại Lào.

Theo Hiệp định hợp tác giữa hai Chính phủ, năm học 2012-2013, Việt Nam tiếp nhận đào tạo 750 lưu học sinh Lào, trong đó riêng Bộ GD-ĐT tiếp nhận 374 cán bộ, sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh, học sinh con em Việt kiều (hệ đào tạo dài hạn 322 người và hệ ngắn hạn 52 người được cấp học bổng), thuộc nhiều lĩnh vực. Hai bên đã và đang triển khai Đề án Nâng cao chất lượng và hiệu quả hợp tác Việt - Lào trong lĩnh vực giáo dục và phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2011-2020.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Việt Nam Phạm Vũ Luận khẳng định: Đề án Nâng cao chất lượng và hiệu quả hợp tác Việt-Lào trong lĩnh vực giáo dục và phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2011-2020 mang ý nghĩa quan trọng trong hợp tác đào tạo giữa hai nước, nhằm đáp ứng nhu cầu nâng cao trình độ và năng lực toàn diện cho đội ngũ cán bộ. Dù vậy, chất lượng đào tạo là yếu tố sống còn để bảo đảm mối quan hệ hợp tác giữa hai nước. Các cơ sở đào tạo không nên vì tình hữu nghị mà vị nể cho những lưu học sinh không đạt chất lượng tốt nghiệp, phải lấy chất lượng làm trọng. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng lưu ý thêm, bên cạnh việc dạy tiếng Việt cho lưu học sinh Lào, các cơ sở giáo dục tại Việt Nam cũng cần chú trọng đến việc dạy tiếng Anh để các lưu học sinh sau khi về nước có thể áp dụng trong công việc.

NGỌC ĐOAN

;
.
.
.
.
.