.
Cấp bách đổi mới giáo dục

Bài 3: Triết lý vị nhân sinh

.

Nền giáo dục Việt Nam đang tồn tại triết lý thực dụng và chệch dần mục tiêu giáo dục là hình thành con người có cả nhân cách lẫn trí tuệ. Triết lý thực dụng đó đang ảnh hưởng đến sự phát triển của nhiều thế hệ học sinh, sinh viên và khiến giáo dục ngày càng lâm vào khủng hoảng.

Triết lý thực dụng ngày nay là học để thi, lấy bằng, làm quan chứ không phải học để trang bị nhân cách làm người.
Triết lý thực dụng ngày nay là học để thi, lấy bằng, làm quan chứ không phải học để trang bị nhân cách làm người.

Đại phẫu cả hệ thống

Ông Vũ Quang Thành, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Đà Nẵng đã dành hơn 15 năm nay để nghiên cứu về lĩnh vực giáo dục. Theo ông, những hạn chế, tồn tại dẫn đến khủng hoảng trong nền giáo dục đã kéo dài qua nhiều năm, ảnh hưởng đến sự phát triển của nhiều thế hệ và không dễ để khắc phục. “Khủng hoảng trong nội bộ ngành giáo dục sau đó lan rộng ra toàn xã hội, vào đến các gia đình và quay ngược vào diễn đàn của Quốc hội, của Đảng. Từ đó, đưa đến quyết định là phải đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam”, ông Thành nói.


Từ thực tế hiện nay, ông Vũ Quang Thành cho rằng, nền giáo dục Việt Nam đang tồn tại nhiều mâu thuẫn: “Mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế với phát triển xã hội. Đơn cử như chuyện Chính phủ bàn nhiều về các giải pháp phát triển kinh tế, đẩy lùi lạm phát hơn là chú trọng các biện pháp cụ thể để đổi mới giáo dục. Mâu thuẫn nữa là giữa lý thuyết và thực hành. Các cấp học hiện đều nặng về lý thuyết, xem nhẹ thực hành và tình trạng này diễn ra trong thời gian dài. Mâu thuẫn giữa kiến thức và kỹ năng vận dụng, giữa học vấn và năng lực hoạt động thực tế, giữa hiểu biết và văn hóa ứng xử. Thêm vào đó, triết lý giáo dục của Việt Nam cũng đang đi chệch hướng”. Cái triết lý xưa với những lời dạy “Học đi đôi với hành”, “Tiên học lễ, hậu học văn”… dường như yếu thế hơn so với triết lý thực dụng ngày nay là học để thi, lấy bằng, làm quan chứ không phải học để trang bị nhân cách làm người, để trở thành những người có ích cho xã hội. Triết lý giáo dục bị chệch hướng, ngày càng thực dụng hơn đã khiến nền giáo dục lâm vào khủng hoảng với những mục tiêu xa dần với định hướng ban đầu mà giáo dục Việt Nam hướng đến là hình thành những con người XHCN, biết học tốt nhưng cũng biết sống vì mọi người và đặt lợi ích của đất nước, của xã hội lên trên hết.

Khủng hoảng của nền giáo dục Việt Nam lan truyền trong cả hệ thống, từ nhân tố con người là đội ngũ giáo viên, các nhà quản lý giáo dục đến nội dung, chương trình, phương pháp dạy và học, các chế độ, chính sách đầu tư cho phát triển giáo dục. “Chúng ta đang lâm vào tình trạng thừa thầy thiếu thợ, giáo viên giỏi thì ít, giáo viên không đạt chuẩn, trình độ trung bình lại nhiều. Mà thầy không giỏi, làm sao dạy trò giỏi được. Thêm vào đó, hoạt động dạy học là hoạt động thiêng liêng, đáng quý, đáng trọng nhưng lại bị hành chính hóa, thương mại hóa. Hành chính hóa ở chỗ, chỉ cần dạy đủ giờ, đủ tiết chứ không chú trọng đến nội dung, dẫn đến tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan. Thu nhập thấp khiến cho giáo viên lo kiếm sống, tâm tư nặng nề, không có sự đầu tư kỹ lưỡng cho việc dạy học”, ông Thành phân tích.

“Sau bánh mì là giáo dục”

Là người gắn bó với ngành giáo dục trong thời gian dài, ông Huỳnh Văn Hoa, Bí thư Đảng ủy khối Các cơ quan thành phố, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng trăn trở: “La Roche Foucault có nói: Sau bánh mì là giáo dục. Giáo dục là nhu cầu của con người, đặc biệt là nhu cầu khai sáng, nhu cầu hiếu tri. Giáo dục phải tạo ra môi trường cho sự phát triển. Những điều này, chúng ta còn thiếu, nhất là những vấn đề liên quan đến phát triển nhân cách, đến học để làm người công dân có ích, sống lương thiện”. Thực tế, tình trạng học giả, bằng thật đang là nỗi đau nhức nhối khi nhắc đến chất lượng giáo dục hiện nay. Về vấn đề này, ông Hoa nói: “Tâm lý sính bằng cấp và bệnh thành tích đâu chỉ là mặt trái của ngành giáo dục, mà là mặt trái của cả xã hội ta đó chứ? Xem cách tuyển dụng công chức của ta thì rõ. Đâu có trọng thực tài? Trọng bằng cấp đấy! Dẫu vậy, xét đến cùng, việc đào tạo tràn lan, đào tạo không có kế hoạch, đào tạo không có chất lượng, buông lỏng khâu kiểm tra, đánh giá, cho ra đời nhiều sản phẩm non yếu... thì hậu quả đó, ngành giáo dục phải chịu trách nhiệm trước xã hội. Trong mớ hỗn độn đó, chuộng bằng cấp là con đường phải chọn, không thể khác được”.

Để khắc phục tình trạng này, ông Hoa cho rằng, cần đổi mới toàn diện nền giáo dục, kiên quyết, không chắp vá, không gò ép. Đồng thời, không chạy theo số lượng, mà phải lấy chất lượng làm trọng. Tập trung phát triển các năng lực sáng tạo, tạo thế chủ động cho người học; tăng cường quản lý đào tạo, cải tiến phương pháp đánh giá, ứng dụng công nghệ thông tin; cải cách công tác thi đua của ngành giáo dục.

Liên quan đến chuyện dạy học hiện nay chưa chú trọng đến việc giáo dục đạo đức, kỹ năng sống và những hiểu biết về pháp luật cho học sinh, sinh viên, dẫn đến những biểu hiện lệch lạc về hành vi, lối sống trong một bộ phận học sinh, sinh viên, theo ông Hoa, nếu bảo ngành giáo dục phải chịu trách nhiệm về thực trạng này thì chỉ đúng một phần. “Chúng ta thừa nhận rằng, con người chịu tác động bởi 3 môi trường: gia đình, học đường và xã hội. Trong 3 môi trường đó, hai môi trường bị ô nhiễm nặng, đó là gia đình và xã hội. Những giềng mối tốt đẹp về yếu tố gia trong gia đình (gia phong, gia giáo, gia đạo, gia huấn, gia thanh...) bị vỡ từng mảng. Nhiều biểu hiện lệch lạc, không làm gương, trước hết là từ gia đình, sau đó đến xã hội. Xã hội chúng ta có quá nhiều hình ảnh xấu, không làm hình mẫu cho thanh-thiếu niên noi gương và học tập, thì làm sao giáo dục hành vi, lối sống cho họ được. Đành rằng, trong sự xuống cấp về đạo đức, thiếu kỹ năng sống, có một phần trách nhiệm của ngành giáo dục. Song, không thể nói thiếu sót hay yếu kém đó là trách nhiệm chỉ của giáo dục”, ông Hoa lý giải.

Như vậy, chất lượng giáo dục không chỉ phụ thuộc vào sự nỗ lực của ngành nói riêng mà còn liên quan đến sự đầu tư của xã hội, sự quan tâm của từng gia đình. Đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục vì thế gắn bó mật thiết đến việc điều chỉnh những hoạt động xã hội và nâng cao ý thức con người, để làm sao giáo dục thực sự là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn xã hội.

(Còn nữa)

Bài và ảnh: HÀ AN
 

;
.
.
.
.
.