.

Mãi xứng đáng ngôi trường mang tên Phan Châu Trinh

.

Từ khi ra đời (1952) đến nay, Trường THPT Phan Châu Trinh gắn liền với hai mốc thời gian lịch sử: trước và sau năm 1975. Trước năm 1975, trong 23 năm, ngôi trường bước trên chặng đường đầy biến động của hoàn cảnh đất nước bị chia cắt cùng với cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Sau 1975, ngôi trường lớn lên với thời kỳ thống nhất, xây dựng và phát triển đất nước của tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng và thành phố Đà Nẵng.

Hiệu trưởng Trường THPT Phan Châu Trinh Lê Phú Kỳ gắn bảng tên cho học sinh lớp 10. 					Ảnh: TÚ PHƯƠNG
Hiệu trưởng Trường THPT Phan Châu Trinh Lê Phú Kỳ gắn bảng tên cho học sinh lớp 10. Ảnh: TÚ PHƯƠNG

1- Giai đoạn năm 1952-1975, từ 1 lớp Đệ Thất (lớp 6) đầu tiên đến 68 lớp Đệ Nhất cấp (THCS) và Đệ Nhị cấp (THPT) của niên khóa 1974-1975 là sự lớn mạnh về số lớp, số học sinh và đội ngũ giảng dạy. Trong hơn hai thập kỷ đó, Trường THPT Phan Châu Trinh đã đáp ứng nhu cầu học tập của con em tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng (nay là tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng) và các tỉnh lân cận. Dù phải sống chung với bom đạn chiến tranh nhưng nhà trường đã có những đóng góp to lớn cho công cuộc “khai dân trí” và đấu tranh thống nhất nước nhà. Nhiều thầy cô giáo đã chuyên tâm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục-đào tạo; nhiều học sinh đóng góp tài năng trên các lĩnh vực khoa học, văn hóa, sản xuất, kinh doanh ở mọi miền đất nước…

Đã có không ít thầy và trò tham gia tích cực phong trào đấu tranh yêu nước, chống sự thống trị của ngoại bang những năm 60 và 70 thế kỷ trước. Nhà trường, cùng với các trường bạn, đã là nơi tuyên truyền ý thức độc lập dân tộc, yêu nước chống kẻ thù xâm lược, đòi dân chủ dân quyền. Trong những năm tháng không quên ấy, tuổi trẻ học đường luôn thao thức cùng vận mệnh, sự tồn vong của dân tộc. Những cuộc xuống đường phản đối chính quyền quyết liệt, những buổi diễn thuyết, những tập san, bích báo… chan chứa máu nóng “Những trái tim hồng” của một thời tuổi trẻ Đà Nẵng.

HS giỏi thành phố (2006-2012)

Năm học      Nhất     Nhì     Ba      KK     Tổng cộng
2006-2007    33         54      84      73        244
2007-2008    29         52      89      90        260
2008-2009    28         66    103      85        282
2009-2010    29         82    133      70        314
2010-2011    47          79    113      92        331
2011-2012    43          97    114      97        351

Với sự cống hiến của thầy và trò, trước năm 1975, Ủy ban Mặt trận Dân tộc giải phóng Trung Trung Bộ đã quyết định trao tặng cho Trường Trung học Phan Châu Trinh Huân chương Giải phóng hạng ba, danh hiệu Trường học Anh dũng. Đó là phần thưởng cao quý và hiếm có của một ngôi trường nằm giữa lòng đô thị những năm tháng chiến tranh. Chính học sinh từ ngôi trường này đã góp phần viết tiếp những trang sử thắm tươi cho con người xứ Quảng – cần cù, anh dũng và hiếu học.

2- Năm 1975, quê hương được giải phóng, nước nhà thống nhất, thầy và trò đến trường trong “Mùa xuân đầu tiên” (Văn Cao). Không thể quên năm học 1975-1976, năm học đã để lại ấn tượng khó phai mờ trong tâm trí bao người. Trường lớp cũ mà bỗng dưng mới mẻ; thầy trò có người lạ mà như đã từng quen… Nhưng quan trọng hơn cả, đổi thay lớn hơn cả là, từ đây, cái nhìn, cách nghĩ, cách làm giáo dục dưới mái trường này đã đổi thay căn bản theo quan điểm và hệ thống giáo dục mới. Khối cấp II (THCS) được tách ra, Trường Trung học Phan Châu Trinh trở thành Trường PTTH Phan Châu Trinh; rồi từ năm học 1999-2000 trường có tên là THPT Phan Châu Trinh cho đến nay.

37 năm kể từ năm 1975, phát huy truyền thống Trung học Phan Châu Trinh, với mục tiêu mới, nhiệm vụ mới, trường ngày càng được tiếp tục xây dựng, củng cố và phát triển.

Năm học 1975-1976, trường có 2.861 học sinh với 56 lớp. Đến năm học 1985-1986, số học sinh tăng lên 3.084, với 73 lớp. Bước vào năm học 2012-2013 với 98 lớp và học sinh lên đến con số 4.800. Nhà trường đã và đang đảm đương một số lượng học sinh công lập lớn nhất thành phố (thuộc loại trường có số lượng học sinh đông nhất Việt Nam), góp phần quan trọng trong việc nâng cao dân trí, đào tạo học vấn phổ thông, cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cho xã hội.

Quang cảnh buổi khai giảng.    Ảnh: NhÂn Mùi
Quang cảnh buổi khai giảng. Ảnh: NhÂn Mùi

Cùng với sự gia tăng sĩ số, nhà trường luôn chú ý đến công tác xây dựng đội ngũ quản lý, giáo viên tương xứng với tầm vóc ngôi trường. Đội ngũ không ngừng được tuyển chọn, bổ sung, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn. Đến năm học này, trường có gần 220 cán bộ, giáo viên, nhân viên, biên chế thành 14 tổ chuyên môn và hành chính với 42 thạc sĩ, 2 nghiên cứu sinh; trong đó, có 5 thạc sĩ được đào tạo ở nước ngoài và 1 nhà giáo được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú.

Trong quá trình xây dựng và phát triển, nhà trường thực hiện tốt các chủ trương của Bộ GD-ĐT, thành phố, của các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể. Dù thực hiện chương trình phổ thông hay phân ban, đảm nhận nhiệm vụ phổ cập hay đào tạo các lớp chuyên, thực hiện công tác dạy học chính khóa hay hoạt động ngoài giờ lên lớp, Trường THPT Phan Châu Trinh luôn là một trong các đơn vị đi đầu, đạt được hiệu quả giáo dục cao với thành tích nổi bật.

Chất lượng giáo dục toàn diện được chú trọng và ngày càng được nâng lên. Số học sinh tốt nghiệp THPT, đỗ đại học, học sinh giỏi, học sinh năng khiếu cấp thành phố, khu vực, quốc gia và quốc tế là những nét son trong truyền thống nhà trường. Nhà trường có chú ý đến các hoạt động ngoại khóa, giáo dục kỹ năng sống, tổ chức các cuộc thi sáng tạo, các hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao… Trường luôn dẫn đầu thành phố và đạt thành tích cao về liên hoan văn nghệ, Hội khỏe Phù Đổng, các hội thi sáng tạo-kỹ thuật, các cuộc thi ở quy mô thành phố, khu vực và toàn quốc.

Thành tích học tập (2006-2012)

Olympic 30-4

Năm học    HC Vàng     HC Bạc    HC Đồng    Tổng cộng
2006-2007       1                    6                7                    14
2007-2008       1                    7                9                    17
2008-2009       2                  13               11                   26
2009-2010       6                  12               16                   34
2010-2011       5                    9                15                   29
2011-2012       1                    8                12                   21

Kết quả học tập

Năm học     HS giỏi     HS tốt nghiệp    Đỗ ĐH, Cao đẳng
2006-2007    214                99,8%                        90%
2007-2008    314                99,5%                        93%
2008-2009    429                99,9%                        92%
2009-2010    536                100%                         92%
2010-2011    630                100%                          95%
2011-2012    591                100%                          96%

Hoạt động hết sức ý nghĩa, mang tính xã hội hóa, góp phần hỗ trợ cho nhà trường là công tác của Ban đại diện cha mẹ học sinh, Hội khuyến học và các Ban liên lạc cựu học sinh. Mấy chục năm qua, với mong mỏi cùng chăm sóc, giáo dục con em, các lực lượng này đã giữ vai trò là chỗ dựa tinh thần cho thầy và trò, cùng chia sẻ những khó khăn, cùng tham gia nhiều hoạt động. Thành tích của nhà trường không thể thiếu những tấm lòng và tinh thần trách nhiệm quý báu đó.

Những danh hiệu, tặng thưởng thường khẳng định vị trí một ngôi trường. Và còn một phần thưởng khác, có ý nghĩa không kém, thậm chí lớn hơn, đó chính là niềm tin, lòng yêu quý của nhân dân, phụ huynh, cựu giáo viên, cựu học sinh đã dành cho nhà trường. Học sinh biết tri ân thầy cô, còn thầy trò luôn biết tri ân những người vì sự nghiệp giáo dục cao cả của mái trường này.

Thật khó kể hết về những thành quả và ý nghĩa của mái trường trên hành trình 60 năm qua. Có thể khẳng định rằng, những đóng góp của Trường THPT Phan Châu Trinh cho tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng, cho thành phố Đà Nẵng là vô cùng to lớn. Điều đó khẳng định sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn và quan tâm sâu sắc của thành phố, của ngành là sự nỗ lực phấn  đấu, huy động các lực lượng của các thế hệ cán bộ quản lý, thầy cô giáo Trường THPT Phan Châu Trinh. Bài học thành công rút ra ở đây cũng thật giản dị; đó là, tất cả đều yêu quý việc học, tất cả đều vì việc học, vì tương lai con em và đất nước, đúng như tinh thần lấy “Khai dân trí” làm mục tiêu hàng đầu của Nhà yêu nước cách mạng Phan Châu Trinh.
3- Bước vào thời kỳ mới, thế kỷ mới, với những mục tiêu của thành phố giai đoạn từ nay đến 2020, Trường THPT Phan Châu Trinh đang đứng trước những vận hội mới và những thử thách không dễ vượt qua. Đó là yêu cầu “đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo”, “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập kinh tế của đất nước”, tập trung nguồn lực phát triển thành phố Đà Nẵng thành một trong những trung tâm kinh tế-văn hóa của cả nước; phấn đấu xây dựng thành phố môi trường, văn minh, đáng sống. Trường THPT Phan Châu Trinh không thể không chuyển mình, không thể không đổi mới cách dạy, cách học, hướng đến việc chuẩn bị tốt nhất cho một bộ phận nhân lực lớn và ưu tú của thành phố trong tương lai không xa.

Trong định hướng của mình, nhà trường tiếp tục củng cố những thành tích được xã hội thừa nhận, tăng cường chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh, ưu tiên cho bộ phận học sinh giỏi, học sinh năng khiếu; tăng cường giáo dục phẩm chất đạo đức, kỹ năng sống, khả năng ngoại ngữ, năng lực vận dụng, thực hành, tư duy độc lập sáng tạo.

Muốn vậy, nhà trường cần được thành phố đầu tư mở rộng, xây dựng giai đoạn 2 trên cơ sở cũ; tiếp tục mua sắm trang thiết bị dạy học hiện đại theo yêu cầu điện tử hóa, tin học hóa nhà trường. Về đội ngũ, tăng cường ý thức nghề nghiệp và bản lĩnh sư phạm, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, học tập trao đổi nhằm nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn.

Mặc dù phải đối diện với những thách thức như số lượng học sinh, năng lực đội ngũ, cơ sở vật chất-kỹ thuật, yêu cầu đổi mới phương pháp, sự chuyển biến xu hướng tâm lý tuổi trẻ thời kỳ mới, v.v… nhưng với truyền thống 60 năm xây dựng và phát triển, nhà trường chắc chắn sẽ tiếp tục lớn mạnh, bảo đảm chất lượng giáo dục, đáp ứng nhiệm vụ mới.

Hãy mãi xứng đáng là ngôi trường vinh dự mang tên Phan Châu Trinh!

Nhà giáo Ưu tú Lê Phú Kỳ

Hiệu trưởng, cựu học sinh

;
.
.
.
.
.