Năm học 2012-2013, trong số 12 trường tiểu học với 8.727 học sinh trên địa bàn quận Liên Chiểu, mới có 4 trường tổ chức bán trú cho gần 800 học sinh lớp 1. Con số này quá thấp so với nhu cầu thực tế.
Một bữa ăn trưa của khối bán trú, Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi. |
Thực tế, việc tổ chức bán trú cho học sinh tiểu học đã được một số trường ở quận Liên Chiểu triển khai cách đây 5-7 năm. Nhưng rồi do từng trường tự đảm nhiệm khâu ăn uống, nghỉ ngơi cho học sinh khi cơ sở vật chất chưa đáp ứng, quá trình triển khai nảy sinh nhiều phức tạp, ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy và học tập của giáo viên cũng như học sinh. Vì vậy, việc bán trú chỉ được triển khai trong thời gian ngắn thì ngừng. Cách đây 3 năm, có 4 trường tổ chức lại việc bán trú cho gần 800 học sinh, chủ yếu lớp 1 và duy trì cho đến nay.
Ông Lê Văn Nghĩa, Trưởng Phòng GD-ĐT quận Liên Chiểu cho biết, bán trú cho học sinh tiểu học, nhất là lớp 1, đang là nhu cầu bức thiết không chỉ của nhà trường mà cả phụ huynh. Ở bán trú, nhà trường thuận lợi trong việc tổ chức học 2 buổi/ngày, nâng cao chất lượng dạy và học. Phụ huynh không mất thời gian chờ đợi, đưa đón, chăm sóc con em vào buổi trưa, cũng không phải đi lại vào giờ cao điểm. Hiện nay, cả 4 trường đều phối hợp với một doanh nghiệp (DN) có chức năng cung cấp suất ăn cho học sinh theo đơn đặt hàng và có sự giám sát chặt chẽ của Ban bán trú nhà trường. Trong điều kiện chưa đủ kinh phí, mặt bằng xây dựng bếp một chiều đúng tiêu chuẩn, cách làm này đang phát huy hiệu quả, được phụ huynh đồng tình. Phòng GĐ-ĐT quận đang có kế hoạch phối hợp với chính quyền địa phương, hội phụ huynh triển khai ở 8 trường còn lại, trong đó 2 trường sẽ xây dựng bếp ăn một chiều, đồng thời phấn đấu đến năm 2015 tất cả các học sinh tiểu học có nhu cầu ở bán trú đều được đáp ứng.
Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (ở phường Hòa Khánh Nam) tổ chức bán trú cho học sinh từ năm học 2009-2010. Ông Lê Anh Dũng, Hiệu trưởng cho biết cuối mỗi tuần, DN đưa thực đơn tuần tới cho trường chọn. Trước mỗi bữa ăn, Ban bán trú, trong đó có cán bộ y tế của trường kiểm tra chất, định lượng và lấy mẫu lưu giữ cẩn thận.
Nhà ăn của Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi rộng và thoáng. Bố trí theo từng dãy, 240 học sinh lớp một dùng bữa trưa trật tự. Hỏi chuyện các em về bữa ăn, các em cho biết ăn ngon và đủ lượng. Ông Dũng cho biết thêm, ưu việt của cách làm này là giáo viên không bị chi phối bởi việc lo ăn uống cho học sinh, có điều kiện tập trung cho giảng dạy. Nếu trường đảm nhiệm khâu ăn uống, có thể có những phức tạp nảy sinh, rồi suốt ngày lo họp hành giải quyết. Hơn nữa, DN có tư cách pháp nhân, tính chuyên nghiệp trong lĩnh vực này, suất ăn cung cấp cũng bảo đảm chất lượng. Về an toàn vệ sinh thực phẩm, DN chịu trách nhiệm hoàn toàn, có hợp đồng bảo hiểm mỗi trường hợp rủi ro lên đến 50 triệu đồng. Trong điều kiện cơ sở vật chất chưa cho phép, cách làm này khả thi hơn cả. Dự kiến năm học tới, trường sẽ nâng số lớp bán trú lên gấp đôi hiện nay.
Ở phường Hòa Hiệp Bắc, Trường tiểu học Trần Bình Trọng cũng đã tổ chức bán trú cho 117/525 học sinh của toàn trường từ năm học 2009-2010. Cũng như Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, trường này phối hợp với DN cung cấp suất ăn trưa cho học sinh. Ông Nguyễn Hỷ, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, điều lo ngại nhất là an toàn vệ sinh thực phẩm đã được giải quyết, bởi DN rất có trách nhiệm trong vấn đề này. Hơn nữa, trước khi tiếp nhận thức ăn từ DN, y sĩ của trường kiểm tra rất chu đáo. 3 năm qua, chưa có trường hợp nào bị ảnh hưởng đến sức khỏe do ăn uống gây nên.
Gần 10% học sinh tiểu học học bán trú là tỷ lệ khá thấp ở quận Liên Chiểu hiện nay. Trong khi đó, nhu cầu học bán trú đối với học sinh rất cao. Qua thực tế triển khai ở 4 trường trên địa bàn quận đã tổ chức bán trú, giải pháp để đơn vị có tư cách pháp nhân, chuyên cung cấp suất ăn, đáp ứng nhu cầu về khâu ăn uống cho học sinh bán trú nêu trên cần được nhân rộng, nhất là trong điều kiện cơ sở vật chất của mỗi trường chưa đáp ứng. Về lâu dài, khi điều kiện cho phép sẽ chuyển dần sang hình thức mỗi trường xây dựng bếp ăn đúng tiêu chuẩn, tự đảm nhiệm nhu cầu ăn uống của học sinh, theo định hướng của ngành giáo dục.
Bài và ảnh: N.C