Trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng, PGS, TS Trần Văn Nam (ảnh), Giám đốc ĐH Đà Nẵng cho rằng, cần đổi mới triệt để tư duy trong lĩnh vực đào tạo ĐH. Việc đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam, trong đó có giáo dục ĐH, đang được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.
* Thời gian qua, dư luận xã hội cho rằng, giáo dục ĐH hiện nay còn nhiều yếu kém, bất cập. Theo ông, nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này?
- Theo tôi, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó có các nguyên nhân xuất phát từ cả 3 chủ thể tham gia vào quá trình đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực. Thứ nhất, người học thiếu mục tiêu rõ ràng, học để lấy bằng, ít chú trọng đến năng lực nghề nghiệp, phương pháp học tập thụ động, đối phó, theo lối mòn từ thời phổ thông (đổi mới giáo dục ĐH phải trên nền tảng đổi mới giáo dục phổ thông). Nhưng điều đáng lo ngại là hiện nay các trường chuyên ở phổ thông nặng về thi thố, thành tích. Việc học của học sinh là học để kiếm việc làm, các nghề có thu nhập cao, không xuất phát từ năng lực và đam mê. Nhiều người học rất giỏi nhưng sau khi ra trường không tìm được việc làm, hoặc có thu nhập rất thấp. Trong khi đó, nhiều người khác học không giỏi nhưng có được việc làm tốt, thu nhập cao. “Đừng hỏi vì sao nghèo mà học giỏi. Hãy hỏi vì sao học giỏi vẫn nghèo”, với tâm tư thế này thì khó có được động lực để học tập tốt.
Thứ hai, một số cơ sở giáo dục ĐH thiếu một triết lý giáo dục ĐH rõ ràng, một chiến lược dài hạn, chỉ tập trung vào các chính sách ngắn hạn nhằm giải quyết tình thế, đồng thời vẫn còn sự khác biệt lớn giữa mong muốn và hành động cụ thể ở tất cả các cấp lãnh đạo. Những năm gần đây, quy mô đào tạo (số lượng trường và số lượng sinh viên) tăng quá nhanh, nhưng quy mô đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất không phát triển kịp. Năng lực quản lý quá yếu kém, không theo kịp nhu cầu hiện nay. Thêm vào đó là sự quản lý lạc hậu về cả cơ cấu tổ chức, phân công trách nhiệm, quyền hạn, nghĩa vụ và quyền lợi. Hoạt động giám sát, kiểm tra, khen thưởng, xử phạt còn nhiều hạn chế nên nhiều chính sách, chủ trương không được thực hiện nghiêm chỉnh. Việc hội nhập quốc tế trong lĩnh vực đào tạo ĐH ở nước ta hiện vẫn chậm.
Cuối cùng là cơ quan, đơn vị sử dụng lao động vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Đối với cơ quan Nhà nước, các doanh nghiệp Nhà nước, cơ chế để tuyển dụng, đề bạt, đãi ngộ, cơ hội thăng tiến chú trọng bằng cấp, quan hệ quen biết, nể nang nhau. Điều này là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng học để lấy bằng cấp, hợp thức hóa trình độ. Vì thế, cần phải đổi mới cơ chế tuyển dụng, đề bạt, đãi ngộ phải dựa vào năng lực, đạo đức nghề nghiệp chứ không dựa chủ yếu vào thâm niên và bằng cấp.
* Thực trạng đào tạo ào ạt, mất cân đối giữa cơ cấu ngành, nghề ở các trường công và trường tư hiện nay khiến nhiều sinh viên ra trường rơi vào cảnh thất nghiệp hoặc phải làm việc trái ngành, nghề. Theo ông, Bộ GD-ĐT và các cơ quan chức năng liên quan cần làm gì để hạn chế tình trạng này?
- Tôi nghĩ cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhưng phải tập trung tăng cường hoạt động thống kê, dự báo một cách chính xác nhu cầu nguồn nhân lực. Đây là giải pháp yêu cầu sự phối hợp của nhiều Bộ, ngành và phải ứng dụng Công nghệ thông tin mạnh mẽ mới giải quyết được. Phải có quy hoạch tổng thể và dài hạn để định hướng phát triển nguồn nhân lực, tránh chạy theo nhu cầu hiện tại một cách thái quá như hiện nay. Phải tăng cường sự linh hoạt trong đào tạo để người lao động dễ dàng trong chuyển đổi nghề nghiệp.
* Ở góc độ của nhà quản lý giáo dục, ông thấy giáo dục ĐH hiện nay cần đổi mới như thế nào để đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ CNH-HĐH đất nước?
- Cần phải đổi mới nhiều thứ. Song, mấu chốt là đổi mới triệt để tư duy trong lĩnh vực đào tạo ĐH. Hiện nay, cả hệ thống đang luẩn quẩn giữa tư duy bao cấp (muốn ôm đồm, quản lý tập trung, phân phát theo kiểu xin - cho của cơ chế cũ), vừa muốn hệ thống vận hành theo cơ chế thị trường. Cần vận hành theo cơ chế tam quyền: Bộ phận xây dựng chính sách (lập pháp); bộ phận điều hành hoạt động (hành pháp); và bộ phận giám sát, xử phạt (tư pháp) phải độc lập để tránh kiểu “vừa đá bóng vừa thổi còi” như hiện nay. Đẩy mạnh cơ chế tự chủ và phát huy dân chủ trong giáo dục ĐH. Đổi mới triệt để công tác quản lý, thực hiện công bằng, công khai, minh bạch và xử phạt nghiêm minh với những sai phạm. Luật Giáo dục ĐH đã ra đời chắc rằng sẽ thổi luồng sinh khí mới cho giáo dục ĐH Việt Nam.
* Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
NGỌC ĐOAN thực hiện