.

Tái diễn học sinh đi xe máy đến trường

.

Sở GD-ĐT thành phố đã có quy định cấm học sinh đi xe máy đến trường. Thế nhưng trong những ngày đầu năm học 2012-2013, tình trạng này lại tái diễn.

Vào đầu mỗi buổi học hoặc lúc tan trường, dễ dàng bắt gặp rất nhiều học sinh phóng xe chạy bạt mạng trên đường. Trong khi đó, việc kiểm tra, xử lý học sinh vi phạm vẫn chưa được nhà trường và các lực lượng chức năng thực hiện triệt để.

Bất chấp quy định cấm, nữ sinh vẫn đi xe máy đến trường.
Bất chấp quy định cấm, nữ sinh vẫn đi xe máy đến trường.

Vi phạm tràn lan

Sáng 7-9, ở đường Lê Thánh Tôn, xen lẫn với từng tốp học sinh đạp xe, có nhiều học sinh Trường THPT Trần Phú đi xe máy đến trường. Và để “né” các thầy cô giáo, trước giờ vào lớp, học sinh “giấu” xe vào các hàng quán, điểm giữ xe máy ở gần trường, rồi thản nhiên vào lớp học. Theo quan sát, nơi đây có 2 điểm chuyên giữ xe máy cho học sinh. Một số người dân cho biết, vào giờ tan trường, các cô, cậu học sinh còn tụm 3, tụm 4 dàn xe hàng ngang trên đường, vừa đi vừa trò chuyện, gây cản trở giao thông.

Trong những ngày qua, chúng tôi liên tục bắt gặp nhiều hình ảnh học sinh đi học bằng xe máy, xe máy điện, xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm (MBH) trên các tuyến đường. Nhiều em vô tư chạy lạng lách, dàn hàng ngang trên đường. Sáng 5-9, tại Trường THPT Ngô Quyền cũng có hàng chục học sinh sử dụng xe đạp điện, xe máy điện đi học nhưng không đội MBH.

Còn tại các Trường THPT Thanh Khê, tình trạng học sinh đến trường bằng xe gắn máy, xe máy điện, xe đạp điện nhưng không đội MBH cũng xảy ra khá nhiều. Tương tự những học sinh trường khác, học sinh Trường THPT Thanh Khê gửi xe máy ở hàng quán, nhà người quen, sau đó mới vào lớp. Một học sinh giải thích, em biết lâu nay Sở GD-ĐT, nhà trường cấm học sinh đi học bằng xe máy, nhưng nhà xa nên em đi xe máy cho khỏe (!?).

Theo một giáo viên Trường THPT Thanh Khê, vào đầu buổi học hoặc lúc tan trường, ở khu vực bên ngoài trường diễn ra tình trạng học sinh đi xe máy, xe đạp điện không đội MBH. Tuy nhiên, khi đến lớp, các em lén lút gửi xe bên ngoài trường, giáo viên cũng khó nhắc nhở các em. Bởi lẽ, các điểm giữ xe được tổ chức bên ngoài cổng trường; thêm vào đó, khi ra về, học sinh thường về trước giáo viên nên khó phát hiện, xử lý.

Giáo dục, nâng cao nhận thức của học sinh

Ông Nguyễn Thanh Phương, Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Quyền thừa nhận, tình trạng học sinh nhà trường đi xe máy, xe đạp điện không đội MBH vẫn còn xảy ra. Và để hạn chế, ngăn ngừa tình trạng này, trong các giờ chào cờ đầu tuần, Ban giám hiệu nhà trường đã phổ biến, tuyên truyền để học sinh nghiêm chỉnh chấp hành Luật Giao thông đường bộ. Bên cạnh đó, nhà trường cũng triển khai quy định của Sở GD-ĐT về việc cấm học sinh đi học bằng xe gắn máy; còn nếu đi xe máy điện, xe đạp điện thì phải đội MBH và yêu cầu học sinh ký cam kết không vi phạm. Ngoài ra, Ban giám hiệu làm việc với các hàng quán khu vực xung quanh trường, đề nghị họ không tổ chức giữ xe gắn máy cho học sinh. Trường hợp phát hiện học sinh vi phạm sẽ xử lý nghiêm khắc, hạ hạnh kiểm nhằm răn đe, giáo dục.

Ngày 6-9, trao đổi với chúng tôi về các giải pháp ngăn chặn, xử lý tình trạng học sinh đi học bằng xe máy, ông Nguyễn Minh Hùng, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, để hạn chế tình trạng học sinh vi phạm Luật Giao thông, Sở đã và đang tiếp tục phối hợp với Phòng CSGT Công an thành phố và Công an các địa phương tiến hành kiểm tra, xử lý đột xuất các trường học trên địa bàn. Mặt khác, Sở GD-ĐT đã yêu cầu Ban giám hiệu các trường tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đối với học sinh; phối hợp cùng chính quyền địa phương xử lý các điểm giữ xe trái quy định. Bên cạnh đó, nhà trường thường xuyên theo dõi, kiểm tra xử lý học sinh vi phạm. Với những trường hợp vi phạm, nhà trường cần tổ chức phê bình trong buổi lễ chào cờ đầu tuần, nhằm răn đe, làm gương cho những học sinh khác.

Bài và ảnh: HÒA KHÁNH

;
.
.
.
.
.